.

Tập trung xử lý hiệu quả vấn đề môi trường sau mưa lũ

Thứ Tư, 19/10/2016, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh tại cuộc họp về tình hình mưa lũ, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả và chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 được tổ chức vào ngày 17-10-2016.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 15-10-2016 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân toàn tỉnh. Sau những ngày gồng mình chống lũ, việc bảo đảm đời sống, sức khỏe, vệ sinh môi trường cho người dân đã được tập trung triển khai. Các sở Y tế và Tài nguyên – Môi trường là đơn vị chủ lực trong việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương công tác vệ sinh môi trường và nước sạch.

Rác thải do mưa lũ tại biển Nhật Lệ
Rác thải do mưa lũ tại biển Nhật Lệ

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: Ngày 17-10, Sở đã ban hành văn bản số 1822/TNMT-CCMT về tăng cường công tác vệ sinh môi trường sau ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học chủ động huy động lực lượng thu gom, vệ sinh, xử lý xác động vật, rác thải trên các tuyến phố, ven sông, kênh mương, khu vực công cộng. Khắc phục nhanh các sự cố môi trường, sạt lở đường giao thông, chống hiện tượng bùn lấp, cát chảy... ảnh hưởng đến các diện tích canh tác. Đặc biệt, với trên 2.000 gia súc và 100.000 gia cầm bị trôi, việc xử lý đối với xác gia súc, gia cầm bị chết, tiêu độc, khử trùng chuồng trại cần được triển khai kịp thời và đúng quy trình. Văn bản cũng kèm theo hướng dẫn việc vệ sinh chuồng trại, thau rửa giếng, bể nước, xử lý khử trùng để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt ngay sau mưa lũ.

Song song với việc chỉ đạo, ngày 18-10, Sở Tài nguyên – Môi trường đã tiến hành cấp phát 5 tấn thuốc cloramin b khử trùng diệt khuẩn và 10 tấn thuốc PAC lọc nước cho các địa phương. Sở cũng đồng thời đẩy mạnh giám sát việc chôn lấp gia súc, gia cầm bảo đảm đúng quy trình. “Chúng tôi đang tiếp tục đề xuất Bộ Tài nguyên – Môi trường tăng cường nguồn hỗ trợ thuốc cloramin b và PAC để đáp ứng nhu cầu của người dân vùng lũ!”, ông Phong cho biết thêm.

Tại thành phố Đồng Hới, có 24 trang trại gia súc, gia cầm với khoảng 18.000 con hầu hết đều bị chết và cuốn trôi. Đặc biệt trong số này, có trang trại của chị Đặng Thị Ánh, xã Thuận Đức với gần 1.400 con lợn và 700 con gà bị chết trước sự bất lực của mọi thành viên trong gia đình bởi lũ về quá đột ngột. “Ngay sau khi mưa ngớt, UBND thành phố Đồng Hới đã lập tức chỉ đạo và hướng dẫn người dân chôn lấp gia súc, gia cầm bị chết và tiến hành khử khuẩn. Riêng với số lượng lợn bị chết ở các trang trại, chúng tôi đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Phát triển đô thị tỉnh vận chuyển số lợn này lên bãi rác tiến hành chôn lấp và khử khuẩn đúng quy trình, bảo đảm không trở thành nguy cơ dịch bệnh sau mưa lũ!”, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết.

Lực lượng chức năng xử lý gia súc bị chết tại xã Thuận Đức (TP Đồng Hới)
Lực lượng chức năng xử lý gia súc bị chết tại xã Thuận Đức (TP Đồng Hới)

Cũng tại thành phố Đồng Hới, sau mưa lũ, bãi biển Nhật Lệ đã trở thành một bãi rác khổng lồ. Vào 7 giờ 30 sáng 18-10, tại bãi rác khổng lồ này có nhiều trẻ em đang nhặt nhạnh các loại vỏ chai, túi ni lon. Bà Phan Thị Tịnh, tổ dân phố 7, phường Hải Thành cho biết: "Tôi sống ở đây đã nhiều năm. Thông thường sau bão, các loại rác thải vẫn dạt vào bờ biển. Thế nhưng, chưa có năm nào, rác lại dồn lại khủng khiếp như năm nay!”. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết: Sở sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, phối hợp với Đoàn Thanh niên và thành phố Đồng Hới huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tập trung xử lý để trả lại môi trường cũng như vẻ đẹp cho bãi biển Nhật Lệ trong thời gian sớm nhất.

Hiện, tất cả các địa phương trong tỉnh đều đang nỗ lực bảo đảm tốt vấn đề vệ sinh môi trường sau lũ. Xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là xã bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Sơn Trạch bị mất điện gần 1 tuần. Ngay sau khi nước rút và có điện trở lại, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường như thu gom xác súc vật chết, cấp phát thuốc và hướng dẫn bà con khử khuẩn nguồn nước. Đây cũng là địa bàn nhạy cảm vì lượng khách du lịch đông, nếu vệ sinh môi trường không bảo đảm sẽ trở thành nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương và hoạt động du lịch!”.

 Ngành Y tế chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Thạch Hoá
Ngành Y tế chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Thạch Hoá

Là một trong hai ngành chủ lực trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường sau mưa lũ, ngành Y tế cũng đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Một số bệnh phổ biến do ảnh hưởng của môi trường sau mưa lũ là tiêu hóa, đau mắt đỏ, viêm phổi, nước ăn chân...

Ngay trong mưa lũ, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn công tác về các địa phương để nắm tình hình và kịp thời hướng dẫn bà con xử lý nguồn nước, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, kịp thời đến trạm y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khi bị ốm, tránh để lây lan.

Bộ Y tế và ngành đã tiến hành cấp phát 280.000 viên cloramin b. Trong khi các sản phẩm làm trong nước còn thiếu, ngành đã hướng dẫn bà con sử dụng cách lọc nước truyền thống để bảo đảm nguồn nước trong thời gian trước mắt.

“Có một khó khăn nữa là tại một số địa phương do mất điện dài ngày nên việc thau rửa giếng, bể chứa nước tạm thời chưa tiến hành được. Chúng tôi cũng đã đề nghị ngành Điện lực tạo mọi điều kiện cấp điện lại trong thời gian sớm nhất đề bà con vùng lũ nhanh chóng có nước sạch, góp phần ổn định đời sống phục vụ sinh hoạt hàng ngày!”, ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.

Mưa lũ đã để lại những hậu quả nặng nề đối với người dân tỉnh ta. Vệ sinh môi trường sau mưa lũ là việc quan trọng cần được phối hợp triển khai hiệu quả. Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và tinh thần tự lực tự cường của người dân, vấn đề môi trường sẽ được bảo đảm, góp phần để nhân dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Ngọc Mai