.

Hò khoan Lệ Thủy: Khi "giấc mơ di sản" thành hiện thực

Chủ Nhật, 14/05/2017, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có hò khoan Lệ Thủy. Với chiều sâu văn hóa và lịch sử, làn điệu dân ca sinh ra từ chính đời sống lao động của người dân bên dòng Kiến Giang tự hào là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Quảng Bình được công nhận là di sản cấp quốc gia, mở ra những kỳ vọng và hướng đi mới trong bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản.

“Phép cộng” sự nỗ lực

Còn nhớ cách đây một năm trước, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học KHXH và NV Hà Nội) khẳng định với tôi rằng, với chiều sâu văn hóa và sức sống lâu bền của mình, hò khoan Lệ Thủy “thừa sức” để có thể trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng muốn vậy, cần phải nỗ lực từ nhiều phía.

Và hôm nay, sau rất nhiều những “nỗ lực từ nhiều phía”, hò khoan Lệ Thủy đã biến “giấc mơ di sản” thành hiện thực với tất cả niềm tự hào. Nói như đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy thì “đó là phép cộng tất cả sự cố gắng không mệt mỏi từ ban, ngành các cấp, của nhân dân, sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và đặc biệt là sự nỗ lực của các nghệ nhân trong gìn giữ và trao truyền di sản”.  

Nhiều năm trước, khi công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy triển khai kế hoạch đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học gồm 5 bước - 5 nội dung trong một chương trình, một kế hoạch có tính dài hơi. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi, các buổi liên hoan hát hò khoan. Ngay khi mới bắt đầu, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên âm nhạc tại các trường học đóng trên địa bàn, trong đó, người đứng lớp chính là những nghệ nhân hò khoan. Có lẽ không một chương trình văn hóa truyền thống nào được đón nhận nhiệt tình bởi chính những thế hệ trẻ hôm nay như hò khoan xứ Lệ. Và như ngọn lửa ấm mạnh mẽ lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hò khoan Lệ Thủy dần len lỏi vào các trường học, rồi dần dà trở thành một phong trào văn hóa – văn nghệ mà ở đó hạt nhân chính là các em học sinh đang trên ghế nhà trường.

Biểu diễn hò khoan Lệ Thủy tại sự kiện “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.
Biểu diễn hò khoan Lệ Thủy tại sự kiện “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.

Với nhiều thế hệ người dân xứ Lệ, hò khoan Lệ Thủy đã ăn sâu vào máu thịt. Dẫu có những thời điểm, điệu hò quê hương tưởng chừng như bị quên lãng, nhưng như viên ngọc quý chỉ bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian, hò khoan Lệ Thủy vẫn vẹn nguyên sức sống mãnh liệt cho đến hôm nay. Nhiều năm qua, có không ít cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh vẫn ngày ngày âm thầm nghiên cứu với mong muốn bảo tồn điệu hò quê hương. Đến nay, có hàng chục tư liệu nghiên cứu về hò khoan như các cuốn sách, các bản ghi âm, ghi hình... sưu tầm các lời cổ, lời mới của 9 mái hò.

Vài năm trước, UBND huyện Lệ Thủy đã thành lập CLB nghệ nhân dân ca hò khoan, tập hợp những nghệ nhân, những người yêu và hát hò khoan. Họ cũng chính là “những kho báu sống” cho công tác bảo tồn và truyền dạy hò khoan. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, ban, ngành các cấp, các hoạt động giới thiệu, biểu diễn của CLB đã được diễn ra thường xuyên tại các tỉnh, thành, các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. Tháng 3 vừa qua, nhân sự kiện “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, hò khoan Lệ Thủy một lần nữa được vang lên giữa lòng Hà Nội và được công chúng Thủ đô đón nhận nhiệt tình.

Đến hôm nay, người Lệ Thủy có thể tự hào, ở tất cả các trường học cả ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) đều có các CLB hò khoan. Tiếng hò vang vọng từ trong các lớp học, trên sân trường, từ chính những em nhỏ đọc chưa tròn vành, rõ chữ. Và những nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy vẫn luôn sẵn sàng biểu diễn ở khắp các sân khấu lớn, nhỏ chỉ với một mong muốn được giới thiệu, quảng bá điệu hò quê  hương đến công chúng xa gần. Như mạch ngầm vẫn thao thiết chảy, sức sống lâu bền của văn hóa truyền thống đã thực sự sống dậy trong chính đời sống hôm nay.

Nỗ lực hậu vinh danh

Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hò khoan Lệ Thủy đã được tôn vinh ở một vị trí xứng đáng. Sự tôn vinh ấy vừa là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng mở ra một con đường mới trong hành trình gìn giữ và bảo tồn giá trị di sản.

Đồng chí Trần Vũ Khiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định: “Việc hò khoan Lệ Thủy được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong việc làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và cũng là cơ sở, kinh nghiệm để kiểm kê, lập hồ sơ, xây dựng các di sản khác thành di sản cấp quốc gia và phát triển hò khoan Lệ Thủy thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong tương lai, Quảng Bình sẽ có thêm một sản phẩm du lịch mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

 

 Ảnh: Thanh Long
Ảnh: Thanh Long

Khi loại hình văn hóa được nâng tầm và trở thành tài sản quốc gia, điều cần thiết là phải có một chính sách bảo tồn và phát triển phù hợp. Từ thực tế công tác bảo tồn di sản, muốn lưu giữ được sức sống bền bĩ của di sản, thì điều cần thiết là cần một cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để nghệ nhân yên tâm hơn với việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa quê hương.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lý, chủ nhiệm CLB Nghệ nhân dân ca hò khoan hào hứng chia sẻ: “Những năm tháng anh em nghệ nhân chúng tôi nỗ lực, cống hiến, bây giờ đã được đền đáp khi hò khoan đã được vinh danh xứng đáng. Khi nào còn có sức khỏe, chúng tôi còn tiếp tục truyền dạy, trao truyền nghệ thuật hát hò khoan cho thế hệ trẻ để cùng bảo tồn và phát huy di sản của cha ông”. Muốn vậy, bên cạnh các quy định chung của Nhà nước, tỉnh, huyện và các ban ngành cần tự xây dựng quy chế và các chính sách riêng đãi ngộ các nghệ nhân, duy trì hoạt động các CLB, đẩy mạnh hơn công tác truyền dạy, trẻ hóa lực lượng nghệ nhân. Phải để người dân được hưởng lợi từ di sản thì họ mới có ý thức giữ gìn!

Danh hiệu luôn đi kèm với trách nhiệm. Khi hò khoan Lệ Thủy tự hào “khoác” lên mình “chiếc áo” di sản, đồng nghĩa với việc nhân dân – người chủ của di sản – cũng cần có trách nhiệm hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó. Và, xa hơn nữa là phải làm sao cho người dân có thể khai thác những giá trị di sản để phục vụ đời sống thì mới gìn giữ và phát huy di sản đó lâu dài và bền vững. Phát triển di sản thành sản phẩm du lịch cũng là hướng đi đúng đắn mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn để phát triển và bảo tồn di sản. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thẳng thắn khẳng định: “Sử dụng di sản văn hóa để làm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết, thế nhưng, phải làm như thế nào để giá trị kinh tế không ảnh hưởng đến giá trị di sản mới là việc cần quan tâm. Muốn vậy, các cấp, ngành của Quảng Bình cần có những định hướng đầu tư cụ thể, dài hơi và đúng đối tượng”.

Cùng với hò khoan Lệ Thủy, có 11 di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch gồm: Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu (Hải Phòng); Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu (Hải Phòng); Nghề sơn mài Cát Đằng (Nam Định); Lễ hội Điện Trường Bà (Quảng Ngãi); Lễ hội Tiên Công (Quảng Ninh); Lễ hội Lồng tồng của người Tày (Thái Nguyên); Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (Thái Nguyên); Nghệ thuật Khèn của người Mông (Thái Nguyên); Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer (Trà Vinh); Lễ hội Trò Ngô làng Giàng (Lạng Sơn); Múa sư tử của người Tày, Nùng (Lạng Sơn).

Diệu Hương