.

Quảng Kim: Khó trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Thứ Năm, 15/10/2015, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, xã Quảng Kim (Quảng Trạch), tích cực gìn giữ 2 giá trị văn hóa truyền thống của xã đã có từ gần 200 năm trước, đó là ca trù (hát nhà trò) và hát kiều (loại hình nghệ thuật sân khấu dẫn tích Kiều truyện theo nguyên tác của Nguyễn Du). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống xưa kia vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn...

Lần theo “từng sợi chỉ vàng”

Ca trù còn được gọi là hát nhà trò - loại hình nghệ thuật được quần chúng nhân dân trước đây rất ưa thích. Ca trù thực sự là hình thức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam không vay mượn. Ca trù bao hàm nhiều hình thức nghệ thuật trong đó có nghệ thuật ca hát, nghệ thuật múa và nghệ thuật trình diễn. Bản thân ca trù có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ hát ở cửa đình ra sinh hoạt đời thường, hát khao vọng, hát mừng lên lão, hát cho các nhà văn, nhà thơ nghe, rồi được mở rộng biểu diễn trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, hội làng, ngày xuân, ngày tết.

Thực hiện chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng, cùng với một số loại hình nghệ thuật khác, ca trù được khôi phục lại và dần trở nên quen thuộc với công chúng. Năm 1988, nghệ nhân Quách Thị Hồ là người đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân gắn với công lao khôi phục và phát triển ca trù. Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ở xã Quảng Kim, ca trù được du nhập và lưu truyền cách đây 200 năm, do những cụ ông, cụ bà gốc ở miền Bắc vào khai hoang lập nghiệp gây dựng nên. Trong hai cuộc kháng chiến, ca trù trong xã tạm lắng xuống, khi chiến tranh kết thúc, đến năm 1979, nhận thấy di sản văn hóa quý giá này có nguy cơ bị mai một, một số cụ ông, cụ bà ở thôn 4, xã Quảng Kim đã tổ chức và vận động lập lại tổ ca trù. Ca trù vốn có rất nhiều làn điệu, riêng ở xã Quảng Kim ngày nay còn lưu giữ được một số làn điệu như: Hát phú, hát kim tiền, hát luyện, hát múa sinh và múa quạt. Đặc biệt, ca trù đã được nhiều bạn trẻ yêu thích, học hỏi và tham gia biểu diễn, đây chính là nhân tố quan trọng cho bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa này ở Quảng Kim.  

Một buổi giao lưu văn nghệ của CLB hát kiều ở Quảng Kim.
Một buổi giao lưu văn nghệ của CLB hát kiều ở Quảng Kim.

Ngoài ca trù ra, ở Quảng Kim còn có loại hình sân khấu hát kiều. Đây là một loại hình rất độc đáo về làn điệu cũng như cách xướng.

Theo cụ Đặng Văn Đôn (82 tuổi, thôn 1), từng thành lập câu lạc bộ hát kiều năm 1993 và làm chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) hát kiều trong xã, thì hát kiều sau khi du nhập vào Quảng Kim được các cụ ông, cụ bà cải biên và không ngừng giao lưu với các vùng để lối hát kiều ngày càng phong phú hơn.

Cụ Đôn cho biết, trong chuyến công tác tại xã Quảng Kim, PGS,TS Nguyễn Tri Nguyên (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) đã cho rằng, hát kiều Quảng Kim có nhiều nét độc đáo mang tính bản địa sâu sắc, rất đặc biệt, khác với lối hát kiều ở Nghệ Tĩnh và các nơi. Đó là điều kiện để đưa hát kiều vào nghiên cứu sâu hơn, bảo tồn và phát triển cũng như truyền bá để loại hình này được quần chúng rộng rãi biết đến.   

Đoàn hát kiều đầu tiên ở Quảng Kim được thành lập vào năm 1935, đến năm 1945, làng có hai đoàn hát kiều do ông Đại và ông Từ Huệ phụ trách, có lẽ đây là khoảng thời gian mà hát kiều trong xã hưng thịnh nhất. Các đoàn kiều của xã thường xuyên giao lưu với các đoàn ở vùng khác như, Cảnh Dương, Ba Đồn, Hà Tĩnh... Cũng trong thời gian chống Pháp, đoàn hát kiều của làng được sáp nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền của xã để tham gia sinh hoạt văn nghệ ở các vùng tự do.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phong trào hát kiều trong làng tạm lắng xuống. Năm 1990, chiếu hát kiều mới được phục dựng và lưu lại cho đến tận ngày nay, một số cụ cao niên tâm huyết với hát kiều đã bắt tay vào sưu tầm, cải biên, chỉnh lý chiếu hát Kiều, có góp ý và bổ sung hoàn chỉnh hơn; sau đó biên soạn ra một bản thống nhất cho đến ngày nay, điều này đã làm cho lối hát kiều ở xã Quảng Kim thêm phần đặc biệt hơn.

Hát kiều Quảng Kim có tới 31 làn điệu, ngoài những làn điệu hát quen thuộc như nói lối, hát xướng, ngâm thơ thì hát kiều ở Quảng Kim còn có thêm điệu “la chớ”, đây là làn điệu hát kiều độc đáo, chỉ có ở Quảng Kim.

Khó khăn hơn ca trù, trong tổ kiều của xã Quảng Kim hiện nay chỉ có 9 người, cụ Từ Thị Liễu – chủ nhiệm tổ hát kiều cùng nhiều thành viên rất tâm huyết. Họ có lòng đam mê và sẵn sàng theo đuổi đến cùng để duy trì những giá trị văn hóa, truyền thống của quê nhà. Ngoài ra còn rất nhiều thành viên lớn tuổi khác, vẫn thường xuyên giao lưu với tổ kiều.

Vẫn còn nhiều khó khăn...    

Thành công trong khôi phục và duy trì 2 loại hình nghệ thuật dân gian là vậy nhưng không phải là không có những khó khăn trong việc duy trì cũng như phát triển. Cũng như ca trù, hát kiều ở Quảng Kim hiện tại vẫn đang tạm lắng xuống.

Cái khó thứ nhất là quan niệm của nhiều người về 2 loại hình chưa thống nhất. Người ta cho rằng đây chỉ là tích trò dân gian phù hợp với lứa tuổi già, vì vậy có nhiều luồng ý kiến cho rằng hát kiều và ca trù ở Quảng Kim có thể sẽ “tắt bóng” vì không có người trẻ kế nghiệp.

Cái khó thứ hai là kinh phí. Hiện tại, hai CLB ca trù và hát kiều ở xã Quảng Kim vẫn đang tồn tại dựa vào nguồn kinh phí ít ỏi trích ra từ dự án VIE022 "Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi ở Việt Nam" - Đây là dự án được thành lập nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nghèo và thiệt thòi ở Việt Nam thông qua hoạt động trao đổi quyền cho người cao tuổi và cộng đồng. Trên thực tế thì khoản kinh phí hạn hẹp đó không thể nuôi sống cả hai CLB vì đây là dự án chung, các thành viên trong tổ vẫn phải tự thân vận động kinh phí để tiếp tục sinh hoạt và duy trì.

Cái khó thứ ba là sự quan tâm của ngành văn hóa và chính quyền đoàn thể chưa nhiều, chỉ mang tính hình thức.

Dù khó nhưng cũng không nản chí. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Giã Đình Vinh – Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù ở xã Quảng Kim khẳng định: “Bằng mọi sự cố gắng, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, phục hồi và ghi chép lại làn điệu. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì cũng như sưu tầm lại một số làn điệu từ các cụ đã cứng tuổi trong tổ, đồng thời vận động một số thành viên tích cực tham gia sinh hoạt”. Hiện trong tổ ca trù của thôn 4, có một số cụ bà, tuy đã đã lớn tuổi nhưng họ vẫn đang còn minh mẫn, để truyền dạy lại làn điệu một cách đầy đủ cho thế hệ sau.  

Với đại diện chính quyền, ông Phan Thanh Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết : “Ca trù và hát kiều, là hai giá trị truyền thống quý giá của xã Quảng Kim. Vì vậy, xã cũng tạo mọi điều kiện trước mắt là để duy trì những giá trị truyền thống,  thứ hai là tìm biện pháp để gây dựng lại loại hình một cách bài bản hơn. Do điều kiện kinh tế của xã còn đang gặp nhiều khó khăn, vì thế chưa thể quan tâm sâu sát đến các tổ được. Xã kêu gọi các cụ, các chị, em trong 2 tổ tiếp tục duy trì và gắn bó với loại hình để khi có điều kiện tiếp tục truyền đạt và chỉ bảo lớp kế tiếp cũng như giao lưu và truyền bá rộng rãi ra bên ngoài, xã cũng chú trọng kêu gọi mọi sự giúp đỡ từ các cấp lãnh đạo...”

Trên thực tế thì ca trù và hát kiều ở Quảng Kim vẫn đang được lưu giữ và sẽ tiếp tục lưu diễn, cũng như giao lưu nếu có sự quan tâm sâu sát hơn từ cấp trên. Tất cả những ca nương, đào nương trong xã, hiện tại vẫn đang mong muốn được tiếp xúc, lưu diễn để mong nối lại dòng chảy truyền thống xưa kia của làng.

T.Hoa-N.Oai