.

Những kỷ vật bị lãng quên - Bài 2: Khu Giao tế Quảng Bình - ai nhớ ai quên?

Thứ Tư, 17/05/2017, 14:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, theo đường Lê Lợi, tôi ngược lên phía tây thành phố Đồng Hới tìm đến Di tích lịch sử cấp quốc gia- Khu Giao tế Quảng Bình thuộc xã Đức Ninh. Hạnh phúc choáng ngợp khi trải nghiệm trong khuôn viên di tích sạch sẽ, khang trang, không như cách đây chừng 10 năm bị chìm trong cỏ dại, hoang phế. Chưa hết vui, cảm giác lại băn khoăn, Khu Giao tế ăm ắp nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Quảng Bình đến thế, bây giờ, ai nhớ ai quên?

>> Những kỷ vật bị lãng quên - Bài 1

Cơ quan Giao tế- Chuyên gia Quảng Bình thành lập ngày 21-8-1954 và giải thể vào tháng 7-1988. Trong 34 năm tồn tại, Cơ quan Giao tế tiếp đón trên 450 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, làm việc ở Quảng Bình. Đặc biệt, khi cả nước bước vào cao trào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cơ quan Giao tế Quảng Bình đón rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, chính khách, các đoàn khách trong và ngoài nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng; các đồng chí lãnh đạo từ miền Nam ra: Nguyễn Thị Bình, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ... Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Catxtơrô; vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc; Chủ tịch nước Cộng hoà DCND Lào Xuphanuvông; khách các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Cu Ba, Tiệp Khắc...

Với vai trò lịch sử vô cùng to lớn của mình, Khu Giao tế Quảng Bình được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (theo Quyết định số 3518/1998-QĐ-BVHTT, ngày 4-12-1998).

Một góc khuôn viên Khu Giao tế Quảng Bình.
Một góc khuôn viên Khu Giao tế Quảng Bình.

Có hai sự kiện lớn gắn liền với Cơ quan Giao tế Quảng Bình. Sự kiện thứ nhất là chuẩn bị bữa cơm trưa đón Bác Hồ nhân dịp Người vào thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh, ngày 16-6-1957. Sự kiện thứ hai, đón tiếp Chủ tịch nước Cu Ba Phi-đen Catxtơrô thăm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, tháng 9-1973.

Sinh thời, lúc ông Nguyễn Thanh Đàm, nguyên Trưởng phòng Hành chính, UBHC tỉnh phụ trách công tác đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế Quảng Bình còn sống, khi lên thăm Khu Giao tế Quảng Bình tôi hay được tiếp chuyện với ông tại nhà riêng, ký ức về hai sự kiện trọng đại này luôn được ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ mai sau cố gắng gìn giữ, bảo tồn.

Ông Đàm kể với tôi: "Khi đến Cơ quan Giao tế, Bác Hồ một mình thẳng xuống nhà bếp thăm các anh nuôi đang nấu ăn". Tại đây, Bác Hồ gặp ông Cả Yêm, phụ trách nhà bếp, người Quảng Trạch. Bác Hồ và ông Cả Yêm đã gặp nhau trong những ngày đầu Bác xuất dương bôn ba tìm đường cứu nước. Bác và ông Cả Yêm bắt tay nhau đầy xúc động".

Bữa cơm trưa được dọn ra, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Bác Hồ dùng bữa, ngoài ra còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh... Bác Hồ rất thích món thịt lợn chấm mắm quầy, thứ mắm đặc sản của Quảng Bình. Bác ăn, khen ngon. Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thấy Bác ăn ngon bảo nhà bếp đưa thêm một đĩa thịt và bát mắm khác, nhưng Bác ngăn lại. Bác nhẹ nhàng: "Các chú đừng gọi thêm cho Bác, Bác dùng như vậy đủ rồi. Gọi thêm, Bác ăn không hết, ăn không hết để lại, ai ăn thừa cho chúng ta!". Những người trong bữa cơm hôm đó im lặng, thấm sâu những lời của Bác. Chỉ một việc rất nhỏ nhưng là bài học lớn, đó là tính cần kiệm và ý thức chăm lo, yêu thương, tôn trọng của Bác Hồ với những người xung quanh mình”.

Ngày 16-9-1973, Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Catxtơrô đến Quảng Bình, Quảng Trị. Cơ quan Giao tế vinh dự phục vụ cho Phi-đen. Thị xã Hoa Hồng bên dòng Nhật Lệ chỉ còn lại đổ nát. Phi-đen Catxtơrô đi bộ giữa lòng thị xã ngổn ngang gạch đá trộn lẫn bom đạn chưa nổ, ông không cầm được nước mắt khi thăm bến đò Mẹ Suốt, ông tự hào khi gặp gỡ với các cô gái trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng...

Cả một quãng thời gian dài đến 34 năm với hàng trăm sự kiện lịch sử diễn ra như thế nhưng bây giờ những ai muốn biết về hoạt động giao tế- ngoại giao trên vùng đất lửa Quảng Bình sẽ rất khó khăn vì các hiện vật liên quan hầu như bị tản mát, hư hỏng.

Bà Lê Thị Hoài Hương, Phó Trưởng ban quản lý di tích Quảng Bình trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao có trụ sở ngay trong khuôn viên di tích lịch sử Khu Giao tế tiếp chuyện cùng tôi, bà cho biết: “Năm 2007, trước nguy cơ xuống cấp của Khu Giao tế, UBND tỉnh quyết định để Ban quản lý di tích lên tiếp quản di tích lịch sử đặc biệt này. Qua 10 năm, trong điều kiện và khả năng của mình, Ban quản lý đã cho tiến hành sửa chữa, nâng cấp lại toàn bộ Khu Giao tế, khôi phục nguyên trạng 2 dãy nhà tiếp khách trong nước cùng 2 dãy nhà tiếp khách quốc tế, hội trường, phòng Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Catxtơrô, trong đó có hai lần sửa chữa lớn vào các năm 2011, 2012, kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, Ban quản lý bố trí nguồn vốn khoảng 200 triệu đồng, tu bổ, sửa chữa nhỏ, đặc biệt là để phòng, diệt mối mọt, đối tượng chính gây ra tình trạng hư hỏng, xuống cấp của di tích”.

Những hiện vật trưng bày trong Khu Giao tế rất hiếm hoi so với vai trò lịch sử của ngành giao tế - ngoại giao Quảng Bình trải dài suốt 34 năm.
Những hiện vật trưng bày trong Khu Giao tế rất hiếm hoi so với vai trò lịch sử của ngành giao tế - ngoại giao Quảng Bình trải dài suốt 34 năm.

Bằng nỗ lực của mình và sự trân trọng lịch sử, những năm qua cán bộ Ban quản lý di tích Quảng Bình đã cố gắng trong công tác sưu tầm lại những kỷ vật liên quan đến Khu Giao tế Quảng Bình, tuy nhiên hiện vật tìm được quá sức ít ỏi. Tôi đến tham quan phòng trưng bày hiện vật, các tủ kính trưng bày trống không, trên tường chỉ có khoảng hơn 20 bức ảnh đang treo. Tiếp tục ghé qua căn phòng lưu niệm Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Catxtơrô, trong căn phòng này, chiếc giường “ngoại cỡ” nơi Phi-đen nằm, tủ đựng áo quần, bàn làm việc, tiếp khách Phi-đen sử dụng... tất cả được trân trọng, gìn giữ, hầu như nguyên trạng giống lúc Cơ quan Giao tế đón Phi-đen khi ông thăm vùng đất lửa Quảng Bình, Quảng Trị.

Câu hỏi đặt ra: “Bây giờ có những ai quan tâm đến Di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình?”. Bà Lê Thị Hoài Hương đau đáu: “Khách đến với Khu Giao tế ngày càng ít dần đi, chủ yếu là cánh phóng viên, nhà báo trong tỉnh, trong nước và quốc tế ghé tác nghiệp mỗi khi có các sự kiện lịch sử, ngày lễ trọng đại của dân tộc. Ngoài ra còn có học sinh của trường đóng trên địa bàn. Các em đến tham quan, tìm hiểu lịch sử và cùng cán bộ Ban quản lý di tích giữ gìn cảnh quan, khuôn viên xanh- sạch- đẹp”.

Tạm biệt Di tích lịch sử Khu Giao tế, câu hỏi cứ băn khoăn nặng trong tâm. Bao giờ những kỷ vật liên quan đến lịch sử giao tế Quảng Bình được trở về đầy đủ? Cho những ai nặng lòng với lịch sử đến thăm, tìm hiểu để biết một thời kỳ rạng danh của hoạt động giao tế- ngoại giao trên đất lửa Quảng Bình.

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân - Bao giờ thành hiện thực?