.

Một hồn thơ dung dị

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:25 [GMT+7]

(Đọc “Mùa rơi lá”, thơ Nguyễn Thanh Vân, Nxb Văn học, 2015)

(QBĐT) - Trong quy luật thơ nảy sinh từ đời sống thường nhật, từ những gì ngày đêm gắn bó, rất nhiều người làm thơ tìm thấy thơ quanh cuộc sống của mình, nơi làm việc, ăn ở, nơi con người hòa quyện với thiên nhiên... Nguyễn Thanh Vân cũng không nằm ngoài thông lệ này. Anh vốn là kĩ sư điện lực, sống ở Hà Nội còn công việc thì đi về với nguồn điện sáng vươn tới những miền quê nên thơ anh dù nói gì rồi cũng xoay quanh những mảng hiện thực anh cảm nhận, những vui buồn nếm trải suốt cuộc hành trình của mình...

Là đứa con của quê hương Quảng Bình, nhưng Nguyễn Thanh Vân đã có một tuổi thanh xuân và rất nhiều năm gắn bó với Hà Nội nên anh gần như thuộc từng vùng đất, hiểu từng nết người ở đây do đó thơ anh viết về Hà Nội thật chẳng ngạc nhiên là anh đã cảm thụ một cách tinh tế từng chiếc lá vàng rơi cho đến cái se lạnh thu về và những sắc màu hoa cỏ nơi đây. Rất nhiều bài thơ trong tập anh viết về Hà Nội, dù chỉ đôi nét chấm phá cũng giàu sức gợi, từ Hàng sấu già bối rối cho đến Cột vuông treo ngọn đèn vàng, rồi Ghế đá trống trơn/ mặt hồ phẳng lặng, hay Sen Tây hồ Lặng lẽ gom chút màu trời xanh cốm... Nguyễn Thanh Vân rất mẫn cảm với mùa thu đất Bắc:

Những chiếc lá chơi vơi
Xoay tròn trong ngóng đợi
Khi nằm im bên cội
Vẫn níu chân người qua.

(Hà Nội mùa rơi lá)

hoặc:                    

Đêm hò hẹn, thu nồng nàn hoa sữa
Phấn son vương con phố nhỏ em về
Heo may thổi, nụ hôn người bỏ dở
Chút lạnh đầu mùa thức tỉnh cơn mê!

(Không đề)

Công việc kéo anh theo những chuyến đi. Nguyễn Thanh Vân qua sông Đà, lên Mai Châu, Trấn Yên... Anh lên miền núi với đồng bào dân tộc, gắn bó với họ, cảm thụ con người, cảnh vật nơi đây và cất lên tiếng thơ.

Những bài thơ anh viết sau những chuyến công tác đều để lại dấu ấn. Kéo điện về thắp sáng các bản làng, Vân có câu thơ hay Anh gọi trăng sao trên trời xuống núi; nhìn các cô gái múa sạp, anh bắt gặp hình ảnh đẹp ít người chú ý Nhon nhón gót chân nhún nhảy...

Có hai bài thơ anh viết về ruộng bậc thang ở Tây Bắc. Dù đề tài này không mới chút nào nhưng Nguyễn Thanh Vân đã cố gắng quan sát, tìm ra nét đẹp đầy sức gợi:

Từng bậc
từng bậc
từng vòng cong cong
nhấp nhô con sóng
đỉnh đồi nơi thắt đáy lưng ong
ruộng bậc thang
bao sắc màu
như chiếc váy em mang.

(Ruộng bậc thang)

hoặc cái nhìn tinh tế:

Ruộng bậc thang thêu vào mây
Những đường cong vàng của nắng
Em thêu mùa vào thổ cẩm
Để ai say chẳng muốn về...

(Thu trên núi)

Ở phố, lên rừng, đi về những thôn, bản... Nguyễn Thanh Vân thường quan sát và đắm say cảnh vật. Anh nói nhiều về hoa, về cây, dòng sông, mưa, nắng... Đó là những đề tài rất dễ nhàm nếu không cao tay. Trong bàng bạc những câu thơ tả cảnh, xúc cảm về sắc màu, đường nét thiên nhiên, thỉnh thoảng ta bắt gặp những ý thơ đứng được:

Triền sông Đà trắng bông lau mềm mại
Sương sớm giăng giăng
Gió chiều hoang hoải
Nhành lau buồn như nét vẽ vào sông.

(Hoa lau)

hoặc:

Trắng mơ màng trên nhành cây gầy guộc
Giữa cằn khô vẫn nở đợi xuân về
Như mây nõn nghiêng bên sàn mái lá
Dịu dàng thêu thổ cẩm bức tranh quê.

(Hoa mận)

Bên góc phố, trên đường làng, bên những sườn núi hoa nở, lá reo, trong gió và nắng... là bóng dáng con người. Rất nhiều em trong các bài thơ. Không có phái đẹp, không có thơ. Nơi thì Con gái Hồ Tây tóc xanh sen lá, chỗ thì Cây lộc vừng lặng lẽ lối em qua, lại chỗ thì Sơn nữ đeo gùi quẩy hoa về làm gối... Không biết chàng kĩ sư điện đi nhiều vùng quê có gửi ánh mắt lại nơi nào không chứ cứ thấy men tình dậy lên đây đó. Chỗ thì Em ngồi kéo guồng quay sợi/ Trói anh bằng một nét cười; chỗ lại Mình dìu nhau trong điệu gõ/ Chưa uống rượu cần đã say và Vắng em hoa cải thôi vàng bên sông... Tác giả cũng đã ở vào tuổi tri thiên mệnh rồi, và là con người kín đáo nên không bị sốc trước cảnh chia li:

Em là thu
Hay mùa vàng im lặng?
Ta nhủ lòng
Đứng lại để mùa đi...

(Thu tĩnh lặng)

Ở vào tuổi ấy, con người đã bắt đầu nếm mùi kỉ niệm. Nhẫn cỏ mùa thu, Bức thư tình cũ là những bài thơ tiếc nuối một thời yêu để bây giờ chỉ còn để lại dấu vết rồi thở than nhẹ nhàng: Ta đan chiếc nhẫn cỏ/ Trao em vào mùa thu. Ấy là một mùa thu đã xa và giờ trở lại thì chiếc nhẫn cỏ lũ chim đã tha làm tổ khiến: Tình chỉ còn nỗi nhớ/ Chỉ còn thu với mưa. Lại nữa: Thời ta yêu nhau/ Sao không hẹn gặp. Bức thư tình giấu vô trang sách ngày nào bị thời gian bỏ quên đến nỗi: Tình xưa dang dở/ Em giờ nơi đâu!...

Nguyễn Thanh Vân tâm sự anh chỉ chơi thơ, nghĩa là không xem thơ là một nghề, hoặc chỉ coi đây là nghề chơi. Song nghề chơi cũng lắm công phu. Vân hiểu điều đó, và anh đã chí thú với nó. Anh đi theo con đường riêng không mấy giống ai. Không triết lí, không ầm ĩ. Đọc, thấy anh không cố ý làm chữ nghĩa. Cảm giác như Nguyễn Thanh Vân viết nhanh, không sửa chữa nhiều, ít khi phải đánh vật với câu chữ. Tuy vậy đọc thơ anh thấy không có chỗ gợn, mà tự nhiên, mạch thơ, bài thơ dừng lại khi đã hết ý.  Nguyễn Thanh Vân không nhiều tìm tòi nhưng không hề sáo mòn, Vân lưu ý chữ nghĩa dùng chân xác, dung dị, dễ nhận biết; chính vì thế nên thơ anh được khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc... Nguyễn Thanh Vân đã in hai tập thơ, thuộc loại sách có nhuận bút, đã thoáng thấy có câu, khổ thơ đọc được. Hi vọng nhiều hơn những gì anh đang ấp ủ.

Hoàng Thái Sơn