.

Biển đảo gắn với ngư trường, ngư nghiệp và ngư dân

Thứ Năm, 15/06/2017, 14:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 14-6, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường và ngư dân. Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy; Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Thông tin-Truyền thông và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài phát thanh-truyền hình của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường, ngư dân.
Quang cảnh hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường và ngư dân.

Theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TƯ ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này như: Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 1-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản... Do vậy, trong những năm qua, bà con ngư dân đã và đang tích cực vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển và cùng với các lực lượng chức năng khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đến nay, tổng số tàu cá là 109.938 tàu, trong đó: tàu khai thác có công suất dưới 90CV có 74.900 chiếc, tàu khai thác có công suất trên 90CV khoảng 33.000 chiếc. Hiện số tàu đã được đăng ký đạt 99,6%; số tàu cá được đăng kiểm, kiểm tra đạt hơn 90%. Đặc biệt, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã công bố 6 đợt với 235 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện đóng tàu bằng các loại vật liệu như vỏ gỗ, thép, composite theo Nghị định 67; công bố 60 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 23 tỉnh, thành phố, đồng thời thống kê theo dõi hoạt động của 82 cảng cá các loại tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều tàu cá Việt Nam chưa chấp hành tốt các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản... nhất là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép ngày càng tăng. Những vi phạm này đã tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên biển, đe dọa tài sản và tính mạng của ngư dân, đồng thời làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, uy tín, vị thế của đất nước trong khu vực.

Để góp phần nâng cao ý thức của ngư dân cũng như các cơ quan quản lý, hội nghị đã đề ra mục tiêu là cung cấp thông tin, định hướng hoạt động tuyên truyền về biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường và ngư dân cũng như những vấn đề liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và việc ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật trong nước và nước ngoài khi tham gia khai thác nguồn lợi thủy sản...

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên từ Cục lãnh sự, Ủy ban biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao), Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp-PTNT), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng), Bộ Công an báo cáo chuyên đề về các nội dung: tình hình biển Đông thời gian qua, công tác ngư nghiệp, ngư dân, tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển, vấn đề bảo hộ công dân ở nước ngoài... cũng như trao đổi về những kinh nghiệp trong sản xuất hải sản, hoạt động tuyên truyền gắn với ngư trường, ngư nghiệp, ngư dân của các địa phương như Bình Định, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Qua hội nghị này, sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền biển, đảo ở địa phương nhằm động viên, cổ vũ ngư dân tiếp tục vươn khơi an toàn, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ quyền lợi chính đáng và chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông, đồng thời hạn chế, giảm thiểu việc ngư dân vi phạm các quy định pháp luật trong nước và ngoài nước.

Hiền Phương