.

Trôi về miền ký ức Đồng Hới xưa...

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải dài theo sự hình thành và phát triển của mảnh đất Quảng Bình, TP.Đồng Hới đã chứng kiến biết bao đổi thay của con người, cảnh vật và tự thân mình cũng đã có những biến đổi, thay mới phù hợp với quy luật của tạo hóa. Ẩn sâu trong lòng thành phố nhiều năm tuổi này, không ít các giá trị văn hóa truyền thống vẫn âm ỉ một sức sống mãnh liệt, mải miết chờ đợi sự hồi sinh, khôi phục hiệu quả hơn từ lớp hậu thế. Có thể kể tên ở đây, như: lễ hội cướp cù làng Trấn Ninh xưa, hội thi đèn Trung thu của phường Động Hải, hát sắc bùa ngày Tết của xã Nghĩa Ninh, lễ hội Cầu ngư các xã ven biển...

Theo cuốn “Địa chí Đồng Hới” của tác giả Nguyễn Tú, gốc tích phường Đồng Phú vốn là làng Phú Ninh. Làng này khi mới hình thành được gọi là Kẻ Trấn, sau đổi là xã Trấn Ninh, đời vua Thiệu Trị, đổi gọi Phú Ninh, thuộc tổng Thuận Lý, phủ Quảng Ninh. Người dân Đồng Phú trước Cách mạng tháng 8 chủ yếu sống bằng nghề nông và trồng rau, nhưng cả xã phải thay phiên nhau làm phu (dân binh) trạm bưu chính, đưa thư từ, công văn, gánh cáng, võng cho quan quân...

Điều đặc biệt, làng Trấn Ninh xưa vẫn còn lưu giữ một lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng riêng lễ hội cướp cù. Về nguồn gốc của lễ hội này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Cuốn “Động Hải-Đồng Hới: Vùng đất tụ thủy” của tác giả Phạm Ngọc Hiên (NXB Thuận Hóa, 2014) cho rằng, lễ hội này là hình thức chơi thể thao, luyện quân có từ thời nhà Trần, do tướng quân Phạm Ngũ Lão bày ra cho quân lính vui chơi, luyện quân. Hoặc lễ hội có nguồn gốc từ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của Trung Quốc truyền sang. Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc lại đưa ra một ý kiến khác, có thể, lễ hội cướp cù làng Trấn Ninh xưa được đưa đến mảnh đất Đồng Hới là từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Nhà Nguyễn muốn vừa rèn luyện sức khỏe cho binh lính, vừa tạo không khí gắn bó, thân thiết, môi trường quân sự vui vẻ, đã tổ chức lễ hội cướp cù đặc trưng này. Dù có nguồn gốc từ đâu, suốt mấy trăm năm qua, lễ hội đều thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân làng Trấn Ninh, nhắc nhớ về nguồn cội và bày tỏ mong ước cho mùa màng bội thu, con dân phát đạt về khoa bảng.

Tương truyền, miếu Thành hoàng của phường Đồng Phú (TP.Đồng Hới) vẫn còn thờ quả cù (bằng gộc tre, bọc vải điều đỏ) của lễ hội cướp cù làng Trần Ninh xưa.
Tương truyền, miếu Thành hoàng của phường Đồng Phú (TP.Đồng Hới) vẫn còn thờ quả cù (bằng gộc tre, bọc vải điều đỏ) của lễ hội cướp cù làng Trần Ninh xưa.

Từ thuở bé, cụ Trương Quang Phúc đã nhiều lần được tham gia xem lễ hội cướp cù, và không khí náo nhiệt, đông vui ngày đó vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ với cụ đến tận bây giờ. Lễ hội được tổ chức 6 năm một lần, vào ngày 15 tháng Giêng của các năm Tí, năm Ngọ. Địa điểm tổ chức là vùng “động phần” (khu vực tổ dân phố 8, 9 phường Đồng Phú ngày nay), khu vực có nhiều mô đất, chướng ngại vật, ghồ ghề. Một rạp có mái che được dựng đủ sức chứa từ 60-70 người, chủ yếu dành cho đại biểu từ tỉnh về xem. Trai tráng trong làng được chia đều làm hai phe, Giáp Đông (ở trần, đóng khố màu đỏ) và Giáp Tây (ở trần, đóng khố màu vàng). Hai cây tre cao nhất làng được lựa chọn để treo rọ tre ở hai bên Giáp Đông, Giáp Tây. Nhà nào có tre được chặt đều vô cùng phấn khởi, xem đó là điều may mắn.

Trước khi tổ chức lễ hội cướp cù, quả cù được xin và rước long trọng từ miếu Thành hoàng làng ra sân chơi, đặt lên hương án. Sau màn tế lễ, trống chiêng được đánh lên, quả cù được vị Tiên chỉ làng thỉnh ra giữa sân. Hai phe Giáp Đông, Giáp Tây cùng giằng co, cướp cù, đưa cù vào rọ phe mình. Đội bạn tìm mọi cách cản phá, rung cành tre để cù không rơi được vào rọ phe bên kia. Tuy vậy, tinh thần thượng võ luôn được đề cao ở những người tham gia cướp cù. Người xem đông từng lớp, cổ vũ nhiệt tình, huyên náo. Đội nào đưa cù vào trúng rọ phe mình thì giành chiến thắng. Nếu đến tận xẩm tối mà cù vẫn chưa vào rọ ai, hai đội sẽ có phần thi ném cù, mỗi đội được ném 3 lần, đội nào ném cù vào rọ nhiều lần hơn sẽ giành chiến thắng. Tương truyền, nếu phe Giáp Tây thắng thì cả làng năm đó sẽ có vụ mùa bội thu, lúa chín đầy đồng. Nếu phe Giáp Đông thắng, con cháu trong làng sẽ vinh quy bái tổ, đường quan lộ rộng thênh thang. Từ năm 1947, lễ hội cướp cù không còn được tổ chức và dần dần bị mai một. Gần đây, trong một vài sự kiện quan trọng, lễ hội được phục dựng và thu hút sự chú ý của bà con.

Một lễ hội khác cũng thể hiện nét văn hóa tinh thần đặc sắc của người dân Đồng Hới xưa, đó chính là hội thi đèn trung thu của phường Động Hải tổ chức vào rằm tháng tám hàng năm. Trong cuốn “Động Hải-Đồng Hới: Vùng đất tụ thủy” (NXB Thuận Hóa, 2014), nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiên mô tả rất tỉ mỉ hội thi này vào năm 1953. Ngay từ rằm tháng bảy, sau khi phường thông báo về hội thi, nhiều gia đình đã rục rịch chuẩn bị các nguyên vật liệu để làm lồng đèn. Trong dịp này, sự tài hoa, khéo léo của người thợ làm lồng đèn được thể hiện rõ nét, từ đèn ú, đèn ông sao, đèn hoa sen đơn giản, cho đến đèn kéo quân khó làm, công phu. Hội thi thường được tổ chức tại chùa Linh Quang, thu hút đông đảo người dân đến tham gia, thưởng lãm, bình luận. Sau phần chấm giải là phần rước đèn, múa sư tử trên dọc các con phố chính. Theo cụ Trương Quang Phúc, xã Nghĩa Ninh ngày trước còn duy trì tục hát sắc bùa trong dịp Tết đến xuân về. Khách đến thăm gia chủ thường được chúc Tết bằng câu hát sắc bùa khi vào đến bậc cửa, gia chủ lại đáp lời bằng những câu hát sắc bùa.

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, biến đổi của thời cuộc, người Đồng Hới nay vẫn giữ được nét phong cách riêng của mình, bên cạnh sự điềm đạm, lịch sự, nhã nhặn như nhà nghiên cứu Nguyễn Tú đã đúc kết là sự chân chất, gắn bó, tình làng nghĩa xóm đậm sâu. Nét tính cách đặc trưng phố thị đó của người Đồng Hới đôi phần xuất xứ từ chính các lễ hội, phong tục cổ truyền mà nhiều trong số đó giờ đã mai một, phôi pha. Có lẽ, mong muốn chung của đông đảo cư dân Đồng Hới là cần có sự khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc này, để vừa tạo điều kiện nhắc nhớ đến phong tục, truyền thống xưa, vừa là cách giáo dục lễ nghĩa cho con cháu thời nay hiệu quả mà sâu sắc nhất.

Mai Nhân