.

Hiệu quả bước đầu trong thực hiện đề án "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam"

Thứ Hai, 23/01/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, các cơ sở y tế cũng như người dân tỉnh ta đã có sự hưởng ứng tích cực, bước đầu mang lại hiệu quả.

Thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ngành Y tế tỉnh ta đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, thuốc y học cổ truyền bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh. Các hội đồng thuốc và điều trị trong các bệnh viện đều tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu điều trị hiệu quả và mục tiêu của đề án. Đặc biệt, bên cạnh việc chú trọng từ khâu xây dựng danh mục thuốc để đấu thầu, nhập thuốc đến kê đơn sử dụng thuốc, ngành Y tế đã khuyến khích các cơ sở y tế kiểm soát việc bác sĩ kê đơn điều trị cho người bệnh, lựa chọn ưu tiên thuốc sản xuất trong nước.

Theo thống kê, tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước/tổng tiền thuốc mua trong năm tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện ở tỉnh ta chiếm tỷ lệ 75,5%. Trong đó, nổi bật có Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy chiếm 83%, Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa chiếm 81,5%, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh chiếm 78%, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa chiếm 76%... Con số 75,5% thuốc sử dụng thuốc nội là một con số đáng khích lệ. Để tăng tỉ lệ này trong các bệnh viện, Sở Y tế đã vào cuộc và chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải ưu tiên cho các loại thuốc trong nước, đặc biệt là thuốc sản xuất từ dược liệu truyền thống, phát huy được thế mạnh của y học truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian thực hiện đề án, nhìn chung cán bộ trong ngành y tế tỉnh đã ý thức được việc ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Các cơ sở điều trị đã duy trì việc bình bệnh án, giúp kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý, từ đó đã hạn chế tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc ngoại đắt tiền, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Nhận thức của người dân ngày càng cao trong vấn đề lựa chọn thuốc vì nhiều thuốc sản xuất trong nước có chất lượng, uy tín.

Trước thách thức hội nhập quốc tế, mục tiêu nâng cao chất lượng thuốc, khẳng định thương hiệu và để người dân trong nước tin dùng, doanh nghiệp sản xuất thuốc trong tỉnh (Công ty CP dược phẩm Quảng Bình) đã chú trọng đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ, xây dựng doanh nghiệp đạt 5 nguyên tắc thực hành tốt GPs theo quy định của Bộ Y tế. Nhiều sản phẩm của công ty đã được sản xuất với kỹ thuật bào chế cao, chất lượng bảo đảm tương đương với các thuốc nhập, giá cả phù hợp. Ngoài ra, có 8 doanh nghiệp buôn bán thuốc đạt GDP (thực hành tốt phân phối thuốc); 79/79 nhà thuốc, 287/287 quầy thuốc đạt GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc); 7/8 bệnh viện và 4 trung tâm đã được cấp giấy chứng nhận GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc).

Theo tìm hiểu, khách hàng đến mua thuốc chia ra hai nhóm, nhóm trẻ thì thường hướng đến thuốc ngoại; nhóm người lớn tuổi thì thiên về thuốc nội, đặc biệt là các thực phẩm chức năng, các bài thuốc gia truyền rất được tin dùng. Khách hàng tới mua thuốc ngoại hay thuốc nội cũng còn tùy thuộc vào đơn thuốc của bác sĩ. Chị Lê Thị Lài, ở Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, trước đây, hầu hết các thành viên trong gia đình chị chỉ sử dụng thuốc ngoại và quan niệm thuốc nội chỉ chữa được các bệnh hàng ngày như: hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên, khi bị đau dạ dày phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, được sự tư vấn của các bác sĩ, chị đã sử dụng một số sản phẩm thuốc của Việt Nam và thấy bệnh thuyên giảm rất nhiều. Từ đó, gia đình chị rất tin và dùng sản phẩm thuốc của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai đề án vẫn còn một số khó khăn và hạn chế, như: suy nghĩ của nhiều người dân là thuốc nội mà giá thành rẻ thì chắc chắn chất lượng không thể bằng với thuốc ngoại, trong khi đó, nhiều loại thuốc nội tốt hơn thuốc ngoại. Người dân và không ít thầy thuốc vẫn còn có thói quen sử dụng thuốc ngoại đắt tiền để chữa bệnh, trong khi hiệu quả so với thuốc sản xuất tại Việt Nam là tương đương. Chính những thói quen này gây tốn kém, lãng phí công tác khám rất lớn, vì thuốc ngoại thường có giá thành cao hơn rất nhiều.

Trong thời gian tới, sự vào cuộc tích cực của hệ thống truyền thông với thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, qua đó tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

T. Hoa - P. Hà