.
Những kỷ vật bị lãng quên

Bài cuối: Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân - bao giờ thành hiện thực?

Thứ Năm, 18/05/2017, 16:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 1-2009, trên Báo Quảng Bình có đăng tải loạt phóng sự gồm 3 kỳ đề cập đến một bảo tàng “đặc biệt” về chiến tranh tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Cứ tưởng chừng đó thời gian và với giá trị quý hiếm của mình, các hiện vật lưu giữ tại bảo tàng sẽ được trân quý... Tám năm sau, tôi quay trở lại thăm bảo tàng, chạnh lòng trước sự nguội lạnh, hoang tàn, xuống cấp.

>> Những kỷ vật bị lãng quên

>> Những kỷ vật bị lãng quên - Bài 2: Khu Giao tế Quảng Bình - ai nhớ ai quên?

Những ngày đầu tháng 5, nhiều cơn giông dữ dội trút xuống Quảng Bình. Trong khuôn viên trầm mặc vốn là trụ sở UBND xã Hiền Ninh cũ và là di tích lịch sử của Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dấu vết mưa nặng trĩu trên mái ngói dãy nhà cấp bốn cũ nát dùng làm nơi trưng bày trên 200 hiện vật quý của “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân”.

Khi anh Trương Quang Nhiên, cán bộ văn hóa xã Hiền Ninh mở toang cánh cửa bảo tàng, tôi nhận thấy từng vũng nước mưa đầy tràn nền nhà, phủ ướt trên cả các tủ kính trưng bày hiện vật. Tiếng Trương Quang Nhiên buồn buồn: “Lực bất tòng tâm anh ạ! Không khéo hiện vật hư hỏng hết. Những hiện vật bằng kim khí, chúng em dùng dầu mỡ lau chùi, bảo dưỡng, còn các loại văn bản, giấy tờ, tài liệu, tranh ảnh... chẳng biết bảo quản bằng cách nào, vì có ai được học về nghiệp vụ này đâu”.

Dãy nhà trưng bày các kỷ vật của “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” xã Hiền Ninh bị xuống cấp trầm trọng.
Dãy nhà trưng bày các kỷ vật của “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” xã Hiền Ninh bị xuống cấp trầm trọng.

Xã Hiền Ninh có làng Cổ Hiền, một vùng đất trù phú nằm bên dòng Đại Giang thuộc “tứ danh hương” huyện Quảng Ninh xưa (Văn, Võ, Cổ, Kim). Con đường 15A cũ và đường Hồ Chí Minh nhánh đông chạy qua thôn Long Đại của Hiền Ninh cắt Đại Giang tại bến phà Long Đại xưa kia và cầu Long Đại bây giờ. Chính vì lẽ đó, Hiền Ninh có vị trí vô cùng quan trọng tại các cuộc chiến tranh từng diễn ra trong lịch sử.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm chia làm hai miền Nam- Bắc, miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Phà Long Đại là một trong những túi bom trọng điểm trên đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ dùng cả hải quân, không quân đánh phá bất kể đêm ngày hòng cắt đứt con đường chi viện miền Bắc đối với miền Nam. Từ năm 1971 đến 1973, Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn  về đóng quân tại Hiền Ninh. Đế quốc Mỹ phát hiện được nơi đóng quân các đơn vị chủ lực của ta, vì thế cường độ đánh phá nhân lên gấp bội.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Ninh Tết Ất Hợi 1995.
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Ninh Tết Ất Hợi 1995.

Ở Bảo tàng lịch sử xã Hiền Ninh, trong các dãy tủ kính cũ kỹ, trên 200 hiện vật, tranh ảnh được nhân dân sưu tầm, góp nhặt suốt cả một quá trình dài hơn 60 năm. Trong số hiện vật đó có cây kiếm tự tạo của ông Nguyễn Văn Phúc người làng Cổ Hiền, tham gia du kích từ  những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, cây kiếm theo ông suốt một vùng chiến khu Rào Trù, Rào Đá, trở thành vật bất ly thân. Một lưỡi lê của ông Nguyễn Viết Hạ, du kích làng Cổ Hiền. Cây đại đao của ông Trương Đình Trung, tung hoành cùng ông và đồng đội suốt thời gian đầu chống Pháp... Dù chỉ là ngọn mác, gậy tầm vông, nhưng những người con Hiền Ninh vẫn kiên trung, bất khuất, đứng lên chống lại quân địch mạnh hơn gấp trăm lần.

Ghi dấu thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bảo tàng hiện diện rất nhiều kỷ vật chiến tranh: khẩu súng máy Bộ Tư lệnh 559 giao cho ông Nguyễn Đức Thể sử dụng. Rất nhiều hiện vật là mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ. Các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, nhân dân sử dụng trong thời chiến, gắn bó với kỷ niệm ác liệt tại tọa độ lửa phà Long Đại như: ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước... Bảo tàng cũng trân trọng lưu giữ tấm bằng khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình trao cho cụ Nguyễn Văn Nho, nguyên Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh là chiến sĩ “Hai giỏi” trong suốt 10 năm liền từ năm 1965 đến 1975.

Đặc biệt hiện bảo tàng còn lưu giữ bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Ninh Tết Ất Hợi 1995 với nội dung: “Chúc bà con xã Hiền Ninh phát huy truyền thống quê hương hai giỏi, xây dựng làng xã giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc, mọi nhà đều hòa thuận, phấn đấu trở thành làng xã gương mẫu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà”. Theo thời gian, bức thư nay đã úa vàng, nếu không bảo quản tốt sẽ hư hỏng trong “một sớm một chiều”.

Những hiện vật có giá trị lịch sử to lớn đến vậy, nhưng vẫn không ít lần phải đi “trốn lũ” tại trụ sở UBND xã Hiền Ninh mới. Đó là các đận lũ lớn năm 2009, 2013, 2016... Nước ngập trắng Khu di tích lịch sử Hội trường Đoàn 559, nước lũ rút đi, hiện vật trở về chốn cũ, nơi dãy nhà ẩm mốc, âng ấng nước quanh năm, xây dựng từ những năm chín mươi của thế kỷ trước.

Trương Quang Nhiên kể: “Có rất nhiều đoàn khách về đây khảo sát, hứa hẹn giúp đỡ nâng cấp Khu di tích lịch sử Hội trường Đoàn 559, trong đó có nơi để hiện vật bảo tàng cách mạng phát huy giá trị lịch sử của mình. Khảo sát... khảo sát, xong rồi hứa hẹn...  cuối cùng cũng chẳng thấy ai quay lại”. Nhiên đếm trên đầu ngón tay: “Có ít nhất là bốn đoàn: Binh đoàn 12, Sở Văn hóa- Thể thao, một đoàn ở trung ương và một đoàn ở cấp nào đó tôi không còn nhớ”- Nhiên chia sẻ.

Một góc trưng bày trong “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân”.
Một góc trưng bày trong “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân”.

Tôi bâng khuâng trong gian nhà chất hẹp, ẩm mốc, chất đầy các kỷ vật lịch sử, chợt nhớ đến câu chuyện của ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh về bảo tàng: “Tháng 5-2013, với mong muốn có được một cơ ngơi khang trang cho bảo tàng sống mãi trong lòng dân, trường tồn cùng thời gian, lãnh đạo huyện Quảng Ninh và xã Hiền Ninh quyết định ra Hà Nội thăm bác Đồng Sỹ Nguyên, trước là thăm hỏi sức khỏe vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, sau nhờ bác “kêu dùm”. Chuyến đi này chúng tôi còn cẩn thận mang theo 3 kỳ báo “Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” đăng trên Báo Quảng Bình biếu bác Nguyên. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng, bác Nguyên đọc kỹ bài báo về Bảo tàng cách mạng xã Hiền Ninh, bác xúc động lắm, hứa sẽ có tiếng nói đến các ban, bộ, ngành ở Trung ương trợ giúp nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Hội trường Đoàn 559 cùng Bảo tàng cách mạng của xã. Từ đó đến nay, dự định này vẫn chưa thành hiện thực”.

“Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” sẽ mãi trường tồn trong lòng dân. Nhưng trên 200 hiện vật “chất nặng” giá trị lịch sử không thể “thi gan” cùng thời gian, thiên tai, lũ lụt nếu không có một nơi khang trang để cất giữ, trưng bày...

Tháng 5 với nhiều sự kiện lịch sử trên mảnh đất Quảng Bình... Còn đó hàng vạn kỷ vật quý liên quan đến đất và người Quảng Bình đang tạm bị “lãng quên”, đợi chờ một điều kỳ diệu nào đó để được đánh thức, hồi sinh.

Ngô Thanh Long