Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10:

Khi tác giả nữ lên tiếng về “nữ quyền trong văn học”

Cập nhật lúc 08:09, Thứ Tư, 19/10/2011 (GMT+7)

Nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10, một số cây bút nữ trẻ đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vấn đề nữ quyền trong văn học, các khuynh hướng sáng tác và một số vấn đề thời sự văn học...

- Chị có thường xuyên đọc các tác phẩm của các nhà văn nữ không, chị thấy tác phẩm của họ thế nào?

Tác giả Thủy Anna
Tác giả Thủy Anna

 Thủy Anna (Văn xuôi) Báo Pháp luật &Xã hội: Tôi hiện đang phụ trách ban Văn học Amun của công ty sách Đinh Tị nên thật may mắn vì tôi có duyên được đọc những tác phẩm văn học khi còn ở dạng file mềm. Đọc tác phẩm của các nhà văn nữ, đặc biệt là các cây viết trẻ, ngoài  sự dễ thương, yếu mềm hay dữ dội của họ tôi còn phát hiện thấy trong mỗi tác phẩm đều toát lên một cái tôi. Có khi là cái tôi rất trong trẻo, nữ tính, có khi là một cái tôi rất thông minh đáo để, có khi là một cái tôi rất sòng phẳng và có khi là một cái tôi luôn mâu thuẫn với chính mình. Nhưng phần lớn những tác phẩm của họ đều chuyển đến tôi và bạn đọc những thông điệp sống thú vị, có giằng xé, đau đớn, tan vỡ nhưng vẫn thấm đẫm chất nhân văn.

Lữ Thị Mai (Thơ) Ban Phóng viên Thời báo Mê Kông  : Tác phẩm của các nhà văn nữ luôn là mối quan tâm đặc biệt của tôi. Từ lâu, tác phẩm của họ đã trở thành một kênh tiếp cận khá thân thuộc và rất dễ khơi gợi sự đồng cảm đối với tôi. Tôi đặc biệt thích đọc các tác phẩm của nhà văn Margarite Duras và nữ thi sĩ Olga Berggoltz.

Trần Hoàng Thiên Kim (Thơ) Chuyên đề Văn nghệ Công an - Báo Công an Nhân dân: Tôi có đọc, nhưng không phải tất cả. Nếu nói thế nào thì cũng khó, tùy vào từng tác phẩm mà nhận xét, có cái mình thích nhưng cũng có những cái mình không thích.

Cao Nguyệt Nguyên (Văn xuôi) Sinh viên K53 văn học, Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội: Tôi quan tâm nhiều đến những tác phẩm của các nhà văn nữ trong những năm gần đây. Đọc các tác phẩm của họ, tôi nhận thấy sự thay đổi quan niệm về mẫu người phụ nữ trước đây một cách rõ ràng. Họ thể hiện cái tôi cá nhân đa dạng và phức tạp, đôi lúc còn ngang tàng phá phách, nhưng không có nghĩa là chối bỏ tất cả, họ vẫn giữ được nét đẹp riêng. Trong một thời đại mới, hơn ai hết họ là người nhận thức được giá trị bản thân của mình và quyền tự do cá nhân.

Hoàng Thụy Anh (Phê bình) Tạp chí Nhật Lệ - Hội văn nghệ Quảng Bình: Tôi đọc các tác phẩm của các nhà văn nữ khá nhiều. Họ đã khẳng định được tiếng nói riêng, khu biệt với sáng tác của nam giới. Và tôi rất ấn tượng bởi cách khẳng định sự tự do bản ngã và cách xác lập quyền uy tính nữ trong sáng tác của Lê Minh Khuê, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Hoài, Trần Thuỳ Mai, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư…

- Có một khuynh hướng gần đây về nữ quyền trong văn học. Quan điểm của chị về vấn đề này.

Thủy Anna: Khuynh hướng về nữ quyền trong tác phẩm của các tác giả nữ, tôi thấy chưa rõ rệt lắm. Nhưng tôi ấn tượng nhất là sự đáo để của Y Ban trong “I am đàn bà”. Một cái tôi phụ nữ rất “đời”, rất nhân văn và cảm động, khiến tôi có thể ứa nước mắt. Hay nhà văn Thùy Dương qua tiểu thuyết “Nhân gian”, tôi thấy ở nữ nhà văn này một giọng văn trữ tình, có chiều sâu.

Mỗi tác giả nữ đều mang một bản sắc văn học riêng. Keng, Đỗ Hoàng Diệu từng là những cây viết trẻ từng viết về sexvà những quan điểm tình dục khá bạo dạn, nhằm thể hiện sự bứt phá và giải thoát cho một cái tôi bị trói buộc bởi lề thói và những khắt khe mà xã hội đã ghim chặt cho người phụ nữ.
 
Tôi cho rằng khuynh hướng nữ quyền trong Văn học chưa được hình thành như một trào lưu, nhưng nếu tinh tế bóc tách, ta sẽ tìm thấy “nữ quyền” trong những tác phẩm ẩn chứa nét cá tính, độc đáo, tìm tòi của các nhà văn.

Lữ Thị Mai: Trên thế giới, nữ quyền trong văn học đã xuất hiện khá lâu và gắn bó với nhiều tên tuổi các nhà văn nữ. Từ những năm 1929, Virginia Woolf  đã cho ra mắt tiểu luận phê bình nữ quyền “Một căn phòng cho riêng mình”. Còn ở Việt Nam, tôi thích đọc các tác phẩm của các nữ nhà văn Phạm Thị Hoài (Năm ngày), Võ Thị Hảo (Người sót lại của rừng Cười), Y Ban (I am đàn bà), Võ Thị Xuân Hà (Đàn sẻ ri bay ngang rừng)… Với tôi, nữ quyền là sự xuất hiện có tính tất yếu trong văn học dưới sự tác động của đời sống và đặc biệt là bản năng người phụ nữ.

Tác giả Lữ Thị Mai
Tác giả Lữ Thị Mai

Trần Hoàng Thiên Kim:  Tôi đề cao vấn đề về nữ quyền trong văn học. Đó cũng là một nét khác biệt để có thể nhận diện một nền văn học phát triển. Ở Việt Nam, thế kỷ XX dòng văn học đề cập sát sao vấn đề nữ quyền được nở rộ trên nhiều phương diện và rõ ràng, nó cũng phụ hợp với sự phát triển của người phụ nữ trong đời sống xã hội.

Cao Nguyệt Nguyên: ’’Nữ quyền trong văn học’’ tôi nghĩ đó không phải là  sự lật đổ và phủ nhận sạch trơn "nam quyền" mà đó là khẳng định sự bình đẳng nam nữ không chỉ trong những lĩnh vực khác mà trong cả văn học. Qua mỗi trang viết phái nữ được bày tỏ cái tôi bản thể những cái mà trước đây người phụ nữ luôn bị khuôn phép cản trở.

Hoàng Thụy Anh: Từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, phương Tây đã rầm rộ với làn sóng chủ nghĩa nữ quyền: đấu tranh chống lại mọi áp bức, thống trị của nam giới và của xã hội để thiết lập sự bình đẳng giới và “phục hồi” cái tôi của mình. Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỉ XX, vấn đề bình đẳng nam nữ cũng được bàn đến. Trong đó, quan trọng nhất, là sự ra đời của tờ báo Nữ giới chung (1918) do Sương Nguyệt Anh làm chủ bút, tuy còn nhiều hạn chế nhưng có thể nói lần đầu tiên, người phụ nữ được cất lên tiếng nói trực tiếp của mình. Tuy nhiên, mãi đến khi công cuộc đổi mới và cải cách diễn ra toàn diện, chủ nghĩa nữ quyền mới bắt nhịp với đời sống văn học Việt Nam. Và sau năm 1986, thời kì “âm thịnh dương suy” trong văn học thực sự bùng phát. Sự mạnh dạn, tự tin, thẳng thắn bộc bạch cái tôi nữ giới đã xác lập được vị thế của “đặc tính nữ” trong văn học. Lúc này, văn học Việt Nam đã có dấu ấn ý thức phái tính nữ. Nói đã có dấu ấn vì thực ra các cây bút nữ chưa tạo ra được làn sóng nữ quyền như: Marguerite Duras, Elfriede Jelinek, Miên Miên, Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, An Ni Bảo Bối,… Họ chưa có những tác phẩm đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ về bình đẳng giới. Do đó, chỉ có thể nói đến âm hưởng nữ quyền, xu hướng nữ quyền trong sáng tác của các cây bút nữ Việt Nam mà thôi. Nhưng chúng ta có quyền tự hào về hành trình mà các cây bút nữ đã và đang đi – đó là một hành trình thúc đẩy văn học phát triển theo hướng dân chủ hóa.
 
- Theo chị những điểm mạnh của các nhà văn nữ là gì?

Thủy Anna: Điểm mạnh của các nhà văn nữ chính là dám bộc lộ cái tôi của bản thân và sự tìm tòi trong sáng tạo ở mỗi tác phẩm.

Lữ Thị Mai: Theo tôi, điểm mạnh của các nhà văn nữ chính là ở bản năng mà tạo hóa đã ban tặng. Đơn giản như người phụ nữ mới có quyền được “mang nặng đẻ đau”, có quyền nuôi con bằng chính dòng sữa ngọt ngào trong cơ thể mình… Những bản năng ấy tạo nên sự nhạy cảm, cách nhìn nhận cuộc sống rất riêng biệt và đặc biệt của phái đẹp.

Trần Hoàng Thiên Kim:  Họ nhạy cảm và đa cảm. Ở một khía cạnh nào đó, nhà văn nữ có sự tinh tế khác biệt các nhà văn nam giới. Điều này cũng xuất phát từ đặc điểm giới tính. Tuy nhiên, không phải điểm mạnh nào cũng phát huy được khả năng của nó và điểm mạnh đôi khi cũng chính là yếu điểm của nhà văn trong cái nhìn bao quát và tổng thể. Chính vì thế, hầu hết những cuốn sách được gọi là “bộ” hay “tổng”  ít thuộc về nhà văn nữ.
 

Tác giả Trần Hoàng Thiên Kim
Tác giả Trần Hoàng Thiên Kim

Cao Nguyệt Nguyên: Sự trắc ẩn, khoan dung, tinh tế, đằm thắm là những cái vốn có của nữ giới. Chính vì vậy khi cầm bút dường như họ viết bằng tất cả cuộc đời mình, những trải nghiệm của cuộc sống. Giống như viết để giải toả một nỗi tích tụ từ lâu trong lòng mà đó là yếu tố quan trọng cấu thành một tác phẩm hay.

Hoàng Thụy Anh: Vẻ đẹp tinh thần nữ giới. Sự mềm yếu, dịu dàng và sự mạnh dạn, năng động tưởng như trái chiều, ngược lại đó là sự thống nhất để bứt phá tạo nên kênh thẩm mĩ riêng, tác động trực diện và làm phong phú hơn cho đời sống văn học. Phụ nữ viết bằng mắt chứ không phải bằng tay. Tôi cho rằng chị em chúng tôi ai cũng có cái nhìn tinh tế và nhạy cảm hơn nam giới.  

- Nếu có thể nói ngắn gọn về các nhà văn nữ hiện nay, chị có thể nói điều gì?

Thủy Anna: Họ luôn tạo cho tôi những bất ngờ và tôi luôn bị họ làm cho ngạc nhiên mỗi khi đọc những tác phẩm mới của họ. Điều đó có nghĩa là, văn của các tác giả nữ vẫn hấp dẫn tôi và thách thức sự kiên nhẫn chờ đợi của tôi (cười).

Lữ Thị Mai: Với các nhà văn, ở mỗi thời điểm, mỗi môi trường, mỗi lứa tuổi… cách thể hiện cá tính sáng tạo cũng có sự khác nhau. Xã hội hiện đại là môi trường thuận lợi giúp nhà văn nữ thể hiện rõ được cá tính của mình và tôi cho rằng, khi thể hiện được tận cùng cá tính, các tác phẩm của những nhà văn nữ sẽ gặp nhau ở bản năng.

Trần Hoàng Thiên Kim: Mạnh mẽ và quyết liệt và rất… nam tính!

Cao Nguyệt Nguyên: Tôi cảm thấy thực sự thích họ. Thích họ ở cá tính và cách thể hiện cái tôi cá nhân đầy táo bạo trong tác phẩm của mình.
 

  Tác giả Cao Nguyệt Nguyên
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên

Hoàng Thụy Anh: Họ làm nên một nửa thế giới và cũng làm nên một nửa thành tựu của văn học.

- Đối với phụ nữ, tình yêu, gia đình rất quan trọng và văn chương có một vị trí thế nào trong cuộc sống hàng ngày của chị?

Thủy Anna: Tôi đọc văn hằng ngày và song hành với cuộc sống của tôi bên chồng, con trai. Nếu so sánh vị trí của văn chương và gia đình thì thật khó, mặc dù đôi lúc chồng tôi kêu tôi thời gian này dành thời gian cho công việc nhiều quá. Nhưng sếp tôi thì lại kêu tôi thời gian này “làm gì” mà công việc chưa được như ý muốn? (Cười), tôi cứ phải đợi cho hai bên “than thở” mới cân bằng lại được đấy…

Lữ Thị Mai: Với tôi, mỗi công việc, mỗi mối quan hệ… đều chiếm một vị trí nhất định trong đời sống, điều quan trọng là làm sao để cân bằng và khiến những công việc tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với nhau ấy trở nên hài hòa. Một ngày thông thường của tôi dường như không thể thiếu văn chương, nếu không cầm bút viết thì lại đọc sách, đọc tác phẩm của bạn bè; văn chương và tình yêu với văn chương là một trong những yếu tố giúp tôi cân bằng trong cuộc sống.

Tác giả Hoàng Thụy Anh
Tác giả Hoàng Thụy Anh

Trần Hoàng Thiên Kim: Văn chương là gia đình là hai điều riêng biệt và nên phân biệt. Về đến nhà tôi lao đầu vào bếp nấu những bữa cơm ngon cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, chăm con, dạy con học… Tôi thường làm việc về đêm khi mọi thứ yên tĩnh và lắng lại. Ngày nào cũng cố gắng viết được một vài dòng dù đó là nhật ký hay thơ hay bất cứ điều gì mình suy nghĩ về cuộc sống.

Hoàng Thụy Anh: Tình yêu, gia đình, văn chương đều quan trọng và không thể thiếu đối với tôi. Khi vui, khi buồn, gia đình và văn chương là nơi tôi sẻ chia. Ở đó, tôi tìm thấy hạnh phúc của mình. Gia đình, đối với tôi, là nơi trú ngụ của tình yêu và văn chương. Tôi là một phụ nữ biết sắp đặt mọi chuyện trong gia đình. Nếu anh không biết sắp đặt thật khéo léo, tôi nghĩ, trong sáng tạo nó cũng như thế. Phê bình văn học cũng là công việc sáng tạo, là một trò chơi sắp đặt, trong một nghĩa nào đó, đấy là sắp đặt của cảm xúc và tư duy.

Cao Nguyệt Nguyên: Nếu như gia đình, tình yêu là cuộc sống của tôi thì văn chương giống như một thứ men làm cuộc sống của tôi thêm thi vị và ý nghĩa.

- Cảm ơn các chị đã dành thời gian trò chuyện. Chúc các chị luôn hạnh phúc, xinh đẹp và dồi dào cảm hứng trong cuộc sống cũng như trong sáng tác.

                                                                            Theo Văn nghệ Quân đội

,
.
.
.