Những văn sĩ Nga đầu tiên đến với đất lửa Quảng Bình

Cập nhật lúc 15:33, Thứ Tư, 19/10/2011 (GMT+7)

Đồng Hới, thị xã nhỏ bên sông Nhật Lệ của tỉnh Quảng Bình, sau ngày hòa bình lập lại (1954) là một phố cũ, nhỏ bé, cách vĩ tuyến 17, ranh giới tạm thời hai miền Bắc Nam chưa đầy 60 km. Đầu năm 1962, nhà văn Bôrít Pôlêvôi, Tổng biên tập Tạp chí Tuổi trẻ, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: "Những người Xôviết chúng tôi", "Chuyện một người chân chính", là văn sĩ nước ngoài đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này.

Nhà văn Bôrít Pôlêvôi (ảnh trái) và nhà thơ Épghênhi Éptusenkô - Những văn sĩ Nga đầu tiên đến với Đồng Hới (Quảng Bình) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nhà văn Bôrít Pôlêvôi (ảnh trái) và nhà thơ Épghênhi Éptusenkô - Những văn sĩ Nga đầu tiên đến với Đồng Hới (Quảng Bình) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Đến Đồng Hới, Bôrít Pôlêvôi làm việc và nghỉ tại nhà khách đồi Giao Tế, đặt ở xã Đức Ninh hiện nay. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính Quảng Bình xong, Bôrít Pôlêvôi tiếp đoàn đại biểu của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Thường trực Hội lúc này là nhà thơ Xuân Hoàng và Chánh văn phòng, nhà văn Trần Công Tấn, mới chuyển từ Công ty Chiếu phim Quảng Bình sang.

Thuở đó, Đồng Hới chưa trồng được nhiều hoa. Duy chỉ có hoa hồng, một loại hoa sống dai, sống khỏe là còn trong chậu, trong góc vườn, dàn xép của nhiều nhà. Ngẫu nhiên, những người phục vụ nhà nghỉ Giao Tế cắm nhiều loại hoa hồng trong các phòng khách.

Từng qua Pháp, Hunggari, Hà Lan, đặc biệt là Bungari - Vương quốc của hoa hồng đủ sắc, đủ màu, nhà văn Bôrít Pôlêvôi khen nức nở: "Hoa hồng ở đây đẹp lắm, chắc có nhiều cánh đồng hoa?". Mau miệng, nhà văn Trần Công Tấn đáp lời: "Thưa vâng, người Pháp vẫn thường gọi Đồng Hới là thị xã Hoa Hồng đấy ạ!".

Thế là, trong lời đáp lễ buổi chia tay Đồng Hới để về Hà Nội của Bôrít Pôlêvôi đã xuất hiện nhiều lần cụm từ: "Đồng Hới, thị xã của hoa hồng". Thế là từ đó, Đồng Hới vốn dĩ không có nhiều hoa hồng bỗng được gắn với một từ mĩ miều: "Thị xã Hoa Hồng". Và, nó đã chảy dài trong lịch sử và văn học của Quảng Bình ngót gần nửa thế kỷ nay: "Đồng Hới - Phố biển", "Đồng Hới - thị xã bên sông" và "Đồng Hới - thị xã Hoa Hồng".

Sau Bôrít Pôlêvôi là chuyến thăm của một người ở thành phố Lêningrát: Nhà thơ Anđrêép.

Anđrêép vốn là một chiến sĩ hồng quân Liên Xô, từng tham gia chiến đấu để giải phóng Lêningrát trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức xâm lược. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô thời kỳ ấy. Sang Việt Nam, ông muốn đến những miền quê xa xôi, gần với vĩ tuyến 17. Đồng Hới và Vĩnh Linh, nơi mà Mỹ đánh phá ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bước chân ông đã đặt đến.

Nhà thơ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình lúc bấy giờ đã hướng dẫn Anđrêép đi thăm những nơi giữa lòng Đồng Hới bị Mỹ đánh phá. Khi qua một cây me già sót lại giữa đống gạch bê tông đổ nát, Anđrêép đứng lại, ngắm nhìn. Cây me già thay áo mới giữa lòng đất Đồng Hới đổ nát, đã làm rung lên hồn thơ trong lòng nhà thơ Anđrêép. Và ông đã thốt lên: "Mùa xuân đây rồi!".

Bài thơ "Cây me mùa xuân giữa thành phố đổ Đồng Hới" là một trong những bài thơ hay mà Anđrêép đã gặt hái được trong chuyến đi vào khu bốn của một thi sĩ Nga. Ông còn có một bút ký dài, viết về chuyến đi này đã được in trên tờ "Văn học Nga" lúc bấy giờ.

Thăm Đồng Hới đổ nát, không thể không nhắc đến nhà thơ Éptusenkô.

Éptusenkô là một nhà thơ tiếng tăm của văn học đương đại Nga. Ông đến Việt Nam trong những ngày Mỹ hạn chế ném bom ở miền Bắc 1969-1970. Cùng đi với ông, phía Việt Nam còn có nhà thơ Tế Hanh. Như bao nhà thơ khác, khi đi giữa phố đổ nát Đồng Hới, người ta thường hay liên tưởng đến một thành phố Lêningrát, Vôngagrát, những thành phố từng bị phát xít Đức san phẳng.

Cây đa Chùa Ông (TP Đồng Hới) từng đi vào thơ của nhà thơ Nga Anđrêép.
Cây đa Chùa Ông (T.P Đồng Hới) từng đi vào thơ của nhà thơ Nga Anđrêép.

Khi đi ngang cây đa Chùa Ông bên đường Cô Tám, sát bờ sông Nhật Lệ, thấy thân cây bị bom đạn phạt ngang, còn lại một nhánh rễ, tạo với thân cây như một người chống nạng. Còn phía bên kia là bức thành cổ, xây từ đời vua Minh Mạng, cũng bị bom Mỹ làm sạt lở. Lập tức, Éptusenkô thốt lên: "Ôi! anh thương binh gác thành trên nạng gỗ".

Hình tượng hóa về cây đa Chùa Ông như thế thật là quá tài. Hình tượng đó không những là nhan đề một bài thơ Éptusenkô viết thành công trong chuyến đi này mà còn là hình ảnh để nhiều người làm thơ, viết văn ở Quảng Bình nhắc đến sau này.

Cây đa Chùa Ông ở giữa lòng thành phố Đồng Hới đã "từ giã cõi trần" sau hơn một thế kỷ tồn tại. Người ta đã thay vào vị trí đó một cây đa khác. Nó là một chứng tích lịch sử về tội ác của giặc Mỹ và sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh. Song, nó cũng là chứng tích về mối tình giữa những người bạn văn chương Nga với người dân Đồng Hới, Quảng Bình.

Một kỷ niệm khó quên với giới văn nghệ Quảng Bình là sau ngày miền Bắc im tiếng súng, nhà thơ Ximônốp, dẫn đầu đoàn nhà văn Liên Xô vào thăm Đồng Hới. Ximônốp nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới bởi bài thơ "Đợi anh về". Đó là bài thơ về chiến tranh, về tiền phương đối với hậu phương, về lòng chung thủy của người phụ nữ có chồng ra trận.

Khi cả dân tộc đang chống Pháp, bản dịch thơ Ximônốp của nhà thơ Tố Hữu đã làm xúc động, củng cố niềm tin chiến thắng của những anh bộ đội trên khắp các chiến trường và những người vợ chung thủy ở hậu phương. Nó cũng đi theo bước chân hành quân anh bộ đội Cụ Hồ vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ:

Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi em cứ đợi

Dù tuyết rơi gió thổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh về, em nhé!...

Cùng đi với nhà thơ Ximônốp còn có vợ ông là bà Tamara. Đoàn đã đi thăm Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt anh hùng, thăm đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đơn vị từng bắn cháy, bắn hỏng nhiều tàu chiến Mỹ; thăm đội lão dân quân Đức Ninh, đơn vị từng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.

Sau một ngày đi thăm nhiều nơi, tối, đoàn dự buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Đoàn tại hội trường Tỉnh ủy. Trong chương trình, cô Uyển ở Ty Văn hóa Quảng Bình sẽ lên ngâm bài thơ "Đợi anh về". Sắp đến tiếp mục trình diễn, nhà văn Bùi Hiển, người tháp tùng đoàn liền gợi ý với Ban Tổ chức: "Đi đâu chúng tôi cũng nghe người ta ngâm bài "Đợi anh về" của Ximônốp. Nhưng nghe lắm rồi cũng chán. Vả lại, bài thơ "Đợi anh về" là của Ximônốp viết tại mặt trận, gửi cho người vợ trước, nay đã hy sinh. Hôm nay, Tamara, vợ sau của Ximônốp đang có mặt ở đây, chắc sẽ không vui đâu!".

Sau lời giảng giải của nhà văn Bùi Hiển, lập tức tiết mục ngâm thơ "Đợi anh về" được thay bằng "Trên những nẻo đường Xmôlensk" cũng của tác giả Ximônốp, và vẫn do nhà thơ Tố Hữu dịch. Tiết mục "chuyển gam" tế nhị bất ngờ lại do cô Uyển có giọng ngâm hay nên sau đó cô đã được tác giả Ximônốp và bà Tamara lên sân khấu bắt tay cảm ơn và tặng hoa.

Ximônốp đến Quảng Bình, đó cũng là chuyến thăm Việt Nam cuối cùng của ông. Vì mấy năm sau, ông ngã bệnh và qua đời. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ở Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình lúc đó đã có một bài thơ hay viết về Ximônốp trong chuyến thăm Quảng Bình này của ông.

Đồng Hới, Quảng Bình là mảnh đất lịch sử, nơi từng dừng chân của bao tao nhân, mặc khách. Cho đến bây giờ, hình ảnh của các nhà văn Nga đặt chân đến đây vẫn là những ký ức đẹp, khó quên trong tâm trí nhiều người. Mặc dù Liên Xô đã tan rã, nhưng cốt cách, tinh túy, chất tráng ca của nó vẫn là men say trong tâm hồn, trí tuệ của hàng triệu triệu người trên thế giới…

                                                                                             Hồ Ngọc Diệp

,
.
.
.