.

Đọc sách Địa chí Trường Dục

Thứ Bảy, 09/04/2016, 14:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều địa chí các làng xã trong tỉnh được sưu tầm, biên soạn và xuất bản đã giúp cho người đọc hiểu thêm những vùng đất của quê hương Quảng Bình. ĐỊA CHÍ TRƯỜNG DỤC, tác giả Trần Văn Chường  được Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội ấn hành năm 2015 là cuốn sách có giá trị về vùng đất cổ, in đậm nhiều dấu ấn lịch sử.

Tác phẩm là một công trình khoa học, nghiên cứu công phu thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của tác giả đối với Trường Dục được đăng tải trong hơn 600 trang sách khổ 16 x 24 cm. Nội dung sách gồm 5 phần, với 13 chương kèm phần phụ lục đã giúp người đọc hiểu sâu thêm địa lý, lịch sử, văn hóa và con người ở một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Ở phần thứ nhất: “Sự tích khai thiết”, tác giả cho người đọc cái nhìn khái quát của Trường Dục từ buổi khai sơn phá thạch theo dòng chảy lịch sử vẫn giữ được tên gọi và cốt cách của làng cho đến ngày nay.

Theo tác giả, thời nhà nước Lâm Ấp (Chiêm Thành) xung quanh vùng đất Trường Dục có nhiều di tích lịch sử văn hóa Chăm, đặc biệt là các đền thờ người Chăm ở phía tây làng Đại Hữu. Lịch sử khai thiết của làng trong thời Đại Việt còn truyền lại ba ông Trương Quý Công, Lê Quý Công và Hoàng Quý Công trở thành ba vị tiên hiền khai khẩn vùng đất Trường Dục xưa. Trong sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An đã nói đến đơn vị hành chính Trường Dục xã. Trong thời Trịnh – Nguyễn, Trường Dục nổi tiếng với Lũy Trường Dục trải dài trên hai nhánh sông Kiến Giang và An Đại là chiến lũy bất khả xâm phạm của chúa Nguyễn trong các cuộc chiến bảo vệ xứ Đàng Trong.

Cũng trong thời gian này, nhiều danh tướng  của làng Trường Dục đã có những đóng góp to lớn cho các chúa Nguyễn, đặc biệt là con cháu dòng họ Trương Phúc. Từ thời kỳ triều Nguyễn đến sau này, địa lý hành chính có sự biến động, tách nhập nhưng người Trường Dục vẫn giữ được truyền thống của quê hương, nhiều người khoa bảng, nhiều cán bộ cách mạng, liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến góp phần làm rạng rỡ trang sử quê nhà.

Ở phần thứ hai: “Địa lý tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên”, như các sách địa chí khác, tác giả giới thiệu vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, địa danh của vùng đất. Nhưng điều đáng quý của Địa chí Trường Dục là tác giả đã cố gắng dựng lại cảnh quan của một Trường Dục xưa, nay dẫu đã vật đổi sao dời nhưng vẫn sống mãi với dân làng. Đó là “Nạp tre làng”; “Lùm lòi” với lòi Sáo Sáo, lòi Ba Miệu, lòi Đình, lòi Chùa, lòi Đàng Sau... “là những ký ức về lịch sử làng không phai trong tâm khảm người ở quê hay người quê nơi viễn xứ”. Đó là Cây đa lòi Sáo Sáo, Cây xoài tượng sau đình, Ba cây sanh trước Miếu vua, Hai cây nhãn trước cửa Chùa, Cây mèng trèng (quế rừng) trên Huyền Vũ làng, Cây sòi (đào tiên), Cây đa nạp tre làng, Cây đa rẫy ông Thầy, Cây bàng đền Thần nông, đền Mụ Đà... những cây cổ thụ tỏa bóng mát xuống cánh đồng, thôn xóm. Đó là những ao, đìa, giếng nước, con mương, con kiệt ngày nay không còn dấu vết nhưng qua trang viết của tác giả được sống lại trong ký ức của dân làng và chắc hẳn khi đọc, các thế hệ con cháu sẽ thêm yêu quê hương mình.

Phần ba: “Dân cư, dân số, thiết chế xã hội và lược thuật các dòng họ trong tiến trình phát triển làng xã”. Trong các sách địa chí tôi được đọc, chưa thấy quyển nào viết về các dòng họ trong làng đầy đủ, cụ thể, chi tiết như trong Địa chí Trường Dục. Hầu như gia phả của các dòng họ của làng Trường Dục đều được sưu tầm, giới thiệu đầy đủ các chi phái qua các thế hệ.

Bìa cuốn sách “Địa chí Trường Dục”
Bìa cuốn sách “Địa chí Trường Dục”

Tác giả giới thiệu dòng họ của ba vị tiền hiền khai khẩn của làng đặc biệt là dòng họ Trương Công. Viết về dòng họ này, tác giả có công sưu tầm thư tịch cổ như Trịnh - Nguyễn diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đặc biệt cuốn Phả ký Trấn Nhân tiền liệt biểu của dòng họ Trương Phúc ở Huế, một tư liệu lịch sử quý mà ít người biết đến. Đây là dòng họ có vị khởi tổ Trương Công Dà đến sinh cơ lập nghiệp ở Trường Dục và sinh ra nhiều thế hệ tướng lĩnh phò tá các chúa Nguyễn cho đến khi nhà Nguyễn lên ngôi với niềm tự hào truyền ngôn: “Nguyễn vi vương, Trương vi tướng” (Họ Nguyễn làm vua, họ Trương làm tướng).

Theo Phả ký Trấn nhân tiền liệt biểu, khi mới vào xứ Đàng Trong, vị tiên hiền khai khẩn họ Trương Công là Trương Công Dà được Nguyễn Hoàng cử làm Trấn thủ phủ Tân Bình.

Thế hệ thứ nhất họ Trương Công ở Trường Dục còn có Trương Công Trà, em Trương Công Dà cùng vợ là Trần Thị theo Nguyễn Hoàng lập công được phong Phó tướng Trà Quận công.

Thế hệ thứ hai có Trương Công Côn (tức Phúc Phấn, con của Trương Công Dà) làm Trấn thủ dinh Bố Chính lập nhiều chiến công được chúa Nguyễn ban cho chữ Phúc từ đó họ Trương Công đổi thành Trương Phúc.

Thế hệ thứ ba có Trương Công Sơn có tước hiệu là Hùng Oai hầu con trưởng của Trương Phúc Phấn được thăng Chưởng dinh trấn thủ dinh Bố Chính. Con thứ của Trương Phúc Phấn là Trương Phúc Cương, Trấn thủ Cựu dinh (dinh Ái Tử) có nhiều công lớn... Cứ thế, cây phả hệ của dòng họ Trương Phúc ở Trường Dục được tác giả ghi lại đầy đủ qua các thế hệ không những ở Quảng Bình mà theo công cuộc mở cõi đi dần vào phương Nam như con cháu của Thái bảo Quốc công Trương Phúc Phan, người có công lớn đánh đuổi ngoại xâm giải phóng Côn Lôn (Côn Đảo), xác lập chủ quyền biển đảo đầu thế kỷ XVIII.

Theo Địa chí Trường Dục dòng họ Trương Phúc ở Trường Dục tổng cộng bảy đời có 129 người đã có 89 người được phong từ tước Bá trở lên đến tước Công và Quốc Công. Bên cạnh dòng họ Trương Phúc, gia phả các dòng họ trong làng được sưu tầm, biên soạn sum suê các chi phái giúp cho người đọc hình dung được sự phát triển dân cư của Trường Dục qua các giai đoạn lịch sự từ buổi khai thiết.

Phần thứ tư: “Kinh tế, văn hóa xã hội”. Ở phần này tác giả cho biết việc phân cấp điền thổ, kỹ thuật canh tác, nông cụ, thời tiết thời vụ của vùng đất nông nghiệp khá điển hình của huyện Quảng Ninh từ xưa đến nay.

Ở chương: “Các di tích lịch sử; các công trình kiến trúc”, tác giả giới thiệu lũy Trường Dục và các công trình liên quan, một di tích lịch sử gắn với công tích của Đào Duy Từ, nhưng cái mới trong tác phẩm, nhiều giới nghiên cứu lịch sử chưa đề cập tới là tác giả đã cho người đọc biết được trước đây đã từng có lũy Trấn Nhân do chúa Nguyễn Hoàng sai Trương Công Dà xây đắp khi mới vào xứ Thuận Hóa. Sự kiện lịch sử này có tính xác thực vì được dựa vào Phả ký Trấn Nhân tiền liệt biểu của dòng họ Trương Công. Gắn với các dòng họ là mồ mả của các vị tiền nhân và cũng như các làng quê khác, Trường Dục nhiều đình, chùa, nghè miếu, nhà thờ các họ... là những di tích chứa đựng nguồn sử liệu phong phú.

Không chỉ là vùng chiến địa, Trường Dục còn là đất học, nơi đây có trường học của phủ Quảng Ninh được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, bởi vậy nên con cháu trong làng nhiều người có học vấn, đỗ đạt thành tài.

Trong chương “Phong tục tập quán về lễ nghi của cộng đồng và trong gia đình”, tác giả  giới thiệu đời sống tinh thần khá phong phú của Trường Dục. Nết ăn, nếp ở, lễ tết ở đây cũng giống như nhiều vùng quê khác nhưng đáng quý là người Trường Dục biết tôn trọng, gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của cha ông cho con cháu nên ít bị mai một.

Ở chương XI “Văn học dân gian”, tác giả đã công phu sưu tầm kho tàng văn học dân gian phong phú của vùng đất Trường Dục . Đó là những giai thoại, truyền thuyết, chuyện kể cùng hàng trăm câu tục ngữ, hò khoan đối đáp, hát ru...  được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian vùng đất Quảng Bình.

Ở phần thứ năm: “Nhân vật chí”, Địa chí Trường Dục là một trong ít cuốn địa chí viết đầy đủ các nhân vật của một làng từ thuở khai canh cho đến thời kỳ lịch sử đương đại. Trong thời kỳ các chúa Nguyễn, Trường Dục có những nhân vật lưu truyền sử sách như các tướng lĩnh họ Trương: Trương Công Dà, Trương Phúc Phấn, Trương Phúc Hùng, Trương Phúc Cương, Trương Phúc Định, Trương Phúc Phan, Trương Phúc Du... Có những nhân vật gốc làng Trường Dục vào Nam mở cõi lưu danh ở những vùng đất mới như Lễ bộ Thượng Thư Trương Minh Thành, Hiệp biện đại học sĩ Trương Minh Giảng; nhà văn, nhà viết sử, nhà ngôn ngữ, dịch thuật Trương Vĩnh Ký (Pestrus Ký)... Mỗi nhân vật đều được tác giả khắc họa những nét cơ bản  cuộc đời, sự nghiệp và những công lao đóng góp cho quê hương đất nước. Trong thời cận đại , các nhân vật của Trường Dục là những cử nhân, ông Nghè, ông Tú, những nghệ nhân dân gian có công sáng tạo, truyền bá văn nghệ dân gian cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Trong thời hiện đại, đó là những người hoạt động cách mạng, những người có công trong hai cuộc kháng chiến điển hình như ông Trương Văn Địch (bí danh Lê Dân) từng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

Bên cạnh các nhân vật nổi tiếng, Địa chí Trường Dục còn ghi tên các liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ nhà nước, sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, những trí thức có trình độ đại học trở lên... Có thể nói, khi đọc tác phẩm, mỗi dòng họ, mỗi gia đình, mỗi người dân đều thấy bóng dáng của mình và con em mình gắn với quê hương Trường Dục.

Để có được Địa chí Trường Dục, trước hết phải nói đến sự cố gắng, nỗ lực của người sưu tầm, biên soạn. Tác giả Trần Văn Chường như “Đôi lời muốn ngỏ – thay lời tựa” viết: “Tôi là người đam mê sưu tầm sự tích các làng quê. Từ nhỏ tôi thường tò mò hỏi chuyện lục tích trong vùng”. Không chỉ có đam mê, Trần Văn Chường là người có tâm huyết với vùng đất Quảng Ninh nơi ông sinh ra, lớn lên và nhiều năm cống hiến. Với cuốn sách này, như ông nói: “đã gắng hết mình để góp phần vén màn quá khứ đầy tự hào của một vùng quê địa linh nhân kiệt mà lớp bụi thời gian phủ quá dày”.

Được biết, công trình này được thực hiện trong suốt 5 năm (2010 - 2015) nhiều lúc tưởng phải từ bỏ vì khi sắp hoàn thành mất toàn bộ trang viết, ông phải làm lại từ đầu. Để có được nguồn tư liệu, Trần Văn Chường phải ra Bắc, vào  Nam, ra tận Côn Đảo để được nghe, được đọc cho trang viết của mình sống động. Đó là việc làm nghiêm túc, thật đáng trân trọng.

Đọc Địa chí Trường Dục, ngoài những nỗ lực của tác giả, ta còn thấy bóng dáng của người “Đồng hành cùng địa chí làng”- Trương Văn Thoan. Ông là người con có tâm huyết với quê hương Trường Dục, người đề xướng và đồng hành cùng tác giả suốt thời gian thực hiện.

Đọc xong Địa chí Trường Dục hiện lên trước mắt người đọc là vẻ đẹp của một làng quê yên bình với cây đa bến nước; là cái đẹp của những phong tục tập quán được lưu giữ từ đời này sang đời khác và đặc biệt là con người Trường Dục, nhiều thế hệ đã làm nên sử làng, góp phần rạng danh non sông đất nước. Đó chính là thành công của tác phẩm.                                                

Phan Viết Dũng