.

Những kỷ vật bị lãng quên

Thứ Ba, 16/05/2017, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Gắn bó cùng lịch sử, phản ánh tiến trình phát triển của lịch sử vùng đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt” là những kỷ vật tồn tại từ xa xưa cho đến bây giờ. Thế nhưng, trong thế giới đương đại, với sự “soán ngôi” của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn tiên tiến, hàng nghìn kỷ vật ẩn chứa những câu chuyện lịch sử trong tự thân chúng lại có nguy cơ bị lãng quên dần.

Bài 1: Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình bao giờ mở cửa?

Tọa lạc tại vị trí “đắc địa” ngay trung tâm thành phố Đồng Hới, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình là một tòa nhà mới đưa vào sử dụng rất khang trang. Tuy nhiên, Bảo tàng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, ít có cơ hội mở cho du khách vào tham quan. Mấy ai biết rằng, đằng sau cánh cửa đóng im ỉm ấy là cả một thế giới hiện vật gắn liền với lịch sử vùng đất và con người Quảng Bình kể từ thời “khai thiên, lập địa”.

Một ngày tháng 5, lần theo ký ức từng câu chuyện liên quan đến những kỷ vật của Bác Hồ sinh thời Người ưu ái tặng riêng cho Quảng Bình, tôi tìm đến Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình. Vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài, mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên Bảo tàng diễn ra sau hậu trường tòa nhà, đằng sau cánh cửa lặng yên, im lìm.

Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình luôn “cửa đóng then cài”.
Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình luôn “cửa đóng then cài”.

Từ ngoài cổng đi vào, phía phải Bảo tàng là chiếc máy bay AD6, thế hệ máy bay đầu tiên của không lực Hoa Kỳ sử dụng ném bom phá hoại miền Bắc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Máy bay AD6 do Nhà máy A42- Bộ Quốc phòng phục chế, sửa chữa giống đến trên 95% nguyên bản trao tặng cho Bảo tàng để trưng bày.

Phía trái Bảo tàng là chiếc máy bay Mig17 mang số hiệu 2002 của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Bên cạnh máy bay Mig17 chính là chiếc máy cày DT54, món quà Bác Hồ tặng cho cán bộ, nhân dân HTX Đại Phong. Nếu không giới thiệu rõ “ngọn ngành”, chắc chắn ít ai biết xuất xứ về chiếc máy cày này, nhất là thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình.

Những năm 1960, khi phong trào HTX nở rộ trên toàn miền Bắc, HTX Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong phong trào HTX, “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý”. Bác Hồ với bút danh Trần Lực đã viết bài “Một hợp tác xã gương mẫu” đăng trên báo Nhân Dân số 2189, ra ngày 1-11-1961. Sau đó, Bác lại viết tiếp bài “Phong trào Đại Phong” đăng báo Nhân Dân số 2582. Người biểu dương: “Chưa đầy hai tháng mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua “học tập Đại Phong”, “đuổi kịp Đại Phong”, “Vượt quá Đại Phong”. Chiếc máy cày DT54 do Đoàn TNCS Cômxômôn, Liên bang Xô viết tặng Bác Hồ, Bác trao lại cho HTX Đại Phong.

Đó là ba kỷ vật trong hàng ngàn kỷ vật hiện tại thuộc “sở hữu” của Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình.

Năm 1989, khi chia tách Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, ngành Bảo tàng được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn, bảo tàng Quảng Bình đã hình thành vào những năm 1960 của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Phòng Bảo tồn- Bảo tàng trực thuộc ngành Văn hóa- Thông tin tỉnh nhà. Như vậy, lĩnh vực bảo tàng Quảng Bình đã có độ tuổi đủ chín, 67 năm xây dựng và trưởng thành.

Tôi được ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình ưu ái đưa đi tham quan một vòng nhiều nơi đang cất giữ những hiện vật. Quả thật, ẩn chứa sâu trong tòa nhà quanh năm “cửa đóng then cài” này là cả một gia tài quý về vùng đất, con người Quảng Bình nói riêng và những di chỉ văn hóa của người Việt nói chung mà theo như lời Giám đốc Tuấn cho biết là chỉ có hiện vật gốc, do đó nếu mất đi, mai một dần thì chẳng thể nào tìm lại được. Đây chính là áp lực lớn cho vấn đề bảo quản, cất giữ của đội ngũ những người làm công tác bảo tàng Quảng Bình.

Theo câu chuyện của ông Trần Anh Tuấn, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình hiện có trên 16.000 hiện vật và tài liệu các loại, phân chia theo 7 nhóm chính căn cứ và thời gian; mốc lịch sử; sự kiện, dấu ấn lịch sử... bao gồm nhóm hiện vật khảo cổ học thời kỳ đồ đá cách đây từ 3.000 đến 5.000 năm gắn liền với các di chỉ khảo cổ Bàu Tró, Kim Bảng, Minh Cầm, Khương Hà... Nhóm khảo cổ học thời kỳ đồ đồng thuộc nền văn hóa Đồng Sơn cách đây từ 2.000 đến 3.500 năm có các hiện vật như trống đồng, thạc đồng, thố đồng, dao găm, đèn bằng đồng... Bộ sưu tập các loại tiền cổ qua các thời kỳ, với khoảng 60kg tiền đồng, bạc, vàng.. ghi dấu quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ giao lưu, thông thương, buôn bán giữa Quảng Bình và những địa phương khác trong và ngoài nước. Bộ sưu tập súng thần công gồm 13 khẩu đại bác sử dụng trong chiến tranh của nhiều triều đại phong kiến, nhiều khẩu đúc bằng đồng nặng vài tấn. Bộ sưu tập gốm sứ khoảng 300 hiện vật niên đại từ 1.000 đến 2.000 năm trải qua các vương triều Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Bộ sưu tập các hiện vật gắn liền với hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Quảng Bình. Cuối cùng là bộ sưu tập các hiện vật về quê hương, đất nước, con người Quảng Bình đương đại.

Chiếc máy cày DT54 Bác Hồ tặng cho HTX Đại Phong.
Chiếc máy cày DT54 Bác Hồ tặng cho HTX Đại Phong.

Những người tâm huyết về công tác bảo tồn, bảo tàng đau đáu cùng tôi, cứ theo thời gian trôi, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình ngày càng bị xuống cấp, hư hỏng, mai một dần. Trong lúc đó công tác sưu tầm hiện vật trong nhân dân rất hạn chế vì thiếu kinh phí, thiếu nhân lực. Các nguồn tư liệu quý đang mất dần là hệ thống văn bản, họa đồ Hán- Nôm cổ, phần do chiến tranh, thiên tai làm lưu lạc, phần vì thế hệ trẻ sau này ít chú ý bảo quản, giữ gìn.

Công trình Bảo tàng tổng hợp tỉnh khang trang như bây giờ khởi công năm 2003, đến năm 2010 mới hoàn thành gói thầu số 1 là khuôn viên nhà bảo tàng với tổng diện tích 2.500m2, trong đó có 2.000m2 để trưng bày hiện vật. Gói thầu thứ 2 là không gian để trưng bày các hiện vật lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ... hiện tại vẫn chưa trọn vẹn do thiếu nguồn vốn. Tổng dự toán cho công trình Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình vào thời điểm đó lên đến 34 tỷ đồng, riêng gói thầu số 1 bố trí vốn 18 tỷ đồng.

Vẫn là câu hỏi tôi đặt ra ngay từ đầu: “Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình bao giờ mở cửa?”. Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện tại bây giờ thì chưa. Vì các gian trưng bày chưa xây dựng xong. Trên cơ sở 7 nhóm hiện vật đã phân chia, chúng tôi phải hình thành các không gian trưng bày, không gian kiến trúc tương xứng, rồi phải kèm thêm âm thanh, ánh sáng, thuyết minh, phim tư liệu... để bổ trợ, làm rõ từng câu chuyện lịch sử mà các kỷ vật đang ẩn chứa trong tự thân nó. Và nói đi nói lại vẫn là vấn đề khó khăn kinh phí”. “Khoảng bao nhiêu?”. “20 tỷ đồng thuộc gói thầu số 2. Hiện tại chúng tôi được bố trí một nửa. Đang cần thêm 10 tỷ đồng”- ông Trần Anh Tuấn cho biết.

10 tỷ đồng giúp 16.000 hiện vật quý của mảnh đất và con người Quảng Bình được ra mắt, giới thiệu với công chúng chậm nhất vào cuối năm 2018 hoặc qua năm 2019. Hy vọng đó là mốc thời gian cuối cùng để cánh cửa Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình rộng mở và hội nhập.

Ngô Thanh Long

Bài II: Khu Giao tế Quảng Bình - Ai nhớ, ai quên?