.

Đề xuất các giải pháp quản lý và vận hành hiệu quả các nhóm Bảo tồn thôn bản vùng đệm VQG PN-KB

Thứ Tư, 16/11/2016, 16:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 16-11, Ban quản lý (BQL) dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) tổ chức hội thảo tổng kết quá trình thành lập và vận hành ban đầu các nhóm Bảo tồn thôn bản vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Toàn cảnh hội thảo tổng kết quá trình thành lập và vận hành ban đầu các nhóm Bảo tồn thôn bản vùng đệm VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.
Hội thảo tổng kết quá trình thành lập và vận hành ban đầu các nhóm Bảo tồn thôn bản vùng đệm VQG PN-KB.

Dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực PN-KB, hướng tới mục tiêu tăng cường quản lý, bảo vệ và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây. Dự án là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức, thông qua các đại diện là UBND tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng Phát triển Đức. Trung tâm CIRD ký kết hợp đồng tư vấn hỗ trợ thiết lập và vận hành ban đầu nhóm Bảo tồn thôn bản (BTTB) ở vùng đệm VQG PN-KB cho dự án này, với thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2015 đến 31-11-2016.

Tại hội thảo, BQL dự án và Trung tâm CIRD đã đánh giá, tổng kết hoạt động hỗ trợ tư vấn thành lập và vận hành các nhóm BTTB, đồng thời xác định những thách thức, khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp trong việc tổ chức quản lý và vận hành hiệu quả các nhóm BTTB trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, từ tháng 8-2015 đến tháng 10-2016, Trung tâm CIRD đã hoàn thiện các hạng mục như: rà soát, xây dựng kế hoạch bao gồm các chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của nhóm bảo tồn, sử dụng công cụ SMART để giám sát đa dạng sinh học tại Quảng Trị, Lâm Đồng, Khăm Muộn (Lào). Thực hiện chu trình FPIC, tổ chức họp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm VQG PN-KB trong vùng dự án để lựa chọn thành viên tham gia nhóm BTTB theo tiêu chí phù hợp từ 7 nhóm thử nghiệm đầu tiên. Xây dựng cẩm nang tài chính hỗ trợ cho nhóm BTTB, thông qua các bên liên quan đóng góp ý kiến, hiệu chỉnh hoàn thành và trình KFW (Ngân hàng Phát triển Đức) phê duyệt. Hoàn thành chương trình FPIC và thành lập 14 nhóm BTTB còn lại tại 7 xã ở các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh. Tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên 21 nhóm BTTB và cán bộ kiểm lâm địa bàn. Hỗ trợ cung cấp trang thiết bị tuần tra cho các thành viên nhóm BTTB…

Tính đến tháng 10-2016, công việc của nhóm tư vấn đã triển khai 100% nội dung tư vấn và đạt hơn 90% kết quả của dự án, tiến hành đầy đủ các thông tin theo đề xuất kỹ thuật. Để việc tổ chức quản lý và vận hành các nhóm BTTB trong những năm tiếp theo một cách hiệu quả nhất, Trung tâm CIRD đã đưa ra một số đề xuất: cần hỗ trợ sinh kế cho thành viên của các nhóm BTTB để các thành viên cùng với người dân có thể tham gia đóng góp tạo nên sự bảo tồn bền vững, thông qua việc tạo sinh kế tại chỗ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; bố trí kinh phí và tổ chức chuẩn bị cho các cuộc họp thôn, xã cũng như các lớp tập huấn theo kế hoạch; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho Ban tham vấn BTTB, kiểm lâm, biên phòng, địa phương để triển khai hoạt động hỗ trợ nhóm BTTB tuần tra, giám sát đa dạng sinh học từ tháng 4-2016 đến tháng 12-2017; chính quyền địa phương cấp xã nơi có các nhóm BTTB hoạt động tiếp tục phối hợp hỗ trợ, kiểm tra và hướng dẫn hoạt động của nhóm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã phê duyệt.

Lê Mai