Niềm tin vào ngày thống nhất đất nước qua ca khúc Việt Nam

Cập nhật lúc 07:48, Thứ Sáu, 27/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo dòng lịch sử, từ những năm đầu đất nước còn bị chia làm hai miền, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào còn phải chịu cảnh áp bức dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam ra đời đã nói lên được niềm tin hy vọng và niềm khát khao về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, một loạt ca khúc ra đời đã nhanh chóng đi vào lòng người dân cả hai miền Nam - Bắc. Sau khi Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, hai bên đã lấy sông Hiền Lương làm biên giới tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền. Ngày các bà mẹ miền Nam tiễn đoàn con ra Bắc tâp kết mà lòng ước mong và tin tưởng vào ngày thống nhất trở về sum họp. Bài hát Lời ca thống nhất -1955 của Trần Quý có thể nói là một trong những bài ca về đề tài đấu tranh thống nhất được ra đời rất sớm:
"Nam Bắc một lòng như sông có một dòng. Non nước này cùng chung núi sông Lạc Hồng... Núi sông nào ngăn cách, lòng Nam Bắc chẳng thể chia. Tiễn chân đoàn con ra Bắc, lòng mẹ già mong ước, quân thù lùi bước. Đường tranh đấu dài lâu"...

Hình ảnh bến và thuyền được nhà thơ Đằng Giao nhân cách hóa người ra đi và người ở lại, người con tập kết ra Bắc và người yêu dấu nơi miền quê xa vắng. Bên kia bờ Hiền Lương em có thấu hiểu chăng lòng người ra đi, như thuyền nhớ bến, như bến đợi thuyền... Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một người con miền Nam tập kết đã đồng cảm với nhà thơ, chắp cánh cho hồn thơ trong ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương - 1958, bay cao bay xa:

"Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê"... để rồi gửi gắm lòng mình vào câu hò tha thiết tin cho gió gửi tới người yêu dấu: "Hò ơ ơ ơ. Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Nhắn ai luôn giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son"...

Nhật Lệ hiền hòa. Ảnh: P.V
Nhật Lệ hiền hòa. Ảnh: P.V

Niềm tin son sắt vào cuộc đấu tranh thống nhất còn được thể hiện trong ca từ của lời 2 của bài hát: "Hò ơ ơ ơ. Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn. Dễ gì chặn được duyên anh với nàng. Xé mây cho ánh trăng vàng. Khai sông nối bến cho nàng về anh"...

Cùng chung cảm xúc nồng nàn của người con miền Nam tập kết, nhớ quê hương, nhớ người yêu phương xa đang ngày đêm chờ mong ngày thống nhất đất nước, nhạc sỹ Hoàng Việt đã gửi gắm tình cảm nhớ nhung và chung thủy tới người yêu nơi quê nhà qua ca khúc Tình ca - 1957:
"Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta, ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi! Nghe chăng lời trái tim vọng ra, rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang, qua núi biếc trập trùng xa xa. Qua bóng mây che mờ quê ta, tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha"... Và niềm tin son sắt vào cuộc đấu tranh thống nhất còn được khẳng định trong đoạn kết của lời 2: "Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đổ máu. Đập tan ngay bao đau khổ và chia li. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bản tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.

Niềm tin, hy vọng vào ngày thống nhất đất nước còn được thể hiện ngay cả trên tiêu đề một số ca khúc, như Bài ca hy vọng - 1958 của nhạc sỹ Văn Ký. Bài ca là tiếng lòng tha thiết của người dân miền Bắc gửi theo cánh chim vào miền Nam yêu thương khi đất nước còn trong cảnh chia cắt hai miền:
"Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân. Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương nhắn giùm ta ngày đêm mong nhớ"... Dù xa cách núi sông, người dân Việt Nam vẫn "Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai. Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng!"... Và hy vọng vào tương lai tươi sáng về cuộc đấu tranh thống nhất đât nước: "Về tương lai! Đàn chi ơi, cùng ta cất cánh. Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương. Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan".

Bài ca hy vọng đã được các chiến sĩ cách mạng cất lên trong nhà tù đế quốc vào những năm miền Nam còn trong cảnh chém giết tù đày của kẻ thù xâm lược, gây bao cảnh chết chốc đau thương. Trong ngục tù đen tối của kẻ thù, các chiến sĩ cũng đã thầm ca lên Bài ca hy vọng cùng với bài Tự nguyện của Trương Quốc Khánh để giữ vững khí tiết của người cách mạng và niềm tin sáng lạn vào thắng lợi cuối cùng.

Khi "Đường giải phóng mới đi một nửa, nửa mình còn trong lửa nước sôi"..., đồng bào miền Nam đang ở trong thế kìm kẹp của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, chúng đã lê máy chém đi khắp miền Nam với Luật 10-59 tàn sát các chiến sĩ cộng sản và đồng bào vô tội, hòng dập tắt phong trào đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Bài hát Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người - 1962 của nhạc sỹ Trần Kiết Tường như tăng thêm sức mạnh cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam và cả nước củng cố niềm tin vượt qua nguy nan, bóng tối đang bao trùm trên khắp quê hương miền Nam yêu mến: "Trên xóm làng miền Nam, đau thương mây phủ chân trời. Khi ca lên Hồ Chí Minh nghe lòng phơi phới niềm tin"... Tên Người - Hồ chí Minh, hình ảnh Người - Hồ Chí Minh "như "Tiến quân ca" giục lòng vươn cánh bay xa. Vùng lên giải phóng quê nhà là một niềm tin. Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! Đẹp nhất tên Người là một niềm tin. Hồ Chí Minh!".

Hình tượng Hồ Chí Minh là niềm tin, là sức mạnh của muôn triệu trái tim nhiệt huyết cách mạng trên khắp các mặt trận từ hậu phương đến tiền tuyến, từ vùng núi đến đồng bằng, đô thị đang ngày đêm cầm chắc tay súng để bảo vệ quê hương và chiến đấu anh dũng kiên cường để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ cả hai miền Nam - Bắc sáng tác trong thời kỳ này kịp thời động viên, thúc giục những đoàn quân ra trận, như các bài: Người sống mãi trong lòng miền Nam - 1969 của Nguyễn Đồng Nai, Mang hình Bác chúng cháu lên đường - 1969 của Cao Việt Bách, Bác đang cùng chúng cháu hành quân - 1970 của Huy Thục,...

Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã gần đến ngày chiến thắng, bài hát Lá đỏ - sáng tác trong những ngày tổng tiến công mùa xuân 1975 đầy hứa hẹn vào ngày giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh: "Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa. Chào em, em gái tiền phương ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn".

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ giải phóng đã được phất cao trên nóc Dinh Độc Lập. Niềm vui thắng lợi tuôn trào dòng cảm xúc mạnh mẽ, các nhạc sĩ đã sáng tác thành công nhiều ca khúc ngay trong những ngày đầu thống nhất đất nước. Từ bài Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà, Bài ca thống nhất của Võ Văn Di, đến bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người - Nhạc Cao Việt Bách, lời thơ Đăng Trung, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chi Minh  của Xuân Hồng,...

Có thể thay cho lời kết bằng bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, là một bản hùng ca tuyệt đẹp dâng tặng những người đã ngã xuống hôm qua và những người chiến thắng lẫy lừng hôm nay và cả những người mỏi mòn chờ mong, hy vọng vào ngày thống nhất đất nước, giành lại trọn vẹn non sông Việt Nam yêu dấu.

                                                                      Nhạc sĩ Dương Viết Chiến

 

,
.
.
.