.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2015) và ngành VH-TT-DL Quảng Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2)

Thư viện tỉnh và nỗ lực nâng tầm văn hóa đọc

Thứ Hai, 24/08/2015, 11:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Thành lập từ năm 1956 với số lượng sách ban đầu chỉ vẻn vẹn hơn 1.000 cuốn, chủ yếu là từ sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong tỉnh, sau gần 60 năm phát triển, Thư viện tỉnh đã có những bước đột phá mạnh mẽ, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn.

Từ trụ sở mới khang trang, tích hợp đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đọc và làm việc của bạn đọc, cho đến hệ thống sách báo phong phú, đa dạng và nhiều chương trình, dự án kết nối mở rộng chân trời kiến thức... đó chính là minh chứng cho sự đổi mới từng ngày của Thư viện tỉnh và sự cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để hoàn thiện văn hóa đọc của một tỉnh còn nghèo về kinh tế như tỉnh ta.

Từ năm 2011, dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN, viết tắt của Bill và Melinda Gates Foundation-Vietnam) bắt đầu được triển khai ở tỉnh ta và mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là dự án do Quỹ Bill và Melinda Gates, một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Viễn thông công ích (VTF) với tổng vốn của dự án trên 50 triệu USD, triển khai ở 40 tỉnh của cả nước trong đó có Quảng Bình.

Mục tiêu hướng đến của dự án là góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm Bưu điện-Văn hóa xã với tầm nhìn mới. Dự án tập trung hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

Qua đó, họ có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả, bền vững với công nghệ thông tin và được hưởng những lợi ích về kinh tế-xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, góp phần cải thiện cuộc sống của cá nhân, đồng thời đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Nằm trong chương trình hưởng lợi từ dự án ở gian đoạn 3 (2011-2015), tỉnh ta có 42 điểm, bao gồm 7 điểm thư viện công cộng và 35 điểm Bưu điện-Văn hóa xã, được lắp đặt hệ thống máy tính, bàn ghế, modem, máy in, bộ chia mạng, đường truyền kết nối Internet tốc độ cao với giá cước truy nhập thấp.

Thư viện tỉnh vừa là một điểm được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, vừa là cầu nối quan trọng đưa thông tin một cách hữu hiệu nhất tới mọi đối tượng người dùng, nhằm giúp nhân dân nâng cao khả năng sử dụng máy tính và cách truy nhập Internet một cách có hiệu quả.

Dự án của Quỹ Bill và Melinda Gates mang lại nhiều cơ hội tiếp cận với Internet cho người dân nghèo tỉnh ta.
Dự án của Quỹ Bill và Melinda Gates mang lại nhiều cơ hội tiếp cận với Internet cho người dân nghèo tỉnh ta.

Các nhóm đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ dự án rất đa dạng, đó là trẻ em, học sinh tiếp cận các thông tin giáo dục, kiến thức chung, giải trí như âm nhạc, thơ, phim ảnh, giao lưu qua email; là người dân địa phương tham gia hoạt động sản xuất có thể tìm hiểu các thông tin về nông nghiệp, giống cây con, phân bón, thức ăn gia súc, các kỹ thuật nông-lâm-ngư, giá cả thị trường, kênh phân phối sản phẩm, các chính sách, chương trình xóa đói giảm nghèo; là phụ nữ có thể cập nhật thông tin về sức khỏe sinh sản và giáo dục trẻ em, thị trường, kỹ năng sản xuất, tình yêu, hôn nhân và gia đình...

Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại một diện mạo tích cực mới cho bộ mặt văn hóa nông thôn, rút ngắn khoảng cách thông tin giữa nông thôn-thành thị và là điều kiện cần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, một hoạt động mang tính “truyền thống” khác của Thư viện tỉnh cũng được quan tâm và ngày càng nâng cao về chất lượng là việc phối hợp với các đơn vị, như Bưu điện tỉnh, Hội Nông dân..., luân chuyển sách báo về cơ sở, đồng thời nỗ lực chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống tủ sách ở cơ sở.

Năm 2014, Thư viện tỉnh bàn giao vốn sách tài trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia cho 5 huyện với tổng kinh phí 105 triệu đồng và hỗ trợ vốn sách, báo ban đầu cho 13 điểm trong 7 huyện, thành phố với gần 5.000 bản sách, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Sách báo thường xuyên được luân chuyển từ kho sách lưu động của Thư viện về các cơ sở theo vòng quay 6 tháng/1 điểm, bình quân mỗi điểm từ 300 đến 400 bản sách.

Mặt khác, Thư viện tỉnh tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện, đặc biệt ưu tiên các địa phương có phong trào đọc sách báo tốt, các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các đồn biên phòng, các trường học bằng cách hỗ trợ vốn sách báo ban đầu. Các tủ sách dòng họ, thư viện thôn, tủ sách cá nhân luôn được xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào đọc sách ở cơ sở.

Bà Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ, chuyển sang trụ sở mới với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại có tổng diện tích hơn 4.700m2 cùng hệ thống phòng đọc, phòng đa phương tiện, Thư viện tỉnh có điều kiện đáp ứng toàn diện nhu cầu của bạn đọc, đồng thời, mở ra nhiều hướng đi mới trong hoạt động phát triển thư viện, nhất là nỗ lực tích hợp các công nghệ thông tin, kỹ thuật mới.

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực, vấn đề đặt ra lớn nhất hiện nay đối với Thư viện tỉnh chính là tạo được sự thu hút, hấp dẫn đối với bạn đọc, tăng cường hơn nữa số lượng bạn đọc tìm đến thư viện.

Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động phục vụ bạn đọc, chú trọng công tác xã hội hóa hoạt động thư viện, liên kết chặt chẽ với các đơn vị liên quan để nỗ lực đưa sách đến tận tay bạn đọc, Thư viện tỉnh đang xây dựng và từng bước hoàn thiện đề án số hóa tài liệu, nhằm góp phần nâng văn hóa đọc tỉnh nhà lên tầm cao mới.

Mai Nhân