Sẵn sàng ứng phó với bão số 8

Cập nhật lúc 15:51, Thứ Bảy, 27/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng-Thuỷ văn Trung ương, bão số 8 có khả năng mạnh thêm và uy hiếp trực tiếp đến các tỉnh trung bộ. Dự báo đến 19 giờ ngày hôm nay (27-10) vị trí trung tâm bão vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 107,3 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, sức gió ở vùng trung tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11-12. Đây là một cơn bão mạnh và khả năng đổ bộ vào tỉnh ta là rất lớn.

Và với địa bàn tỉnh ta, sau bão sẽ là lũ. Vì vậy công tác ứng phó với bão số 8 đã được triển khai tích cực trong mấy ngày hôm nay. Vào lúc 8 giờ 30, sáng nay 27-10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp ứng phó với bão và tiếp theo bão sẽ là lũ.  Ngay sau cuộc họp các đoàn công tác của UBND tỉnh đã về các địa phương đôn đốc PCLB.

Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống bão rất cụ thể. Tại Lệ Thuỷ, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết 13 giờ ngày 26-10, Ban PCLB huyện đã họp để triển khai các biện pháp đối phó với bão lũ; UBND huyện cũng đã có công điện đôn đốc các địa phương soát xét các công trình thuỷ lợi, chỉ đạo nhân dân chằng chéo nhà cửa, chặt tỉa cây cối, đặc biệt là chuẩn bị lương thực, nước uống, chất đốt trong thời gian tối thiểu 5-7 ngày để phòng chống lũ sau bão.

Neo đậu tàu tránh bão.
Neo đậu tàu tránh bão.

Trên hệ thống truyền thanh huyện phát liên tục công điện về phòng chống bão số 8 để nhân dân trong huyện thực hiện... Ban chỉ huy PCLB huyện tập trung chỉ đạo triển khai biện pháp cụ thể ở những trọng điểm như vùng thấp lụt, vùng ven biển, những công trình xây dựng dở dang ... Tại chợ tạm chợ Tréo, để phòng chống bão số 8, công việc thu dọn hàng hoá được thực hiện ngay trong ngày hôm nay 27-10 để hạn chế thiệt hại.

Tàu thuyền ngoài khơi là một trong những "điểm nóng" trong công tác phòng chống bão. Vì vậy mấy ngày nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động kết nối thông tin thông báo tình hình di chuyển của bão số 8 cho tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi có biện pháp tránh trú bão. Đến 9 giờ ngày 27-10, đã có 3.976 tàu thuyền với 17.108 lao động đã vào nơi neo đậu tránh, trú bão. Cả tỉnh chỉ còn lại 5 tàu của xã Quảng Phong (Quảng Trạch) có 34 lao động đang đánh bắt trên Vịnh Bắc Bộ và đang tìm điểm trú bão tại đảo Bạch Long Vĩ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng đã chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Ông Nguyễn Chí Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, toàn huyện đã có 1.107 tàu thuyền với 5.161 lao động về nơi neo đậu tránh trú bão, huyện đã chỉ đạo các chủ tàu công tác đảm bảo an toàn tại nơi neo đậu... Hiện nay còn 5 tàu đánh bắt trên Vịnh Bắc Bộ và đang tránh trú bão các đảo trong khu vực này. Các phương án PCLB đã được Ban chỉ huy PCLB huyện triển khai cụ thể trong cuộc họp chiều 26-10, các thành viên của ban đã được phân công về chỉ đạo những khu vực trọng điểm để đối phó với bão số 8.

Các địa phương như huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá bên cạnh bão sẽ có những nguy cơ khác như lũ quét, lũ ống sau bão. Vì vậy, công tác ứng phó với bão số 8 càng tăng lên gấp bội.

Các ngành như Giao thông vận tải, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Bưu điện, Điện lực ...cũng đã lên các phương án để đảm bảo giao thông thông suốt, ứng cứu những trường hợp bị thiên tai, ách tắc giao thông...

Vào lúc 12 giờ ngày 27-10, theo thông tin mới nhất, bão số 8 đã thay đổi hướng đi, hướng lên phía bắc, tâm bão có thể không đi vào tỉnh ta, nhưng ảnh hưởng của bão gây mưa lớn thì khó tránh khỏi, lúc này mưa đã nặng hạt hơn trên địa bàn toàn tỉnh... Chắc chắn thiên tai lần này không "bỏ qua" tỉnh ta. Công tác phòng chống bão số 8 phải thực sự quyết liệt...

                                                                               V. H

Ngành Giáo dục-Đào tạo:


                        Khẩn trương ứng phó với bão số  8

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 8, ngày 26-10, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có thông báo số 2198/SGDĐT-VP gửi các Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc về việc triển khai công tác phòng chống cơn bão số 8.

Theo đó, các trường, trung tâm, cơ sở giáo dục khẩn trương họp lãnh đạo, Ban phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai để bàn và đưa ra phương án cụ thể phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão, lũ.

Song song với việc triển khai các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lụt, các đơn vị tổ chức hướng dẫn và qui định bắt buộc đối với học sinh, cán bộ, giáo viên tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về an toàn tính mạng, tài sản tại các cơ sở trường học, trên đường, ở nhà và những nơi khác. Không tổ chức học trong thời điểm bão chuẩn bị đổ bộ, đang đổ bộ và khi chưa khắc phục xong hậu quả. Không huy động các em học sinh tiểu học, THCS và các em không đảm bảo sức khoẻ để chống bão, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Đối với các địa bàn thường bị ảnh hưởng nặng cần chủ động lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với bão lũ.

                                                        N. M
 

 


 

,
.
.
.