.

Đi giữa sắc hoa... Đi dưới rừng cờ

Thứ Ba, 20/10/2015, 15:52 [GMT+7]
 Sắc hoa trong ngày hội.         Ảnh: P.V
Sắc hoa trong ngày hội. Ảnh: P.V

(QBĐT) - 1. Năm nào tôi cũng gặp ông... người đàn ông gầy gò trong bộ áo quần Tô Châu nhạt màu theo thời gian, theo năm tháng. Ông cứ thơi thảnh bước đi dưới phố, giữa dòng người tấp nập ngược xuôi, dáng không lẫn vào đâu được.

Phố bây giờ tháng mười, ngàn sắc hoa bung nở và cờ Tổ quốc cứ ngời đỏ giữa đất trời.

Ông bảo với tôi: “Mình phải về chứ, mỗi năm trở về Quảng Bình, chạm dấu chân xuống phố phường Đồng Hới, để cảm nhận sự đổi thay của đất, của con người, nơi một thời mình được đùm bọc, cưu mang, sống và chiến đấu.

Quảng Bình trở thành quê hương thứ hai của mình từ lúc nào cũng chẳng còn nhớ nỗi. Chỉ thấy nỗi nhớ Đồng Hới, nhớ Quảng Bình cồn cào, da diết. Mỗi lần như thế, mình lại quay về”.

Buổi chiều xưa, lúc tôi với ông tình cờ quen nhau bên dòng Nhật Lệ hiền hòa. Một già, một trẻ ngồi cạnh nhau, cảm nhận được dòng sông xuôi chảy, chở ký ức ông về một thời Đồng Hới, Quảng Bình cùng cả nước lên đường đi đánh Mỹ. Người lính già ấy gốc Quảng Trị, nguyên cựu binh Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, từng đóng quân trên vùng cát trắng Hải Thành, Bàu Tró. Nhắm mắt lại ông có thể kể cho lớp trẻ hậu sinh như tôi về một Đồng Hới kiên cường, một Quảng Bình “Hai giỏi”, chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi như lời Bác Hồ ngợi khen.

Kết thúc câu chuyện dài, ông không quên ngâm những dòng thơ của thi sỹ Xuân Hoàng: “Em đi, phố nhỏ động cành dừa/ Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh/ Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh/ Bóng em về ấm lại dải đường xưa”.

2. Phố bây giờ tháng mười, ngàn sắc hoa   bung nở và cờ Tổ quốc cứ ngời đỏ giữa đất trời. Vẫn dáng gầy gò trong bộ áo quần Tô Châu nhạt màu theo thời gian, theo năm tháng, có khác chăng lần trở lại hôm nay, mái tóc ông bạc trắng cả.

Người lính già nắm chặt tay tôi bâng khuâng: “Mình cứ tin theo dự cảm, theo kỳ vọng, như ngày xưa thi sỹ Xuân Hoàng rứt ruột ra từng câu chữ: “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ lại trồng hoa trên lối cũ/ Hoa thược dược cứ đến mùa lại nở/ Vàng huân chương trong mỗi sân nhà”. Không riêng gì mình đâu nhé! Rất nhiều người bảo, cứ mỗi lần trở lại, Quảng Bình đổi thay đến bất ngờ. Đi trên phố, không thể tìm thấy vết tích thành Đồng Hới đổ nát, hoang tàn do bom đạn giặc Mỹ năm xưa. Phố rộng thênh thang, nhà cao tầng mọc lên ngun ngút mắt. Không mơ, lại cứ nghĩ mình mơ”- người cựu binh già cười sảng khoái.

Phố bây giờ tháng mười, tôi cùng ông nhẹ từng bước chân dọc phố, từ Tháp nước, qua thành Đồng Hới, đến Quảng Bình Quan, về cầu Dài, ghé rặng dừa kết nghĩa Bình Trị Thiên, thăm chợ Đồng Hới, viếng tượng đài mẹ Suốt, xuôi ra Khu chứng tích chiến tranh Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. Nơi cuối cùng tôi và ông dừng lại là bãi biển Nhật Lệ, nơi cách đây năm mươi tám năm về trước, trong lần về thăm Quảng Bình, Bác Hồ đã bình dị hòa mình vào sóng nước biển Đông rồi ung dung dạo bước dọc bờ cát trắng.

“Tháng mười này Quảng Bình tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 ông ạ!” - tôi chia sẻ với người cựu binh già. Tiếng ông nhè nhẹ, mắt ánh lên niềm tin: “Chắc chắn sau thành công của Đại hội, Quảng Bình tiếp tục có nhiều đổi thay kỳ diệu hơn!”.

Phố tháng mười... một già, một trẻ song hành giữa sắc hoa ngọt ngào, dưới rừng cờ ngời đỏ. Tôi- người trẻ, ông- người lính già từng cống hiến cuộc đời cho trận mạc, nhận Quảng Bình làm quê hương thứ hai lại chung dòng suy nghĩ... về một Quảng Bình cất cánh vút cao!                              

Hồ An