.

Đảng đã cho ta mùa xuân

Thứ Ba, 20/10/2015, 12:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhớ những ngày ở quê, khi bình minh bắt đầu, chiếc loa công cộng đầu ngõ lại phát những bản tin, có khi là tiếp sóng đài Trung ương, có khi là những bản tin của xã. Xen giữa các bản tin là những bài hát, mà có lẽ được phát nhiều nhất là bài “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát được phát nhiều tới nỗi bọn trẻ con trong xóm đều thuộc...

Và tôi là một trong những đứa trẻ ấy. Để đôi khi vô thức, giữa ngổn ngang công việc học hành, giúp mẹ, giúp bà, tôi lại lẩm nhẩm những lời hát quen thuộc. Lớn lên chút nữa, trong các chương trình văn nghệ của nhà trường, tôi và các bạn mình lại biểu diễn bài hát này. Có lẽ chẳng riêng mình tôi, những chiếc loa công cộng ngày ấy đã lưu lại trong ký ức ấu thơ chúng tôi những giai điệu quen thuộc của bài hát ấy...

Sau này lớn lên, nhiều lần tôi lại bắt gặp giai điệu quen thuộc của bài hát cũ. Và nó làm tôi nhớ về ký ức. Nhớ câu chuyện về cuộc đời gian truân của ông bà, cha mẹ mà tôi được nghe. Và tôi chợt vỡ lẽ rằng, chẳng phải ngẫu nhiên mà những năm tháng ấy, bài hát “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” lại được phát nhiều đến vậy trên hệ thống đài truyền thanh quê mình.

Bà tôi sinh năm 1919, khi đất nước còn chìm trong đói khổ. Bà bảo hồi ấy cả làng chả mấy người đủ cơm gạo để ăn. Ăn không đủ nói gì đến chuyện học, nên bà và các chị em gái của mình đều không biết chữ. Chỉ mới mấy tuổi đầu đã vật lộn mưu sinh cùng cha mẹ. Cho đến 26 năm sau, khi bà đã lấy ông tôi và sinh ra mẹ, Cách mạng Tháng Tám thành công, bà mới lần đầu tiên được học chữ nhờ phong trào Bình dân học vụ.

Thành phố Đồng Hới ngày càng phát triển. Ảnh: P.V
Thành phố Đồng Hới ngày càng phát triển. Ảnh: P.V

Đó là những ngày tháng sôi nổi và tươi đẹp như mơ đối với hầu hết người dân quê tôi, trong đó có bà. Với những người cùng thế hệ của bà ngày ấy, câu hát “...Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời/Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai...” không gì chính xác hơn. Và tôi tin nếu đủ ngôn từ và giai điệu, họ có thể viết nên những bài ca đi cùng năm tháng để diễn tả niềm hân hoan, hạnh phúc của mình khi có Đảng và Đảng hiện hữu thật gần gũi trong cuộc sống của họ.

Những ngày được học chữ nhờ phong trào Bình dân học vụ ấy đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng bà tôi và thế hệ bạn bè. Để đến rất nhiều năm sau này, dù đã già và đôi tay trở nên vụng về, lóng ngóng, bà vẫn có thể viết lách ghi chép những việc cần ghi nhớ. Tôi thường đọc những ghi chép của bà và luôn được những trận cười vì bà thường xuyên nhầm lẫn chữ n và chữ u. Những khi như thế, bà vừa cười vừa mắng yêu: Bà biết chữ là may lắm rồi, có nhầm một tí cũng không sao. Đời bà may có Đảng, có Bác Hồ mới được học chữ chứ không sung sướng như các cháu bây giờ!

Những khi nghe bà nói vậy, tôi thường cảm thấy ngậm ngùi. Nhưng qua những câu chuyện rất dài bà thường kể, tôi chợt nhận ra rằng, ánh dương của Đảng những năm tháng ấy đã soi rọi đời bà và bao thế hệ.

Bởi lẽ, cho đến lúc từ giã cõi đời, bà tôi, dù không phải là đảng viên, thì vẫn trung trinh một lòng hướng về Đảng. Để suốt đời mình, bà đã làm được bao điều tốt đẹp, dù bà đã phải trải qua sự mất mát to lớn khi ông tôi, một đảng viên, một người lính đã hy sinh trên chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, với 4 người con nhỏ dại, cha mẹ già yếu cần phải chăm nom, nhưng trong căn nhà nhỏ của mình, bà và bao người dân làng tôi vẫn sẵn lòng nhường chỗ cho những anh bộ đội.

Sẻ chia cùng nhau những bát cơm pha khoai, pha sắn, chăm sóc bộ đội những khi ốm đau, bị thương. Bà và những người dân quê tôi tự hào khi được cống hiến sức mình cho cuộc chiến đấu chống giặc giữ nước bởi niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng, với Bác Hồ...

Và nếu thế hệ ông bà tôi, nhờ phong trào Bình dân học vụ mới có thể thoát nạn mù chữ, thì đến thế hệ mẹ cha tôi đã được đến trường học hành tử tế dù cuộc sống vẫn còn đầy những khó khăn. Họ đã nỗ lực học tập, công tác và chiến đấu với lý tưởng của Đảng soi rọi trên mọi hành trình. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, họ tiếp tục bắt tay vào dựng xây quê hương sau những hoang tàn, đổ nát. Cuộc sống những năm tháng ấy chồng chất những khó khăn nhưng trong lòng họ, niềm tin, tình yêu với Đảng vẫn luôn tròn đầy.

Và tôi cùng các bạn bè mình may mắn sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Không còn bom đạn, nhưng những ký ức kinh hoàng ấy vẫn hiển hiện trong cuộc sống ngày ấy bằng những dấu tích trên thân thể con người và thiên nhiên. Đó là những hố bom vẫn còn sâu hoắm mà chúng tôi thường ì oạp tập bơi sau những chiều hè.

Đó là những thầy giáo thương binh vừa rời chiến trường đã kịp trở về và đứng trên bục giảng, tiếp tục những bài học hãy còn dang dở. Là những ngôi nhà đổ nát mà chủ xưa đã không còn ở đó. Là những bữa cơm còn thiếu thốn nhiều bề, bộ sách giáo khoa cũ chuyền tay nhau học đến khi rách nát, chiếc áo chị cả mặc năm nào giờ đến lượt em út mặc trong ngày tiến chị đi lấy chồng xa...

Khó khăn và thiếu thốn nhiều bề, nhưng ngày ấy, tôi vẫn thường được ngắm những nụ cười hạnh phúc của bà, của mẹ. Bà bảo, nhờ có Đảng, bà được học chữ, dù chỉ là phong trào Bình dân học vụ. Và nhờ có Đảng, mẹ hạnh phúc hơn bà nhiều lần vì được đến trường học nhiều kiến thức, được đi thoát ly để biết đến những miền đất mới. Mẹ bảo, mẹ hạnh phúc khi thấy con mình được sống trong bình yên, không còn nỗi lo bom đạn và mỗi ngày hân hoan đến trường cũng nhờ có Đảng đã mang lại hòa bình và no ấm.

Đôi khi tôi trộm nghĩ, có lẽ do không biết nói những lời hoa mỹ để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Đảng, nên những năm tháng ấy, người làng tôi thường phát bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên để thay lời muốn nói, tới nỗi mọi trẻ con làng tôi, trong đó có tôi, từ bé tẹo, đã thuộc nằm lòng!

Thời gian đi qua, cuộc sống có nhiều đổi thay. Bà tôi cũng đã thành người thiên cổ, mang theo những câu chuyện dài bất tận về cuộc đời mình. Mẹ cha tôi đã già và chúng tôi giờ đã là những người trưởng thành.

Và đã qua rồi thời chỉ mong cơm đủ no, áo đủ mặc, giờ là cơm ngon, áo đẹp và những giấc mơ, hoài bão lớn. Trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống những ngày này, có đôi khi bỗng xuất hiện những hoài nghi, phủ nhận. Sự suy thoái đạo đức, lý tưởng của một bộ phận đảng viên khiến người ta hoang mang và suy giảm niềm tin đối với Đảng. Nên có những người cố tình quên đi những nhọc nhằn, gian khó mà đời ông bà, cha mẹ đã trải, quên đi cội nguồn những bình yên, hạnh phúc mà mình và con cái mình đang được hưởng thụ hôm nay...

Tôi chợt nhớ câu nói của ai đó, rằng muốn xua tan bóng tối, mỗi người hãy tự mình thắp lên ngọn lửa thay vì ngồi đấy và nguyền rủa bóng tối. Vâng, mỗi việc làm tốt đẹp chính là một ngọn lửa nhỏ để góp phần xua tan bóng tối, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Để cùng nhau biết trân trọng quá khứ, gạn đục khơi trong và chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Giữa những ngày tháng mười nắng vàng như mật ong, chạy xe trên những con đường thênh thang gió lộng, tôi chợt nghe văng vẳng đâu đó những ca từ quen thuộc “Đảng đã cho ta một mùa xuân và ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi...”. Những câu chuyện của ông bà, cha mẹ như một cuốn phim quay chậm lướt qua ký ức tôi. Ở đó mãi âm vang những giai điệu ngọt ngào của tình yêu quê hương, đất nước và tấm lòng trung trinh với Đảng, nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt và kết nối bao thế hệ trên hành trình dài đi đến tương lai...

Diệp Đồng

>> Hân hoan đón ngày hội lớn