.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2015) và ngành VH-TT-DL Quảng Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2)

Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình: Ghi dấu ấn trong lòng khán giả

Thứ Hai, 24/08/2015, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiền thân là "Đội tuyên truyền văn hoá lưu động" ra đời vào ngày 3-4-1959, sau hơn nửa thế kỷ ra đời và phát triển với nhiều tên gọi, đến nay, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng, đồng hành cùng quê hương trong giai đoạn phát triển mới.

Những ngày đầu mới thành lập, "tài sản" của đoàn chỉ là một cây đàn accodeon 80 basse. Những thế hệ diễn viên đi trước đi lưu diễn bằng đôi chân băng rừng vượt suối. Đến năm 1962, với hai vở cải lương "Lửa căm hờn" và "Chị Dung" cùng một số tiết mục ca nhạc đã gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Sau đó, nhiều vở kịch và chương trình ca nhạc liên tục ra mắt quân và dân tỉnh nhà, đoàn biểu diễn khắp các xí nghiệp, công trường, bình quân mỗi tháng 15 đến 20 đêm diễn, làm nức lòng người xem.

Năm 1965, chiến tranh ngày càng ác liệt, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và chiến sĩ, đoàn hoạt động theo hướng dã chiến, chia nhỏ từng bộ phận, hành quân cơ động, biểu diễn gọn nhẹ với nội dung phản ánh kịp thời sự kiện nóng bỏng của quê hương nhằm động viên quân dân hăng hái chiến đấu và thi đua sản xuất.

Và một niềm vinh dự to lớn đã đến vào ngày 1-5-1966 khi đoàn được biểu diễn phục vụ Bác Hồ và Trung ương Đảng tại Phủ Chủ tịch. Những năm tháng ấy, Đoàn văn công nhân dân Quảng Bình (tên gọi lúc bấy giờ) là nhân tố quan trọng tạo nên phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" nổi tiếng của đất lửa anh hùng.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình tại chương trình truyền hình trực tiếp “Nghề báo: vinh quang và trách nhiệm”, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình tại chương trình truyền hình trực tiếp “Nghề báo: vinh quang và trách nhiệm” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và những ngày hoà bình mới lập lại với nhiều khó khăn, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trở thành tỉnh lớn Bình Trị Thiên, các đoàn văn công cũng nhập lại. Cùng với các tỉnh bạn, những thành viên của Đoàn văn công nhân dân Quảng Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giai đoạn lịch sử của quê hương.

Đến năm 1989, khi tỉnh nhà trở về địa giới cũ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, ngày 23-8-1989, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Đoàn nghệ thuật Quảng Bình. Chỉ sau một thời gian ngắn, đoàn đã quy tụ được 27 diễn viên, nhạc công và bắt tay vào xây dựng những chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị và nhân dân tỉnh nhà, tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Trải qua những thăng trầm, có thể nói đến thời điểm này, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đã có trong tay một "gia tài" đồ sộ, đáp ứng được niềm tin yêu của khán giả. Anh Quách Sĩ Dũng, trưởng đoàn cho biết: Đoàn hiện có 56 cán bộ, diễn viên, được chia làm hai đội gồm ca múa nhạc dân tộc và ca múa nhạc hiện đại. Bình quân hàng năm đoàn biểu diễn khoảng 100 buổi phục vụ các sự kiện chính trị và bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, hàng năm đoàn còn tham gia dàn dựng và tập luyện chương trình để tham gia các hội diễn cấp khu vực và quốc gia...

Khi chúng tôi đến trụ sở của đoàn trên đường Lý Thường Kiệt, trong căn phòng nhỏ ở tầng hai, anh chị em diễn viên đang say sưa luyện tập để chuẩn bị cho "Hội diễn ca múa nhạc dân tộc toàn quốc" lần 2, tổ chức tại thành phố Vũng Tàu vào tháng 9-2015.

"Do trụ sở xuống cấp và không đủ diện tích nên việc tập luyện của anh chị em còn nhiều khó khăn vất vả. Chưa kể với đặc thù của nghề này, đối với diễn viên nữ, thời gian nghỉ thai sản của chị em có thể kéo dài trên một năm nên việc thiếu diễn viên cũng thường xảy ra. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động, đoàn thường phải hợp đồng thêm diễn viên, nhưng ngân sách của đoàn cũng hạn hẹp nên vẫn còn không ít khó khăn.

Tuy vậy, xác định trách nhiệm đồng thời cũng là vinh dự, những năm qua anh chị em cán bộ, diễn viên của đoàn không ngừng cố gắng và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đó là giải nhì toàn đoàn tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 (5 năm tổ chức một lần). Cũng tại Liên hoan năm ấy, đoàn còn gặt hái được 3 huy chương vàng cá nhân.

Và đến thời điểm này đoàn vinh dự có 4 cán bộ, diễn viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Những phần thưởng ấy đã động viên anh chị em toàn đoàn tiếp tục cố gắng để đưa lời ca tiếng hát đến với nhân dân và phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương", anh Dũng chia sẻ.

Năm 2015, đồng hành cùng những sự kiện lớn của tỉnh nhà, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đã tạo những dấu ấn đậm nét qua các chương trình nghệ thuật hoành tráng.

Các tiết mục biểu diễn của đoàn luôn được biên soạn và dàn dựng công phu đã đưa khán giả đến với những giai điệu mang âm hưởng quen thuộc của miền quê gió Lào cát trắng và giàu truyền thống cách mạng. Nhiều tiết mục đã góp phần làm nên tên tuổi của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình và vinh dự được Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch, UBND tỉnh trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen.

Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với họ, những người đang ngày đêm đem lời ca tiếng hát của mình làm đẹp thêm cuộc sống, là tấm lòng yêu quý và đón chờ của hàng vạn khán giả tỉnh nhà.

Hiền Mai