.
Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch):

Nhớ ngày Giỗ Tổ

Thứ Sáu, 15/04/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhớ ngày Giỗ Tổ, nhân dân trong nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo và kiều bào ở nước ngoài thành kính dâng hương tưởng niệm Quốc Tổ-Vua Hùng để cùng đồng lòng, góp công, góp sức chung tay xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam ngày càng cường thịnh.

Cây có cội. Nước có nguồn. Con người có nguồn cội. Tìm về nguồn cội của người dân nước Việt không ai không nhớ đến ngày Giỗ Tổ:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Đã bao đời người dân Việt Nam coi các vua Hùng là vị tổ của dân tộc mình. Trước cổng Đền Hùng, dưới bức hoành phi đại tự Cao sơn cảnh hành là câu đối ở hai trụ biểu ghi lại công tích của các vua Hùng: “Thác thủy sơ khai tứ cố sơn hà quy bản tịch/ Đăng cao vọng viễn quần phong la liệt tự nhi tồn” (Dịch nghĩa: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy về một mối/ Lên cao nhìn rộng nghìn trùng đồi núi tựa đàn con).

Hùng Vương là tên hiệu các vị vua cai trị nhà nước Văn Lang của người Việt. Theo truyền thuyết, các vị vua Hùng là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: “Con Lạc Long Quân đóng đô Phong Châu. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang...”.

Nếu tính từ khi xuất hiện nhà nước đầu tiên, theo truyền thuyết đến nay đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, từ ngày dựng nước từ Văn Lang, Âu Lạc và sau này Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt... luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ sự trường tồn của non sông xã tắc.

Đời Hùng Vương thứ 6 có chàng trai Phù Đổng đánh tan giặc Ân ở chân núi Vũ Ninh về sau được Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. Kỷ thuộc Tây Hán, hai người con gái đất Phong Châu là Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị dấy binh đánh đuổi giặc phương Bắc với lời thề son sắt:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng...”

Gần 10 thế kỷ đô hộ, các triều đại phong kiến phương Bắc vẫn không thể nào đồng hóa được dân tộc Việt, các thế hệ con cháu Vua Hùng kiên cường khởi nghĩa chống ngoại xâm để đi đến chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán giành lại quyền làm chủ đất nước. Các triều đại phong kiến nước ta từ  Đinh - Lý - Trần - Lê  luôn ý thức được là con cháu của các vua Hùng, ra sức củng cố nền độc lập, chủ quyền đất nước.

Lý Thường Kiệt đánh bại quân xâm lược Tống với lời Tuyên ngôn bất hủ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịc lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Lễ hội Đền Hùng.
Lễ hội Đền Hùng.

Sau 10 năm nếm mật nằm gai đánh đuổi giặc Minh, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo lại một lần nữa khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu./ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc - Nam cũng khác...”.

Cuối thế kỷ 18 khi quân xâm lược nhà Thanh hung hãn tấn công  nước ta, người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã nêu quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc: “Đánh cho để dài tóc,/ Đánh cho để đen răng./ Đánh cho nó nó chi luân bất phản,/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn./ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi sở chủ”.

Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cội nguồn dân tộc bao giờ cũng là niềm tin chói sáng, sức mạnh vô biên của dân tộc để vượt qua mọi thử thách bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ. Sau tám năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên đường về lại Thủ đô Hà Nội, dừng chân dâng hương các Vua Hùng ở Đền Hạ, khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong,  Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Người Việt Nam bao gồm 54 dân tộc anh em tự hào có chung Quốc Tổ các Vua Hùng để con cháu muôn đời sau tưởng nhớ. Khi Thục Phán được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi đã lập bài vị 18  Vua Hùng đưa vào đền thờ Hùng độ thập bát thế thánh vuông thánh vị, đồng thời mời dòng tộc nhà vua đến ở quanh chân núi Nghĩa Lĩnh để trông nom đền miếu. Thời Bắc thuộc, lòng dân vẫn hướng về cội nguồn, hàng năm tu sửa đền miếu chăm lo hương khói.

Khi đất nước giành được độc lập, các triều đại phong kiến nước ta bắt đầu viết Ngọc phả, bản sớm nhất thời Lê Đại Hành (980), bản muộn nhất đời Lê Kính Tông (1601) đã nói đến lăng mộ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Cuốn Ngọc phả Hùng Vương thời Hồng Đức (Hậu Lê) viết: “Thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ (Hồng Đức-Hậu Lê) vẫn thường hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Nghĩa Lĩnh). Ở đây dân chúng cả nước vẫn đến lễ bái tưởng nhớ công lao của Đấng Thái Tổ xưa”. Thờ Quốc Tổ các vua Hùng đã trở thành một tín ngưỡng thiêng liêng của cả nước. Đến triều Nguyễn quy định lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ và cứ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ).

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 10 tháng 3 (âm lịch) năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay mặt quốc dân đồng bào thắp hương tưởng nhớ và dâng lên bàn thờ Tổ Hùng Vương bản đồ Tổ quốc và thanh gươm báu thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc trước nguy cơ giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, đáp ứng tình cảm nguyện vọng của nhân dân cả nước, Nhà nước ta quy định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc lễ được tổ chức hàng năm, người lao động được nghỉ việc để tưởng nhớ.

Ngày Giỗ Tổ, đông đảo nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài đều tìm về vùng đất cội nguồn xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để được tham gia vào Lễ rước kiệu Vua Hùng từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên đền Thượng và được thắp nén tâm nhang khấn vái tổ tiên mong phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, gia đình con cháu được ấm no hạnh phúc.

Các phong tục từ thời Hùng Vương được tái hiện trong ngày hội như là một sự tri ân của con cháu “uống nước nhớ nguồn” không quên công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Bà con trong Nam ngoài Bắc, miền ngược miền xuôi, trong nước và ngoài nước đến với lễ hội Đền Hùng là để trở về cội nguồn, hiểu thêm hai tiếng Đồng bào bởi Mẹ Âu Cơ sinh trăm người con trong cùng một bọc; là để nhớ các vua Hùng dạy dân cấy lúa trên cánh đồng Hùng điền trong ngày hội Hạ điền mở đầu trang sử của nền văn minh lúa nước; là nhớ tích bánh chưng bánh dày của người con hiếu thảo Lang Liêu; nhớ chuyện Sơn Tinh đưa công chúa Ngọc Hoa về núi Tản Viên; là để nhớ lời thề của Thục Phán khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi được khắc trên cột đá thề  nguyện giữ non sông xã tắc của các vua Hùng; là để nhớ đến mối tình chung thủy của nàng công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử giàu lòng hiếu nghĩa.

Đến lễ hội Đền Hùng còn để được nghe làn điệu xoan-ghẹo tinh tế mượt mà của vùng Trung du Đất Tổ... Những giá trị văn hóa phi vật thể của cả dân tộc như hội tụ về đây, phong phú, đa dạng và nhiều  phong tục độc đáo, sâu sắc gắn với quá trình dựng nước và giữ nước. Chính vì thể, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhớ ngày Giỗ Tổ, nhân dân trong nước, từ miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo và kiều bào ở nước ngoài thành kính dâng hương tưởng niệm Quốc Tổ-Vua Hùng để cùng đồng lòng, góp công, góp sức chung tay xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam ngày càng cường thịnh.

Phan Viết Dũng