.

Đưa sách, báo về với nông dân

Thứ Năm, 21/04/2016, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm hưởng ứng, khuyến khích và phát huy mạnh mẽ phong trào đọc sách, vận động xây dựng văn hóa đọc cho hội viên nông dân và người dân nông thôn, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh và Thư viện tỉnh đã tổ chức lễ ký kết phối hợp luân chuyển sách, báo cho các điểm Thư viện nông dân ở cơ sở.

Xây dựng điểm đọc sách, báo cho nông dân

Theo khảo sát của Thư viện tỉnh, hiện nay, nhu cầu học tập, cập nhật, tra cứu thông tin, kiến thức và giải trí qua sách, báo của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, nhất là địa bàn nông thôn rất lớn. Tuy vậy, điều kiện để người dân có thể tiếp cận các nguồn sách, báo rất ít. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng internet, điện thoại thông minh đã hạn chế đến thói quen đọc sách của người dân, đặc biệt là thiếu nhi, học sinh, thanh niên nông thôn. Trong những năm gần đây, Thư viện tỉnh đã phối hợp luân chuyển sách, báo cho các điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Trong đó, một số nơi triển khai tốt, nhiều người đến đọc, nhưng nhiều nơi chưa phát huy được hiệu quả, người dân còn “ngại” tìm đến, nhất là người nông dân, chưa hình thành thói quen đọc sách thường xuyên ở các điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

Cuối năm 2013, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh và các ngành triển khai thí điểm mô hình Thư viện nông dân tại thôn Vĩnh Tuy 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. “Sau thời gian triển khai cho thấy, địa điểm được đặt ở trong thôn, người dân dễ dàng có điều kiện thuận lợi để đến đọc và mượn sách, báo. Về thời gian thì linh hoạt trong cả ngày, buổi trưa, buổi tối đều có thể mở cửa. Người dân, trong đó có thanh niên, thiếu nhi, học sinh, người cao tuổi đều có thể tìm đến để mượn đọc. Tuy vậy, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất như tủ sách, bàn ghế và hỗ trợ bổ sung sách, báo cho Thư viện nông dân là rất ít nên đã hạn chế phần nào hiệu quả của Thư viện nông dân”, ông Phùng Xuân Ngõ, thủ thư điểm Thư viện nông dân ở đây cho biết.

Đồng chí Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại lễ ký kết.
Đồng chí Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại lễ ký kết.

Chị Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến người dân có nhu cầu đọc sách nhưng chưa tìm đến sách là do ở địa bàn nông thôn còn thiếu địa điểm phù hợp cho người dân đến đọc, mượn sách, báo. Việc ký kết chương trình phối hợp luân chuyển sách, báo giữa Hội Nông dân tỉnh và Thư viện tỉnh ở các điểm Thư viện nông dân nhằm mở rộng đối tượng đọc sách, cung cấp thêm địa chỉ, làm đa dạng thêm các hình thức phục vụ sách, báo cho người nông dân nói riêng và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung”.

Đưa sách, báo về nông thôn, nâng cao văn hóa đọc cho nông dân

Chị Trương Thị Quỳnh Anh, cho biết thêm: “Chúng tôi dựa trên tình hình nhu cầu thực tế tại từng địa phương để luân chuyển sách, báo theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân. Cụ thể, tập trung sách, truyện tranh cho các em thiếu nhi vốn thiếu thốn về nhu cầu giải trí; người nông dân được cung cấp các tài liệu hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, thành lập tổ hợp tác, các hình thức hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp. ngoài ra, còn có các loại sách, báo về văn hóa, văn nghệ, lịch sử, địa lý, khoa học kỹ thuật khác,...”

Theo kế hoạch, trong 2 năm (2016-2017), hai bên triển khai thí điểm tại 5 điểm thuộc 4 huyện, thành phố trong tỉnh. Địa điểm lựa chọn là những vùng miền có phong trào văn hóa, văn nghệ tương đối phát triển, hiếu học, ham đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Sách được đưa về tận các chi hội, do chi hội trưởng nông dân đảm nhận việc luân chuyển sách, báo cho người dân trong thôn, tổ dân phố. Việc thực hiện luân chuyển mỗi lần từ 200-300 bản sách/điểm và thực hiện mỗi quý một lần, ít nhất 1-2 bản/tên sách. Các thủ thư phụ trách tại các điểm Thư viện nông dân được tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức hoạt động thư viện đúng quy định.

Vừa được nhận 250 cuốn sách ngay trong lễ ký kết phối hợp, các anh Lê Bá Hải và Nguyễn Trọng Hòa - người quản lý điểm Thư viện nông dân Chi hội Nông dân tổ dân phố 10, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, vui mừng cho biết: nhận được số sách lần nay, bà con tổ dân phố vô cùng phấn khởi. Bây giờ, mỗi lần đến nhà văn hóa tổ dân phố, bà con có thêm sản phẩm tinh thần là sách để đọc, để tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, kiến thức. Chúng tôi sẽ mở cửa thường xuyên cho bà con đến mượn sách, buổi tối hàng ngày, ngày thứ bảy, chủ nhật mở cửa cả ngày để bà con đến đọc”.

“Việc tổ chức thí điểm mô hình Thư viện nông dân sau thời gian tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Thư viện nông dân hoạt động tốt sẽ từng bước cải thiện, xây dựng, nâng cao văn hóa đọc trong hội viên nông dân và người dân, xây dựng đời sống văn hóa khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.”, ông Nguyễn Nam Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định.

Tiến Thành
(Hội Nông dân tỉnh)