.

Ngược xuôi tìm chỗ... phát hành

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Một tác phẩm nghiên cứu lịch sử-văn hóa được xuất bản là đứa con tinh thần được thai nghén và sinh ra từ chính những năm tháng tìm tòi, suy ngẫm và tích tụ kiến thức cùng vốn sống. Thế nhưng, với hầu hết những người viết các tác phẩm này tại tỉnh ta, việc xuất bản được một cuốn sách đã khó, thì việc tìm được chỗ phát hành lại càng vất vả hơn.

Xuất thân là một kỹ sư địa chất, nên ông Phạm Ngọc Hiên (bút danh là Ngọc Hiên Hiên) có hàng chục năm nghiên cứu, tìm hiểu bề dày lịch sử và đời sống văn hóa của những mảnh đất ông đã đi qua. Chính những năm tháng được rong ruổi trên khắp những miền quê, đi qua bao con sông, ngọn núi, ông đã bồi đắp cho mình một vốn kiến thức phong phú.

Để rồi, khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào thực hiện một niềm đam mê khác: nghiên cứu và xuất bản sách văn hóa, lịch sử các vùng quê ở Quảng Bình. Thành quả của những năm tháng miệt mài và say mê ấy là 4 cuốn sách được người đọc đón nhận: Địa chí làng Trung Bính (2012), Những ngôi chùa tỉnh Quảng Bình (2012), Quảng Bình núi sông hùng vĩ và Động Hải-Đồng Hới, vùng đất tụ thủy (2014). 

Thế nhưng, điều khiến con người đầy nhiệt huyết với văn hóa quê hương này trăn trở là việc phát hành các tác phẩm vô cùng khó khăn. “Ví như cuốn Quảng Bình núi sông hùng vĩ, in 400 cuốn. Thời điểm ấy UBND tỉnh có hỗ trợ 10 triệu nhưng tính ra tiền in cũng đã vừa vặn 10 triệu rồi. Nên muốn thì phải tự thân đi phát hành, tức là phải trực tiếp đến tận các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để thuyết phục họ mua sách. Chỉ là vì đam mê mà viết thôi, chứ nói thu lợi từ việc xuất bản và phát hành sách thì không đáng là bao đâu”, ông bày tỏ.

Tác giả Phạm Ngọc Hiên vẫn luôn trăn trở tìm “đầu ra” cho những đứa con tinh thần của mình.
Tác giả Phạm Ngọc Hiên vẫn luôn trăn trở tìm “đầu ra” cho những đứa con tinh thần của mình.

Theo nhà nghiên cứu Văn Tăng, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình thì muốn viết một cuốn địa chí hay các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử địa phương, người viết phải thực sự là người có vốn sống, vốn kiến thức phong phú, có đam mê và tình yêu với các làng quê. Sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản là công việc đòi hỏi nhiều thời gian mà không phải hội viên Hội văn nghệ dân gian nào cũng làm được.

“Lực lượng viết không thiếu, nhưng xuất bản một cuốn sách không phải chuyện nói là làm được. Xuất bản được đã khó, có phát hành được hay không mới đáng nói. Cái quan trọng là không phải ai cũng tìm được nguồn tài trợ kinh phí để in”.

Cũng theo ông Văn Tăng, đến thời điểm này, giá trị nhất vẫn là cuốn Địa chí Bảo Ninh của cụ Nguyễn Tú. Từ đó đến nay, nhiều hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh cũng đã xuất bản nhiều cuốn địa chí, nghiên cứu lịch sử văn hóa như: Đỗ Duy Văn, Đặng Thị Kim Liên, Nguyễn Viết Mạch, Lê Thái Sơn...

Mỗi người mỗi cách, người may mắn tìm được nguồn hỗ trợ phát hành từ dự án của Hội Văn nghệ dân gian, các nhà xuất bản hay các đơn vị, địa phương trong tỉnh, có người phải tự lặn lội tìm đến gõ cửa từng đơn vị để phát hành. “Nhiều người in sách ra chỉ dùng để biếu, tặng. Có người phải đi đến liên hệ với cơ sở trước khi in để tránh tồn kho. Nói chung, phần đa phải tự thân trong quá trình phát hành”, ông cho biết thêm.  

Một trong những khó khăn của lực lượng nghiên cứu văn hóa của Quảng Bình là ở tỉnh ta không có lấy một đơn vị phát hành sách nào chịu đứng ra “bao tiêu” những sản phẩm trí tuệ này. “Trước có Công ty phát hành sách Quảng Bình, giờ thì không có đơn vị nào”, một tác giả cho biết thêm. Dạo một vòng quanh các nhà sách lớn của Đồng Hới, thấy vắng bóng hoàn toàn các sách địa chí, nghiên cứu văn hóa, lịch sử Quảng Bình. Đại diện của Nhà sách Trẻ cho biết: “thời gian trước cũng có trưng bày để bán những loại sách này nhưng do sách nghiên cứu khá kén người đọc nên đến nay, chúng tôi không bán nữa”.

Khách quan là thế nhưng xét cho cùng muốn những sản phẩm trí tuệ này được “thuận buồm xuôi gió” trong quá trình phát hành thì chủ quan tác giả cũng cần có những điều chỉnh riêng. Đã xuất bản được 12 cuốn sách địa chí, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các địa phương trong tỉnh, trong đó có 10 cuốn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ký hợp đồng, chi trả nhuận bút, ông Đỗ Duy Văn (Quảng Ninh) cho rằng muốn làm được điều đó thì ông phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu từ đó xuất bản những cuốn sách có thể đáp ứng được những đòi hỏi của Hội Văn nghệ dân gian và các nhà xuất bản.

“Viết vì đam mê là một chuyện nhưng cũng cần phải gắn với nhu cầu của địa phương. Với những cuốn sách mình phải tự phát hành thì tôi xác định là chỉ in một số lượng ít thôi, chứ không thể in tràn lan được”, ông Đỗ Duy Văn cho biết một thực tế đáng suy ngẫm.

Và điều khiến các nhà nghiên cứu, các tác giả đầy tâm huyết này trăn trở là sự xuống dốc trong văn hóa đọc của độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Ngày càng nhiều người thích đọc những cuốn sách có giá trị tức thời như sách phong thủy, sách truyện ngôn tình... nên việc các trung tâm phát hành sách tập trung phát hành những cuốn sách này và thờ ơ với công trình nghiên cứu chuyên sâu cũng là điều dễ hiểu.

Một thực tế nữa là cuộc đổ bộ ồ ạt của sách dịch, của trào lưu văn học mạng hay đơn giản, chỉ cần một “click chuột”, bạn đọc sẽ có cả một thế giới văn chương, các công trình nghiên cứu ngồn ngộn, mặc sức chọn lựa khiến không ít bạn đọc trẻ thờ ơ với sách in, quay lưng lại với chính những nghiên cứu văn hóa, lịch sử của quê hương mình. Khi nhu cầu giải trí chốc lát cao hơn nhu cầu thay đổi nhận thức, thị hiếu của phần đa độc giả trẻ cũng thay đổi theo trào lưu thì những tác phẩm kết tinh từ sự lao động nghiêm túc phải chật vật để đi tìm một chỗ đứng cho riêng mình.

Bao năm nghiên cứu, sưu tầm như con tằm rút ruột, nhả tơ để rồi vẫn phải chật vật, ngược xuôi tìm “đầu ra” cho chính những đứa con tinh thần của mình, những đóng góp của những nhà nghiên cứu văn hóa rất cần được trân trọng.

Nên chăng, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để “tiếp sức” cho những đam mê ấy, để những tâm hồn yêu văn hóa quê hương giảm bớt đi những gánh nặng lo toan, tập trung mọi tâm huyết, trí tuệ và thời gian cho nghiên cứu? Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng: “Cần có sự vào cuộc của các trung tâm Văn hóa-Thông tin, các trường học trên địa bàn để góp phần gỡ khó cho công tác phát hành sách địa chí. Điều quan trọng là từ đó, có thể góp phần nâng văn hóa đọc, bồi đắp cho học sinh vốn hiểu biết về chính mảnh đất quê hương mình”.

Diệu Hương