.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Quảng Bình là quê hương thứ hai của tôi!"

Thứ Sáu, 09/10/2015, 17:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà thơ Phạm Tiến Duật quê Phú Thọ nhưng có khoảng thời gian khá dài sống và viết tại Quảng Bình. Đó là những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, anh với tư cách là phóng viên mặt trận của Đoàn 559 anh hùng do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (quê Quảng Bình) làm Tư lệnh trưởng.

Khi đang là sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, có lần tôi ghé thăm anh tại phòng ở gia đình gần ga Hàng Cỏ (tên cũ của ga Hà Nội bây giờ). Giữa chừng chuyện trò vui vẻ, tôi hỏi anh: “Anh có nhiều năm sống ở Quảng Bình như thế chắc có nhiều kỷ niệm?”. Anh nhìn tôi, tinh nghịch nói: “Quảng Bình nhà ông nóng bỏ xừ!”. Tôi ngây thơ thừa nhận: “Dạ! Điều ấy thì nhà thơ Tố Hữu đã nói: Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình mà anh!”. Anh khua tay, cải chính: “Không! Tớ không chê Quảng Bình nóng như cậu nghĩ. Nóng với tớ là vì Bông vì Dạ!”. Lúc này tôi mới ngớ người, không nén được sự phấn khích về điều anh nói. Thì ra anh muốn nhắc đến tên hai nhà thơ nữ Quảng Bình thời ấy là Lâm Thị Mỹ Dạ và Lê Thị Mây-tên khai sinh là Phạm Thị Bông. "Bông, dạ" không nóng sao được!

Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.
Một góc thành phố Đồng Hới hôm nay.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật cho biết: nhiều bài thơ trong tập thơ VẦNG TRĂNG VÀ NHỮNG QUẦNG LỬA của anh được sáng tác tại Quảng Bình, nhờ cảm hứng từ không khí cuộc sống cũng như khí phách anh hùng của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân Quảng Bình mà có.

Quảng Bình đi vào thơ anh từ hình ảnh Đèo Ngang “nhà như lá đa mọc lưng chừng núi/sông suối từ đâu rơi xuống chân đèo” đến cảnh Trường Sơn Đông,Trường Sơn Tây mưa nắng thất thường, có khi “nước khe cạn bướm bay lèn đá”, có khi “mưa nhiều con đường gánh gạo/muỗi bay rừng già, cho dài tay áo”, hoặc cảnh chiến tranh khốc liệt “bom bi nổ chậm nổ trên đỉnh đồi/lốm đốm nền trời những quầng lửa đỏ”...

Có lần cùng đi với nhạc sĩ Trần Hoàn vào Quảng Bình công tác, trong đêm giao lưu thơ nhạc tại khách sạn Hữu Nghị (Đồng Hới), trước lúc đọc thơ, nhà thơ Phạm Tiến Duật bộc bệch: “Quảng Bình là quê hương thứ hai của tôi, là nơi góp phần làm nên tên tuổi, sự nghiệp thơ của tôi”. Anh nhắc nhớ vị ngọt cam Cổ Hiền các em tặng, vị bùi của lạc và khoai lang các mạ biếu, tên một số trường cấp 3, cơ quan, đơn vị mời anh đến đọc thơ, nói chuyện thơ...

Thơ Phạm Tiến Duật đã trực tiếp truyền lửa cho thế hệ thanh niên, học sinh Quảng Bình những năm tháng “đường ra trận mùa này đẹp lắm!”.

Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật (Giải thưởng Hồ Chi Minh về VHNT) xứng đáng là công dân danh dự của Quảng Bình anh hùng!

Lý Hoài Xuân