.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống văn minh

Thứ Năm, 15/12/2016, 15:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 15-12, Ban chỉ đạo đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Đề án 498) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đề án năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 498 tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 498 tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 498 tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Năm 2016, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện triển khai thực hiện Đề án 498. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo; mở 12 lớp tập huấn cho 340 học viên là già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín, cán bộ chính quyền, cấp ủy, đoàn thể các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch, giai đoạn 2016-2018”. Qua điều tra, khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 6/18 bản ở xã Thượng Trạch cho thấy có 54 cặp vợ chồng tảo hôn; 6 cặp là hôn nhân cận huyết.

Tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Đề án 498 trong năm 2016, các thành viên Ban chỉ đạo thảo luận, góp ý về một số nội dung liên quan đến dự thảo triển khai mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch, giai đoạn 2016-2018”; quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo; kinh phí thực hiện Đề án…

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Đề án 498 thể hiện tính nhân văn cao cả của Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy Ban Dân tộc tỉnh, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của các thành viên trong Ban chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Đề án.

Yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo tham gia đầy đủ các cuộc họp và thực hiện tốt công việc chung do Ban chỉ đạo phân công. Quan tâm hơn nữa về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết công ăn, việc làm cho đồng bào. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có vấn đề hạn chế hôn nhân cận huyết, tảo hôn...

T.Long