Trung úy biên phòng với giấc mơ trở thành nhạc sĩ

Cập nhật lúc 23:35, Thứ Bảy, 28/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đảm nhiệm công tác tuyên truyền, anh có thể là "đạo diễn" chương trình, quay phim, dựng hình, viết báo, hát, chơi được nhiều loại nhạc cụ. Đặc biệt hơn, anh còn viết và phối khí được nhiều ca khúc về người lính, đồng đội, biên giới để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Trung úy Lê Đức Trí, Đội trưởng Tuyên truyền - Văn hóa Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, đang tự tin vun đắp cho giấc mơ trở thành nhạc sĩ của mình.

Người đội trưởng đa năng

Ở cơ quan, trung úy Lê Đức Trí thường được chỉ huy, đồng đội, đồng nghiệp gọi thân mật là người đội trưởng đa năng. Sở dĩ có biệt danh đó là vì trong quá trình công tác tại đơn vị, trung úy Trí có thể là nhà báo (quay phim, viết báo), nhạc công (chơi đàn), ca sỹ (đứng trên sân khấu hát)... ở vị trí nào anh cũng làm tốt.

Vốn tốt nghiệp ở một trường nghệ thuật ngoài quân đội nhưng với sự đam mê chất lính, rồi cái duyên đã "trói" anh với nghiệp quân nhân biên phòng. Trung úy Trí tâm sự rằng, anh thấy hạnh phúc vì được khoác lên mình bộ quân phục biên phòng, niềm vui càng được nhân đôi khi được cấp trên giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng, niềm đam mê của bản thân.

Trung úy Lê Đức Trí đang phối khí cho ca khúc
Trung úy Lê Đức Trí đang phối khí cho ca khúc "Chào người lính tân binh" do chính anh sáng tác. Ảnh: T.D

 

Mọi người gọi trung úy Trí là "nhà báo không thẻ". Bởi ở đội tuyên truyền - văn hóa do anh làm đội trưởng, hàng năm có một số lượng lớn tin, bài, băng hình gửi cộng tác cho các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, Trung ương. Trong đó, có những thông tin, hình ảnh, thước phim "độc" mà chỉ những cán bộ biên phòng mới có được. Đó là những thông tin về truy bắt tội phạm, là những thước phim ghi lại tình hình bão lũ trên địa bàn biên giới tỉnh nhà.

Đáng nhớ nhất, đó là những thước phim đầu tiên được phát trên VTV1 nói về cuộc sống đồng bào Rục (ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) sau nhiều tuần bị cô lập vì trận lũ lịch sử vào tháng 10-2011. "Để có được những thước phim đó, anh em chúng tôi phải theo đoàn công tác đi ca nô "trên núi", đi bộ, lội suối cả ngày trời, vất vả và nguy hiểm lắm! Nhưng bù lại mình thấy rất hạnh phúc khi thông tin được phát trên truyền hình Trung ương, sau đó đã có rất nhiều gạo cứu đói về với đồng bào giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt." - Trung úy Lê Đức Trí nhớ lại.

Hiện nay, không ít đơn vị đang phải thuê nhạc công từ bên ngoài để phục vụ cho các chương trình nghệ thuật quần chúng hoặc trong các buổi lễ trang trọng của đơn vị. Còn với đội Tuyên truyền - Văn hóa BĐBP Quảng Bình thì họ luôn tự tin vì đang sở hữu một "nhạc công" thực thụ. Trung úy Lê Đức Trí có thể chơi tốt cả đàn ghi ta, piano và một số nhạc cụ khác. Nhưng điều tuyệt vời hơn là anh có thể lên sân khấu hát với niềm đam mê mãnh liệt, đặc biệt là những ca khúc có chủ đề về người lính, biên giới do mình sáng tác.

Giấc mơ trở thành nhạc sĩ

Trước đây ở trường, trung úy Trí cũng đã học cơ bản về âm nhạc nhưng việc sáng tác các ca khúc thì thật tình cờ. Anh viết nhiều bài hát từ những chuyến công tác về với đồng đội, nhân dân khu vực biên giới. Trung úy Trí chia sẻ hóm hỉnh: "Cảnh vật, con người ở vùng đất biên giới cho mình nhiều cảm xúc đặc biệt. Mình chỉ ghi lại những cảm nhận rất riêng  của mình nên lời bài hát nghe rất thật, rất dễ nhớ. Lúc đầu mình cũng chỉ viết vì đam mê, nghĩ là sẽ giữ của riêng mình nhưng có lúc "kẹt" tác phẩm nên "liều" cho anh em trong đội tập và biểu diễn nhưng giấu tên tác giả. Sau đó mọi người nhận xét được nên mình lại có những ca khúc mới".

Đến thời điểm hiện tại, trung úy Lê Đức Trí đã viết, phối khí hàng chục ca khúc về biên giới, người lính. Có những ca khúc của anh đã được đánh giá có chất lượng tốt, phổ biến rộng rãi. Đáng chú ý nhất là tác phẩm "Gió biên thùy" được Cục Chính trị BĐBP chọn in vào cuốn "28 ca khúc đặc sắc viết về người lính biên phòng" năm 2010.

Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những ca khúc này đều do anh viết, tự phối khí và hát thu giọng thử ban đầu. Sau đó anh gửi cho bạn bè nghe, rồi hoàn thiện dần. Cũng vì niềm đam mê, cán bộ biên phòng này đã "tậu" hẳn một phòng thu tại nhà trị giá cả trăm triệu đồng. "Liều đầu tư cả đống tiền vào đây nhưng chủ yếu vẫn là niềm đam mê thôi! Với lại mình cũng sẵn sàng ôm luôn việc cơ quan về nhà làm trong trường hợp gấp"- Trung úy Trí chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, người cán bộ biên phòng bộc bạch, trong năm nay thông qua Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, anh sẽ làm hồ sơ để được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Để từ đó những ca khúc về biên giới, người lính của mình dễ tìm chỗ đứng hơn.

                                                                                       Thanh Diệu











 

,
.
.
.