Tiếp sức cho người dân vùng lũ Trường Xuân

Cập nhật lúc 13:58, Thứ Ba, 01/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Những trận mưa liên tiếp vào trung tuần tháng 10 vừa qua đã gây ngập lụt nặng nề cho hầu hết các địa phương huyện Quảng Ninh. Trường Xuân, một xã miền núi nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm, gây cô lập trong nhiều ngày khiến cuộc sống người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Ngay sau khi lũ rút, chúng tôi đã có dịp theo chân đoàn cứu trợ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về với địa phương này để tham gia tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn...

Tuyến đường độc đạo nối đường Hồ Chí Minh với trung tâm xã Trường Xuân và các bản làng đang trong giai đoạn thi công, gặp mưa lớn kéo dài trở nên lầy lội, khó đi. Đoàn cứu trợ phải dùng những chiếc xe gắn máy huy động từ các lực lượng đang thi công trên tuyến đường này "tăng bo" mới vào được đến bản Hang Chuồn.

Mẹ Hồ Thị Xuân, năm nay đã ngoài 80 tuổi hối hả đun nồi nước chè xanh mời khách với vẻ mặt hồ hởi: "Mấy chú vô được đây cùng dân bản, mẹ vui lắm! Mấy ngày qua nước lũ dâng cao, ngập lụt, cả bản không ai ra ngoài được để mua gạo, thức ăn. May có mấy chú ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) và cán bộ xã nhắc nhở phải dự trữ lương thực, thực phẩm, không thì đói cũng chẳng biết kêu ai". Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, mẹ Xuân sống một mình. Người chồng quá cố đã rời bỏ mẹ sau một trận sốt liên miên kéo dài hơn 10 ngày.

Cuộc sống cơ cực của mẹ cứ tái hiện dần qua từng dòng tâm sự với chúng tôi. Từng tham gia dân công hỏa tuyến lúc mới 18 tuổi tại chiến trường Quảng Trị, nhưng sau ngày đất nước được thống nhất, đến nay mẹ vẫn không nhận được khoản trợ cấp nào. Nhận lấy những món hàng cứu trợ, nước mắt mẹ cứ lưng tròng. "Chừ mẹ có chăn ấm, nhưng mẹ một mình. Giá như ông ấy còn sống..." - Mẹ Xuân ngậm ngùi.

Đoàn cứu trợ trao quà cho người dân bản Hang Chuồn (Trường Xuân, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Hoàng
Đoàn cứu trợ trao quà cho người dân bản Hang Chuồn (Trường Xuân, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Hoàng

Hồ Pa, Trưởng bản Hang Chuồn cho biết: Bản có 35 hộ dân với 131 nhân khẩu. Do địa hình vùng rừng núi nên diện tích lúa nước của người dân rất hạn chế, chủ yếu là canh tác các loại hoa màu nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn ấy hằn sâu trên từng gương mặt của những người già, trai trẻ, len lỏi vào tận trang viết của từng em học sinh khi phải vượt lũ đến trường trong những ngày mưa gió. Dẫu vậy, sự học của con em vẫn được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức. Hiện tại, bản có 2 em đang học cấp III tại trường huyện, 16 học sinh cấp II, 17 học sinh cấp I và mẫu giáo.

Làng TNLN Trường Xuân với gần 40 hộ dân cũng nhộn nhịp hẳn lên khi có nhiều người dân ở bản Nà Lâm (cách xa 7 cây số) đến cùng tham gia nhận hàng cứu trợ. Chị Nguyễn Thị Giang, quê tỉnh Thanh Hóa lấy chồng ở xã Xuân Ninh lên lập nghiệp tại đây cũng có tên trong danh sách được nhận hàng cứu trợ. Với số vốn 12 triệu đồng được hỗ trợ ban đầu, nay anh chị đã có một ngôi nhà vững chãi.

Mặc dù thu nhập chỉ dựa vào 4 sào đất hoa màu, chắt chiu từ những thứ vật nuôi, cuộc sống của anh chị dù nghèo nhưng cũng không đến nỗi quá khốn khó. Họ vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Trận lũ vừa qua, mặc dù thiệt hại của gia đình chị không đáng kể nhưng cũng như nhiều hộ dân khác, anh chị phải cố gắng vượt qua do điều kiện đặc thù của địa hình và thời tiết.

Trong khuôn khổ hoạt động cứu trợ tại xã Trường Xuân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiến hành cấp phát 1 tấn gạo, 200 thùng lương khô, 250 chăn bông, 150 thùng nước ngọt, 500 thùng mỳ tôm. Đây là tấm lòng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thanh niên của Bộ Công an, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam và những người trực tiếp chuyển hàng cứu trợ.

Được biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Trường Xuân với 82 hộ dân, 315 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều đã phải chịu những thiệt hại rất nặng nề với 188 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ, trong đó có 4 thôn, bản gồm Nà Lâm, Khe Dây, Lâm Ninh và thôn Trường Giang bị chia cắt trong lũ. Nhiều diện tích đất canh tác, đất ở tại đây bị sạt lở và cuốn trôi.

Anh Hồ An Phong, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Rút kinh nghiệm từ các trận lũ của nhiều năm trước, năm nay Tỉnh đoàn đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng chống lụt bão cho các đoàn viên thanh niên; đồng thời thành lập 100 tổ, đội thanh niên xung kích cùng với chính quyền các địa phương và nhân dân thực hiện tốt phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Các tổ chức đoàn thanh niên cũng đã chủ động cùng với các đơn vị tham gia cứu trợ người dân trong và sau lũ. Nhờ vậy đã giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

                                                                                   Nguyễn Hoàng

,
.
.
.