Thăm làng văn hoá Cù Lạc

Cập nhật lúc 07:53, Thứ Hai, 23/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Về Sơn Trạch, chúng tôi thực sự có ấn tượng với một  làng quê nhỏ có cái tên rất lạ- Cù Lạc 2. Làng quê này được biết đến là điển hình của xã Sơn Trạch và huyện Bố Trạch trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Dạo quanh đường làng, ngõ xóm ở Cù lạc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ở đâu cũng phong quang, thoáng đãng. Bên con đường chính dẫn chúng tôi  vào làng là cánh đồng lúa xanh mơn mởn, thấp thoáng những ngôi nhà kiên cố, vững chãi nổi bật trong sắc xanh của các vườn cây.

Khi được hỏi về sự đổi thay của quê hương, anh Nguyễn Hải Đoan, trưởng thôn Cù Lạc 2 vui vẻ nói: "Người Cù Lạc  vốn cần cù, chịu khó nên họ đã vươn lên xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no từng ngày". Anh Đoan cho hay: Trước đây, người dân Cù Lạc gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình phát triển kinh tế-xã hội. Được sự quan  tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của mỗi người dân, Cù Lạc đã vươn lên thành một làng quê khá trù phú.

Một thoáng Cù Lạc. Ảnh: N.V
Một thoáng Cù Lạc. Ảnh: N.V

Nhận thức được rằng, xây dựng làng văn hoá sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân Cù Lạc đã sớm triển khai thực hiện từng nội dung của phong trào. Thông qua những buổi họp dân và sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, Cù Lạc đã xây dựng được quy ước, hương ước trên cơ sở tập hợp ý kiến của mỗi người dân và xem việc thi đua thực hiện các nội dung trong quy ước của các gia đình là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hoá.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, dưới sự chỉ đạo của chi bộ thôn, các ban, ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân huy động các nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bà con luôn thực hiện gieo cấy lúa đúng thời vụ, mạnh dạn đưa giống cây, con mới vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại với các loại cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao.

Nhờ đó, đời sống của bà con trong thôn đã khá hơn trước rất nhiều. Các phong trào thi đua lao động sản xuất đã thúc đẩy nhân dân mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao của người dân được thành lập, đặc biệt là các mô hình trang trại chăn nuôi dê, gà đồi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả...  Tiêu biểu cho phong trào này là các hộ gia đình: Trần Văn Sơn, Trần Minh Tường, Nguyễn Quang Trung... Nhiều  gia đình trước đây có đời sống khó khăn nhưng nhờ cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm  ăn có hiệu quả từ việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương nay đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ đã vươn lên khá giả. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao trong thôn cũng được quan tâm, đầu tư. Làng có các đội văn nghệ, thể thao và thường xuyên tập luyện, biểu diễn phục vụ bà con trong thôn cũng như giao lưu với các thôn bạn.

Để giữ vững danh hiệu làng văn hoá qua nhiều năm liền, chi bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong thôn luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua, đăng ký cam kết thực hiện nội dung, tiêu chí về xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá nên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã trở thành động lực to lớn hỗ trợ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội của thôn. 

Những hoạt động hiệu quả, thiết thực trên đã làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của mỗi người dân, tạo điều kiện để Cù Lạc xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh. Bộ mặt của làng quê Cù Lạc từng bước thay da đổi thịt, các thiết chế văn hoá, công trình dân sinh được người dân góp công, góp sức xây dựng. Với nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, Cù Lạc xứng đáng là điểm sáng trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở xã Sơn Trạch và huyện Bố Trạch.

                                                                                                        Nhật Văn

,
.
.
.