.

Ngày thơ lưu giữ tâm hồn Việt

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - 1.
Mười hai “Ngày thơ Việt Nam” đã đi qua với những thành công và khiếm khuyết, khen và chê, vui và buồn...như ta đã biết. Cho đến bây giờ, lá cờ Thơ với hình tượng chim Lạc bay và bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh vang lên trong ngày thi ca không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam nữa. Sức hút của nó với công chúng yêu thơ ngày càng tăng; đó là một sự thật không còn nghi ngờ. Điều này cũng lạ, có vẻ như nó trái ngược với nhận định về thơ của một phần dư luận hiện nay. Đó đây, không ít người cho rằng thơ đang mất dần vị trí của mình, đang ở trong tình trạng suy thoái và buồn hơn là bị công chúng quay lưng lại. Trong thời kỹ trị, tiếng nói của thơ vang lên yếu ớt, dè dặt; cơ hồ như nó đang bị chèn ép, khuất lấp giữa các phương tiện nghe nhìn, các thể loại truyền thông khác.

Có gì mâu thuẫn không giữa những dẫn dụ tôi vừa nêu với quang cảnh khá đông đúc của các ngày hội thơ ở Hà Nội và nhiều địa phương. Từ cụ già tuổi ngoài chín mươi đến em bé tiểu học đều có mặt ở “Ngày thơ Việt Nam” với sự háo hức, chờ đợi. Văn Miếu - Quốc tử giám ở giữa lòng Thủ đô trở thành một địa chỉ quen thuộc gắn liền với “Ngày thơ Việt Nam” khi có  hàng nghìn người đến tham dự lễ hội thi ca. Tôi đồng cảm với nhận định này của một bài viết in trên báo Văn nghệ cách đây hai năm: Vâng,...ngày hội thơ đã dần đi vào tâm thế chờ đợi dịp đầu năm với những người yêu thơ cả nước...Rõ ràng, ngày thơ Việt Nam và Văn Miếu – Quốc tử giám đã trở thành điểm hẹn của những người bạn ở cả trong thơ và đời. Tạo được một thói quen như thế, một nếp sinh hoạt văn hóa như thế, dễ thì thật dễ với một đất nước có rất nhiều người yêu thơ như nước ta, nhưng ngẫm ra, khó thì cũng lại thật khó, giữa một thời đại “văn chương hạ giới rẻ như bèo” như cụ Tản Đà đã cảnh báo từ gần một thế kỷ trước mà tới hôm nay, ta càng thấm thía...

Không chỉ ở Hà Nội, mà gần 200 địa điểm tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước với nhiều hình thức phong phú trong những năm qua cũng đã nói lên một phần lòng yêu thi ca của nhân dân ta. Nhiều câu lạc bộ thơ bước vào Rằm tháng Giêng với tâm thế của người đi lễ hội và chính họ cùng với các sinh viên một số trường đại học cao đẳng, trung học phổ thông ở nhiều vùng miền, địa phương đã mang lại không khí, sắc thái mới mẻ, tưng bừng cho “Ngày thơ Việt Nam”.

Vậy thì, điều gì đã khiến “Ngày thơ Việt Nam” trở nên hấp dẫn, cuốn hút công chúng như thế. Phải chăng, công chúng tìm thấy trong thơ ca Việt Nam nói chung và “Ngày thơ Việt Nam” nói riêng những giá trị tâm hồn dân tộc được lưu giữ bền vững, sâu sắc, tinh tế qua nhiều thế kỷ đầm đìa máu, mồ hôi và nước mắt của công cuộc dựng nước và giữ nước. Lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự chủ, tự cường dân tộc và những toan lo vận nước được thổi bùng lên bằng thơ trong ngày hội thi ca đậm đà chất Việt này. Không có gì lạ cả, thơ ca đã đồng hành với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm nay với ca dao truyền khẩu trong dân gian, với thơ Lý – Trần như một kỳ quan rực rỡ của văn hóa nước nhà, với thơ yêu nước thời Lê, thời Nguyễn...và dòng thơ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc sau này...Thơ, dù ở thời nào nếu gắn bó với dân tộc, quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đời sống của nhân dân thì sẽ có cơ hội tồn tại, thâm nhập sâu vào công chúng một cách rộng rãi. Thơ là phiên bản của tâm hồn, nhưng chớ cho rằng chỉ có viết về cái riêng tư, riêng biệt của cá nhân mới là thơ đích thực. Nguyễn Trãi viết: Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ / Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân và sau này Hồ Chí Minh viết: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ / Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà là tâm trạng riêng nhưng cũng là tinh thần chung đấy chứ. Tôi nghĩ, yêu nước thương dân là tư tưởng cũng là tình cảm xuyên suốt của mỗi nhà thơ.

Cho đến nay, có thể nói rằng “Ngày thơ Việt Nam” đã trở thành sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta. Dù còn điểm này, điều khác yếu kém, khiếm khuyết nhưng không thể phủ nhận giá trị tinh thần và hiệu ứng cuộc sống mà “Ngày thơ Việt Nam” mang lại. Sự phối hợp giữa tính hàn lâm với tính dân giã, tính hiện đại với tính truyền thống trong các “Ngày thơ” đã tạo nên được một sân chơi lý thú cho những người làm thơ và yêu thơ. Đến đấy, người ta có thể đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ, hát thơ và cả sắp đặt thơ. Người ta có thể nghe và nhìn thơ với nhiều cung bậc, trình độ thưởng lãm khác nhau bằng tình yêu thi ca. Thơ vốn mang trong nó tâm hồn, tâm khí và cả tâm linh của dân tộc nữa nên nó đã, đang và vẫn là nhu cầu sáng tạo, trình bày, thưởng thức của một bộ phận không ít dân chúng. Thơ gần gũi với những sinh hoạt dân gian truyền thống; không ít bài thơ, câu thơ đã được đưa vào nội dung diễn xướng dân gian (hát dân ca, hát đối đáp, hát xẩm, phổ nhạc cho thơ, kịch thơ, múa thơ...) hay hoạt động tâm linh (lời cúng, hát đồng...). Thơ cũng có thể gắn với các “món chơi” truyền thống như đố chữ, vịnh thơ, ứng tác thơ, bình thơ, viết thư pháp thơ...

2.
“Ngày thơ Việt Nam” lần thứ mười ba, xuân Ất Mùi năm 2015 gắn liền với “Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba” và “Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai”. Đây chính là cơ hội, dịp thuận lợi để chúng ta giới thiệu với bạn bè trên thế giới những tinh hoa của nền văn học nước nhà trong đó có dòng thơ lưu giữ tâm hồn Việt. Tình yêu Tổ quốc, yêu con người, yêu thiên nhiên, khát vọng sống hòa bình với các dân tộc trên hành tinh xanh này sẽ thêm lần nữa được thắp sáng bằng những thi phẩm chọn lọc của một số nhà thơ Việt Nam đương đại. Những giá trị nhân văn của dân tộc và đương nhiên của cả nhân loại nữa sẽ được gửi gắm vào thơ như những thông điệp hòa hiếu đẹp đẽ, tốt lành. Trong số các nhà thơ Việt Nam trình bày tác phẩm của mình ở “Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và thành phố Hạ Long, Quảng Ninh và “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ mười ba tại Văn Miếu có người thuộc thế hệ cầm bút thời chiến tranh chống Mỹ như Anh Ngọc, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn... hay thế hệ hậu chiến như Nguyễn Việt Chiến, Đặng Huy Giang, Lê Cảnh Nhạc, Lê Mạnh Tuấn, Trần Quang Quý, Trịnh Công Lộc, Hải Đường, Mai Nam Thắng, Bảo Chân, Hữu Việt, Võ Sa Hà...

Tâm hồn Việt phải chăng là đây, trong những cảm thức trĩu nặng về lịch sử trầm luân nhưng cũng thật tự hào: Mà nghe chín tầng không/ mảnh lá mục cũng rì rầm sông chảy/ thuở răng đen mái tóc buông dài/ dáng sông Ngọc nhọc nhằn cơn lũ xoáy/ khúc lở bồi xưa còn đánh thức tương lai (Hoàng Thành – Lê Mạnh Tuấn); là trái tim ngân rung khi được cất lên tiếng Việt thân yêu: Tổ quốc là tiếng Mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người (Tổ quốc là tiếng Mẹ - Nguyễn Việt Chiến); là sự an nhiên tĩnh tại trong và sau những giông bão thế cuộc: Trong góc vườn mùa thu/ Cây lá cũng như ông lặng lẽ/ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây... (Vị tướng già – Anh Ngọc); là nỗi tri ân qua khứ không bao giờ vơi cạn: Mỗi tấc đất,/ đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi,/ một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương/ nghi ngút trời mây! (Đỉnh núi - Trịnh Công Lộc)...

Thơ, trong tiến trình phát triển của nhân loại đã, đang tồn tại và sẽ mãi tồn tại như một hoạt động văn hóa, tinh thần của con người. Bởi lẽ, thơ chính là cuộc sống ở chiều sâu, là một phần tâm hồn, tình cảm của con người được biểu cảm qua ngôn ngữ tinh tế và chọn lọc nhất.

Những bài thơ lưu giữ tâm hồn Việt sẽ hòa điệu thi ca với bạn bè khác màu da, ngôn ngữ, quốc gia, lãnh thổ... Tiếng Việt trong thơ giàu nhạc điệu, cùng khả năng diễn đạt cảm xúc và suy ngẫm rộng lớn của nó chắc chắn sẽ mang lại cho bạn bè quốc tế nhiều thú vị. Và, điều quan trọng hơn cả, trong thời đại hội nhập toàn cầu vô cùng sâu rộng thơ ca sẽ là nhịp cầu nối các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới lại với nhau. Tuy nhiên, để đến được với nhân loại, thơ ca không thể đánh mất giá trị truyền thống của dân tộc mình. Trong “Liên hoan Thơ quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất” tại Hạ Long, tôi đã nghe nhiều nhà thơ bè bạn đề cập rất sâu sắc tới điều này. Trong bài viết của mình nhà thơ Nikolai Preiaxlov (Nga) đã khẳng định: Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông. Thật trùng khít với quan niệm về thơ của không ít người trong chúng ta; làm thơ trước hết là để bảo tồn văn hóa dân tộc; đổi mới thơ không phải là chối bỏ phủ định truyền thống. Tôi thấy, đổi mới trên nền truyền thống là hướng đi của khá nhiều nhà thơ hiện nay ở Việt Nam.

Rõ ràng, thơ vẫn chưa mất đi giá trị của nó trong việc bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời cũng là nhịp cầu nối các nền văn hóa lại với nhau trong tình yêu và khát vọng hòa bình cho nhân loại. Những bước tiến của tri thức, của khoa học kỹ thuật cần được “bảo hiểm” bởi lòng nhân ái và tình thương đồng loại mà như chúng ta đã biết thi ca luôn hướng về điều đó. Nhà thơ đến từ New Zealand, Sue wootton bộc bạch: Đôi lúc tôi nghe có những lời nhận xét rằng thơ đang chết dần. Tôi luôn kinh ngạc, bởi rõ ràng tôi thấy điều ngược lại. Cứ mỗi người cho rằng thơ không còn thích hợp, hay quá khó, thì lại có nhiều người khác ghi nhớ một bài thơ trong đầu hay viết vội một bài thơ bỏ trong ví, nhiều người khác cố dành chút thời gian trong cuộc sống bận rộn, thường là trước bình minh hoặc sau nửa đêm để viết những dòng thơ. Và, nhà thơ này khẳng định: Nghệ thuật thơ còn sống vì nó tạo nên những lỗ hổng vào trong (và tổng thể) cái im lặng vẫn ám ảnh chúng ta. Nó mời gọi chúng ta nấn ná trong im lặng, để sống trong nghịch lý và mơ hồ , và để chú ý. Trên tất cả, qua sức mạnh kết hợp của ẩn dụ và chơi chữ, nó đòi hỏi chúng ta cho phép sự đa dạng và phức tạp. Thơ dạy khoan dung. Nó nhắc nhở chúng ta phải sống bằng trái tim, tâm hồn và thân xác, chứ không chỉ sống bằng cái đầu. Nó nhắc chúng ta rằng ta là một phần của tự nhiên, và làm cho ta trở nên khiêm nhượng...

Thơ, xưa - nay vẫn thế, chính là nhịp cầu nối từ trái tim người này đến trái tim người khác dù họ không cùng ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử. Như thế, thơ - dù giản dị và không huyền bí như ai muốn thần thánh hóa nó, vẫn mang những giá trị đích thực trong cuộc sống. Và trong “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ mười ba này tôi vẫn tin rằng: Thơ Việt vẫn nhịp bước cùng nhân loại trong hành trình vời vợi tới tương lai bởi tâm hồn Việt đã được lưu giữ đậm đà trong đó.

Nguyễn Hữu Quý