.

Cơm vắt

Thứ Năm, 12/03/2015, 18:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Những người sinh ra từ nền văn minh lúa nước sống đơn giản lắm! Mỗi sáng ra đồng, đi biển, hoặc lên nương rẫy chỉ cần một cục cơm vắt với ít muối mè, muối lạc, cá muối chi đó, kèm theo một chai nước là xong một ngày. Nông ngư dân mang cơm vắt theo để phục vụ lao động cực nhọc. Thức ăn đạm bạc vậy mà họ vẫn sống khỏe, lao động khỏe từ năm này sang năm khác, tuổi thọ lại tăng hơn người thành phố mới lạ!

Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

Cơm vắt đó là cơm vừa nấu chín, người ta múc ra từ nồi, xoong cho vào mảnh vải vuông vức, sạch sẽ rồi bắt đầu túm các chéo vải lại, dồn cơm lại thành một cục tròn vo, bóp dần, bóp dần khi nào cục cơm thật tròn, thật cứng, cứng hết cỡ mới dùng dây cột lại mang lủng lẳng sau lưng để ra đồng say sưa công việc đồng áng, hoặc lên nương rẫy trồng cây sắn, cây bắp tăng thêm nguồn lương thực đề phòng ngày đông tháng giá có cái để vững bụng nằm vắt vẻo trên võng nhìn ra bên ngoài mưa bay trắng trời mà hoài niệm về những điều tốt đẹp nhất của con người.

Cơm vắt từng nuôi bộ đội hừng hực khí thế xông ra chiến trường đánh tan các đội quân xâm lược được trang bị vũ khí hiện đại nhất thế giới, được cung cấp lương thực, thực phẩm cũng sang nhất trên thế giới. Cơm vắt là tinh thần, ý chí, nghị lực của người Việt Nam được tổ tiên ta nuôi dưỡng từ lúa nước ven sông Hồng. Dẫu ai kia có dùng bơ sữa cũng không quên hạt gạo làng quê; nơi mẹ còng lưng trên đồng một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nơi cha hết đồng cạn lại đồng sâu giọt mồ hơi thánh thót rơi để có hạt cơm ấm lòng con trẻ.

Người lao động bày cơm vắt ra ăn giữa đồng, giữa rừng, giữa đại dương mênh mông thấy ngon miệng vô cùng! Người ta thường dùng dao cắt đôi cục cơm vắt ra, rồi cắt từng miếng, từng miếng cơm dẽ cứng để có thứ “bánh cơm” lạ lẫm, thơm ngon. Giữa đồng, giữa rừng không ai chuẩn bị chén bát, thế là cơm vắt tiện lợi đôi đường. Mỗi người cầm một miếng “bánh cơm” cắn ăn với muối mè, muối lạc rang, vừa giản tiện, vừa thi vị trong hoàn cảnh lao động khắc nghiệt.

Cơm vắt từng làm bạn với tôi trong nhiều năm tháng học xa nhà. Sáng nhảy tàu đến trường, trưa cơm vắt, chiều lại nhảy tàu trở về nhà vui thật là vui! Cơm vắt chưa từng nằm trong danh sách ẩm thực Việt Nam, nhưng được người dân lao động của mọi miền đất nước ghi nhận là lương thực phổ thông và hiệu quả nhất trong mọi hoàn cảnh, nhất là đối với người lao động cực nhọc, buổi trưa không thể về nhà.

Tôi nghĩ: có lẽ trong từ điển tiếng Việt cũng nên có từ cơm vắt để sau này con cháu chúng ta hiểu được ông cha chúng có một thời gian khổ, nhưng không hề bị khuất phục trước thiên nhiên và trước sức mạnh bạo tàn.

Trần Quốc Cưỡng