.
Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch):

Hướng về nguồn cội

Thứ Bảy, 16/04/2016, 14:54 [GMT+7]

(QBĐT) - “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba...” Không biết từ bao giờ câu ca đã đi vào tâm thức người Việt khắp mọi miền nhớ về ngày linh thiêng của dân tộc Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch). Niềm tự hào có cùng chung tổ tiên của mọi người dân nước Việt đã lý giải cho truyền thống yêu nước, quyết tâm xây dựng bảo vệ đất nước Việt Nam của bao thế hệ trong lịch sử oai hùng của dân tộc.

Nhớ về cội nguồn để tri ân những bậc tổ tiên đất nước là hạnh phúc lớn lao của mọi người con nước Việt. Tìm về cội nguồn là thể hiện lòng thành kính, niềm tri ân sâu sắc các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Điều này cũng nói lên tinh thần đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Lạc Long quân và Âu cơ là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các vua Hùng. Lễ hội đền Hùng còn được gọi là Ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng (Phú Thọ).

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết đời nhà Trần, năm 1470, đời Lê Thánh Tông, và đời vua Lê Kinh Tông (1601) sao chép để tại đền Hùng ghi rõ: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn còn hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất, sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”

 Trống đồng Phù Lưu, hiện vật thời Hùng Vương đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Trống đồng Phù Lưu, hiện vật thời Hùng Vương đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng, Bác Hồ, Nhà nước ta rất quan tâm tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 18 tháng 2 năm 1946, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 22 về những ngày nghỉ lễ, tết, kỷ niệm lịch sử, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Sinh thời, Bác Hồ đã 2 lần về thăm Đền Hùng. Lần đầu vào năm 1954, tại Đền Hùng, Bác căn dặn cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...” Lời căn dặn của Bác Hồ trở thành nguồn động viên khích lệ, lời hiệu triệu thiêng liêng để bao người con ưu tú của đất Việt nguyện hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc. Lần thứ 2, Bác đến thăm Đền Hùng ngày 19-8-1962, Người căn dặn: “Phải trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử quốc gia”.

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra thông báo Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn hàng năm, Quốc hội đã phê chuẩn, sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động nghỉ việc hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch). Chính phủ đã ban hành nghị định về nghi lễ nhà nước trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo các văn bản này, lễ Giỗ Tổ được quy định là ngày quốc giỗ 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của vua Hùng.

Di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thờ tự vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam đã được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 6-12-2012, UNESCO đã công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Kỷ vật thiêng liêng là đất và nước được rước từ Đền Hùng đang lưu giữ tại Nhà truyền thống TP. Đồng Hới.
Kỷ vật thiêng liêng là đất và nước được rước từ Đền Hùng đang lưu giữ tại Nhà truyền thống TP. Đồng Hới.

Tại tỉnh ta, hàng năm, ngoài việc hành hương về Lễ hội Đền Hùng, tỉnh ta còn có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm hưởng ứng ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Vào những dịp kỷ niệm năm chẵn theo quy định nhà nước, thể hiện sâu sắc niềm tri ân các vua Hùng, nhiều đoàn đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo cao cấp của tỉnh đã tham dự Lễ hội Đền Hùng với nghi thức trang trọng.

Ở Nhà truyền thống thành phố Đồng Hới, tại Cây đa chùa Ông còn lưu giữ kỷ vật thiêng liêng là đất, nước, bình hương do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch rước từ Đền Hùng (Phú Thọ) về Quảng Bình năm 2002.

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh ta trong đó có nhiều bà con hội đồng hương tỉnh Phú Thọ đến dâng hương. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh thể hiện niềm tri ân công lao của các vua Hùng đối với lịch sử dân tộc.

Chúng tôi còn được biết, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về thời đại Hùng Vương trên đất Quảng Bình. Đó là trống đồng Phù Lưu (Quảng Trạch), thố đồng Thanh Trạch (Bố Trạch) cùng các loại vũ khí, vật dụng bằng đồng quý hiếm khác. Nhiều hiện vật đã minh chứng cho sự phát triển văn hóa rực rỡ của thời đại Hùng Vương.

Trong công cuộc đổi mới, toàn thể cán bộ, nhân dân Quảng Bình hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với việc gìn giữ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ...

Phan Hòa