Hoàng Vũ Thuật suy ngẫm về thơ

Cập nhật lúc 09:51, Thứ Hai, 24/10/2011 (GMT+7)

Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ được độc giả biết đến từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Ngoài thơ, anh còn viết tiểu luận phê bình. Tập tiểu luận – phê bình Văn chương Tìm và gặp của anh do NXB Văn học ấn hành mới đây (2008) gồm 60 bài viết, phần lớn đã được đăng tải  trên báo chí Trung ương, địa phương và đọc tại những cuộc hội thảo văn học. Trong tập sách dày 312 trang này, anh đề cập đến nhiều vấn đề về văn chương nói chung, về  thơ ca nói riêng. Ở đây, tôi chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ: Hoàng Vũ Thuật  suy ngẫm về nguồn gốc, chức năng; cái hay, cái đẹp và xu hướng đổi mới thơ ca.

Suy ngẫm về cội nguồn và chức năng của thơ

Đây là vấn đề mà bất cứ người làm thơ nào cũng quan tâm. Vấn đề tuy không mới nhưng lại có tính định hướng và chi phối toàn bộ sáng tác của các nhà thơ. Với Hoàng Vũ Thuật, “cội nguồn của thơ trước hết là dân tộc”. Anh cho rằng nếu cắt đứt cội nguồn, gốc rễ này thì thơ sẽ “rơi vào bế tắc”. Các nhà thơ lớn từ xưa đến nay như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Tố Hữu...đều xem dân tộc là cội nguồn, gốc rễ của thơ. Nhà thơ phải quan tâm đến số phận của dân tộc, đời sống của nhân dân.

Anh viết : “Bằng chức năng sáng tạo nhà thơ góp phần làm giàu cho tâm hồn, tình cảm của quê hương mình, dân tộc mình” (Nguồn sữa thơ tôi). Anh coi thơ như “quốc hồn”, “nó luôn mang khát vọng cao đẹp”. Anh  so sánh thơ đối với đời sống tinh thần con người như “nước đối với đất đai cây cỏ”. Điều này đặc biệt đúng với con người Việt Nam. Người Việt đã bao đời nay vẫn xem thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu được.

Từ suy ngẫm này, Hoàng Vũ Thuật muốn đặt vấn đề trách nhiệm của các nhà thơ đối với quê hương, đất nước. Đó cũng là trách nhiệm công dân của những người cầm bút nói chung. Từ “bệ phóng” cội nguồn dân tộc thơ mới có thể bay cao, bay xa. Theo anh, “yếu tố dân tộc vẫn là sợi dây nối liền mặt đất nhân hậu với cánh diều thơ bay bổng”. Nhưng tính dân tộc trong thơ “không bất biến mà luôn năng động và phát triển”. Hoàn cảnh văn học nước ta bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử. Thơ phải qua bao thăng trầm  “tạm thời giấu mọi ngóc ngách riêng tư của con người, nén chịu đau thương mất mát để nói tiếng nói chung, đồng điệu về tâm hồn va gặp nhau về quan phương sáng tạo "(Thơ miền Trung đang nói gì).

Bây giờ, nhà thơ không chỉ quan tâm đến số phận dân tộc, đời sống của nhân dân mà còn phải đi sâu tìm hiểu, khám phá “những tâm tư ngóc ngách của cá nhân”; “khai thác mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày”; “góp phần bồi dưỡng nhân cách con người”. Anh luận giải : "Sáng tạo có cốt cách là sáng tạo được bật lên từ bản ngã sống còn của nghệ thuật, bật lên từ những tố chất đích thực"(Giấc mơ cây đàn và ngọn nến). Nhà thơ phải phát huy hết “cá tính sáng tạo” của mình, hình thành nhiều phong cách khác nhau, làm cho thơ ca trở nên đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Suy ngẫm về cái hay, cái đẹp của thơ

Đã làm thơ ai mà không muốn thơ mình được mọi người yêu thích. Nhưng thế nào là một bài thơ hay, một câu thơ hay thì có nhiều quan niệm khác nhau. Bản thân những bài thơ, những câu thơ hay cũng hay theo những cách, những kiểu khác nhau, chứ không hề có những chuẩn mực định sẵn. Nhưng nói chung thơ hay phải đưa đến cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ. Có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay được người đời nâng niu, trân trọng qua các thế hệ nhưng cũng không ít những trường hợp thơ “như cây quế giữa rừng, thơm tho ai biết ngọt lừng ai hay”.

Hoàng Vũ Thuật cần mẫn “tìm và gặp”. Bằng trực cảm thi sĩ, anh đã phát hiện và lý giải một cách khá thuyết phục những câu thơ, bài thơ hay theo cảm nhận của anh. Đây là khổ thơ trong bài  Ông lão mù cuốc đất của Trần Nhật Thu (viết lúc Quảng Trị vừa được giải phóng) : Cháu con thì nỏ có / Ruộng đất thì mênh mông /  Cánh tay lão gầy thế / Cuốc bao giờ cho xong? Anh bình : “Lời thơ gợi một cái gì đau xót, se thắt”.  Anh tìm và gặp “âm điệu đồng quê” trong thơ Hồng Thế : Còn đâu đó những thân gầy năn lác / Đồng vãn mùa toóc rạ với rơm khô / Trẻ xúc tép loi choi, người chài lưới / Con cò mồi trên ruộng đứng chơ vơ...Anh khen : “Cái khung cảnh giao mùa được nhà thơ chấm phá rất độc đáo qua hình ảnh con cò mồi đứng một mình bơ vơ lúc mùa đã vãn. Cái nhìn thật ruộng đồng”. Anh tìm và gặp “hình tượng phi lý” trong thơ Lý Hoài Xuân : Giữa hai người một bông hoa / Giữa hai người chợt hiện ra hai người...Anh giải thích : “Nhà thơ bao giờ cũng tìm cách khai thác những hình tượng phi lý để làm giàu thêm sắc thái biểu cảm. Hai người mà hóa thành bốn là phi lý nhưng lại rất có lý, đấy là cái lý của tâm trạng người đang yêu”.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (đứng giữa) và các bạn văn.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (đứng giữa) và các bạn văn.

Anh tìm và gặp “nghệ thuật liên tưởng” trong thơ Hải Kỳ : Trắng như là chẳng có gì / Trắng như  là buổi người đi không về...Anh phân tích : “Trắng so với chẳng có gì là phép so sánh giàu hình tượng, nhưng trắng được ví như buổi người đi không về thì đã vượt tầng qua một thấu kính thẩm mỹ bất ngờ”. Anh còn tìm và gặp “những quãng trống, gấp gãy, những bước nhảy đột biến” trong thơ Việt Phương; “sự tha hóa, cô đơn và khát vọng của con người” trong thơ Văn Thao; “tiếng nói thăm thẳm từ một trái tim ương bướng” trong thơ Trần Kim Hoa; “biến tấu nghệ thuật” trong thơ Trần Quang Đạo; “sự tĩnh lặng” trong thơ Diệp Minh Luyện, “vết chém của sóng” trong thơ Ngô Minh; "những dòng thơ không nằm trên cùng mặt phẳng" trong thơ Hoàng Trần Cương. Anh bàn về “nghiệm hai mặt trong một con người” ở thơ Nguyễn Phan Hách; “sự cô đọng, giản dị” của thơ Cảnh Trà; những tìm tòi trong thơ Thái Hải, Nguyễn Bình An, Phan Văn Chương...

 

Trong khi chỉ ra cái hay cái đẹp, Hoàng Vũ Thuật đồng thời chỉ ra những cái chưa hay, chưa đẹp của thơ ca hiện nay. Đề cập đến thực trạng thơ hiện nay anh thẳng thắn nhận xét : “Bên cạnh những nhà thơ trăn trở, những cây bút mạnh dạn tìm tòi còn một đội ngũ làm thơ dẫm chân tại chỗ.

Làm những bài thơ vô thưởng vô phạt, không chịu khó lao động, không để trái tim mình lật trở, dằn vặt khi cầm cây bút để sáng tác, chỉ xếp câu xếp chữ cho có vần”; “Thơ dở đang lạm phát, có nguy cơ làm băng hoại nền văn hóa nước nhà”. Với kinh nghiệm của người đi trước, anh nhiệt tình  góp ý cho những bạn làm thơ trẻ. Anh khuyên Nguyễn Thiên Sơn nên “chừng mực trong mạch chảy cảm xúc”. Anh lưu ý  Trần Thị Thu Huề đừng để cho “ý thơ dàn trải”,“nhàm mòn”, “sáo cũ”. Anh mạnh dạn góp ý cho cả những nhà thơ vốn   được anh trân trọng,  yêu mến. Chẳng hạn như với Trần Nhật Thu, bên cạnh những câu thơ rất xúc động trong bài Ông lão mù cuốc đất vẫn có những câu thơ, theo anh “mới thấy nghĩ mà chưa thấy cảm”. Trong trường ca Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây, bên cạnh “những khúc tráng ca, những khúc bi thương”, những câu thơ được “chắt ra từ máu đồng đội” như : Sau vết xe cảm tử / Trái tim trong sỏi đỏ / thở.../ và lăn... theo anh, vẫn còn có đôi chỗ “câu chữ chồng lên nhau, gây cảm giác bằng phẳng”...

Trong khi bàn đến cái hay cái đẹp của thơ, Hoàng Vũ Thuật không sa vào chủ nghĩa hình thức. Anh cho rằng: “Muốn được bài thơ hay không có nghĩa nhà thơ chỉ tạo một xung lực riêng về phía câu chữ, khoác lên bài thơ chiếc áo màu mè” (Thơ – những cột mốc đang chờ phía trước). Thơ “không phải là trò chơi lơ lửng” hay “phù phép tiểu xảo kỳ quặc”. Anh cho rằng “thơ trước hết là cảm xúc”, “là sự vận động của cảm xúc”. Anh cụ thể hóa điều suy ngẫm này qua thơ Thanh Hải, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Lê Thị Mây, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Nguyễn Khôi, Biển Hồ...Nếu không có cảm xúc chân thật chắc chắn Hải Kỳ không thể viết được những câu: Tôi rơi vào cuối ngọn nồm / Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi... Mùa thu mặc áo gì kia / Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu...

Suy ngẫm về tương lai thơ Việt

Thơ Việt sẽ đi về đâu ? Tương lai thơ Việt như thế nào ? Đó là điều mà nhiều người quan tâm, trong đó có Hoàng Vũ Thuật. Trong tập tiểu luận phê bình  Văn chương Tìm và gặp,  rất nhiều lần anh đề cập đến vấn đề này. Về tương lai thơ Việt, một số người bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng. Thậm chí có người còn bộc lộ tâm trạng bi quan. Hoàng Vũ Thuật  trái lại hết sức lạc quan. Anh quả quyết “nghệ thuật mãi mãi chuyển đổi không ngưng nghỉ. Cái đẹp luôn vận động, luôn đổi mới, luôn khám phá”. Với anh, “thơ Việt Nam những năm qua như chàng trai sức vóc, đang lớn” (Thơ, cuộc chuyển đổi không ngưng nghỉ). Anh đặt hy vọng vào những cây bút trẻ. Theo anh “họ là đội ngũ thay thế nhà văn hôm qua, là đại biểu văn chương chính thức thế kỷ 21 – thế kỷ văn hóa là nền tảng của sự phát triển”.

Vì thế, anh hết lòng ủng hộ những cây bút trẻ như: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Đông Hà, Lê Thị Mỹ Ý, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư, Trần Tuấn... Anh đánh giá cao Nguyễn Hữu Hồng Minh. Anh phát hiện những “phức điệu mở”, những “phức điệu kín” trong tập Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Anh nhận thấy trong thơ của những cây bút trẻ nói chung và Nguyễn Hữu Hồng Minh nói riêng “lối biểu cảm mạnh mẽ, phóng túng, câu thơ dồn nén đến tận cùng” và cả sự dám “dấn thân” trong việc đổi mới thi ca.  Có điều, Hoàng Vũ Thuật  không  tâng bốc họ lên tận mây xanh  mà nhẹ nhàng chỉ cho họ biết phần lớn những người cầm bút trẻ đều “đang ở giai đoạn xuất phát điểm”. Anh nói với họ rằng con đường văn chương “thênh thang ở phía trước”, đòi hỏi những người cầm bút phải “nỗ lực không ngừng”. Để cho thơ Việt có một tương lai tươi sáng, anh kêu gọi những người cầm bút nên “thường xuyên thể nghiệm để vươn tới cái mới”.

Anh trăn trở "Thơ Việt hiện nay cũng vậy, không thể cài then sập cửa, chối từ các khuynh hướng nghệ thuật, phương pháp sáng tác, chối từ cái tôi muôn thuở của thơ. Thơ sẽ bị dồn vào cái thế chật chội, bức bối như người đẹp bị cấm cung, không được phô bày gương mặt kiều diễm của mình với thiên hạ...Chấp nhận hiện tượng các thế hệ nhà thơ tự lột xác, chấp nhận thi pháp mới của thế hệ trẻ trong bối cảnh xã hội khác ngày hôm trước, cho dù có khi làm gai mắt người đọc, đó là sự tiếp nhận trên tinh thần khoa học để làm giàu dáng vẻ thơ Việt" (Thơ đa đoan và thân phận).

Hoàng Vũ Thuật đề cao vai trò vô thức trong sáng tạo. Lý giải vấn đề này, anh nhấn mạnh "cái mà chúng ta có được nhờ vào lí trí và trình độ của nhà văn chưa đủ. Sáng tạo nhiều khi tồn tại ngoài ý thức con người. Cái siêu tôi ( theo Freud) của con người sẽ tạo ra năng lượng sáng tạo. Do đó sáng tạo liên quan nhiều đến vai trò của vô thức" (Những người viết trẻ cần một tiếng nói đồng tình). Không chỉ kêu gọi suông, chính Hoàng Vũ Thuật cũng đang cố gắng thể nghiệm, cách tân thơ mình qua các tập: Thế giới bàn tay trái (1989), Đám mây lơ lửng (2000), Tháp nghiêng (2003). Những thể nghiệm, cách tân của anh thành công đến đâu? Có “neo” được vào lòng độc giả hay không? Xin hãy để thời gian trả lời và nghiệm chứng.

Riêng tôi,  tôi rất tán thành những suy ngẫm sau đây của anh : “Thơ hiện đại, cách tân, đổi mới nhưng nhất định phải gửi tới độc giả bông hoa nghệ thuật chứ không phải trái cây chết người”,  “cần có lối viết mà người đọc thời nay  chấp nhận”; “tạo ra hình tượng văn học mới phải phù hợp với tâm lý người thưởng thức”; “nói cái tôi của mình nhưng phải có sức rung động triệu triệu trái tim nhân loại”; “đổi mới  phải  trên cơ sở tiếp nhận kế thừa”...(Cội nguồn và hành trình của thơ hôm nay). Đó mới là những điều cốt yếu để cho thơ ca Việt Nam phát triển đúng hướng. Cuộc sống luôn biến động nên thơ không thể “dẫm chân tại chỗ”. Đổi mới là nhu cầu tất yếu nhưng đổi mới như thế nào cho phù hợp và có kết quả mới là chuyện cần bàn.

Những suy ngẫm về nguồn gốc, chức năng; cái hay, cái đẹp và xu hướng đổi mới thơ ca trong tập tiểu luận phê bình Văn chương Tìm và  gặp của Hoàng Vũ Thuật  tuy có đôi chỗ đang còn “lơ lửng” nhưng những chiêm nghiệm của anh hết sức bổ ích cho những ai đang dấn bước trên con đường thơ ca đầy gian nan, thử thách.

                                                                                                   Mai Văn Hoan

,
.
.
.