.

Chữ tâm và tình người của những người "coi tù"

Thứ Sáu, 06/11/2015, 21:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Không ít đối tượng là những đàn anh, đàn chị khi vào trại mang trên mình những căn bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm, có đối tượng chưa yên tâm cải tạo nên luôn có thái độ chống đối, không chấp hành nội quy trại giam... Thế nhưng bằng cả lương tâm, trách nhiệm và tấm lòng bao dung của những cán bộ quản giáo đã cảm hóa, thu phục họ bằng nhân tâm và tình người; sẵn sàng xả thân mình cứu đời, cứu người để những phạm nhân nơi đây có thêm cơ hội làm lại cuộc đời, cơ hội trở về với ánh sáng hoàn lương. Câu chuyện sau đây chỉ là một trong số điển hình của chữ tâm và tình người đằng sau cánh cổng trại giam, nơi tưởng chừng như không có tình người.

Tình người trong giờ phút hoạn nạn

“4 lần ra vào trại giam, cuộc đời của tôi tưởng chỉ còn một màu xám xịt. Rồi khi chứng kiến một giám thị đội mưa, băng rừng giữa cơn bão dữ để cứu sống mình, tôi chợt thấy ánh sáng lóe lên...”, phạm nhân Đặng Thế Tấn,  Phân trại 1, Trại giam Đồng Sơn, nhớ lại.

Chuyện Đại tá Hoàng Quốc Trị, Giám thị Trại giam Đồng Sơn cùng đồng đội xả thân cứu phạm nhân, được Đại tá Phạm Hữu Long nhớ lại: Lúc đó, khoảng 16h45 ngày 30-10-2013, sức gió của cơn bão số 10 đổ bộ làm tốc mái tôn và rơi xuống cắt đứt động mạch chủ bắp chân sau của phạm nhân Tấn, máu ra rất nhiều và nếu không tổ chức cấp cứu kịp thời phạm nhân Tấn khó thoát khỏi cái chết.

Khi phát hiện sự việc, đồng chí Giám thị và đội trực chiến đã tổ chức ngay việc cứu người. Mưa to, gió lúc đó giật trên cấp 12, dọc con đường chúng tôi đi vào phân trại 1 là ngổn ngang cây đổ rạp, cột điện gãy đổ, những tấm tồn bay rất nguy hiểm. Phạm nhân Tấn được chuyển đến bệnh xá của cán bộ ở khu trung tâm chỉ huy để sơ cứu. Lúc này, các phương tiện máy móc, dụng cụ y tế tại đơn vị đã bị bão làm hư hỏng không thể sử dụng được. Phương án duy nhất là cần chuyển gấp phạm nhân lên bệnh viện tuyến trên mới có thể cứu được mạng sống.

Trời đã nhá nhem tối, hệ thống điện bị tê liệt hoàn toàn. Con đường độc đạo dẫn từ tuyến đường Hồ Chí Minh vào trại đã bị tắc do hàng loạt cột điện và cây ngã, đổ chắn hết đường đi khiến mọi phương tiện không thể qua lại được. Lúc này, vết thương chảy máu càng nhiều, phạm nhân Tấn đã mê man. Đại tá Trị nhớ lại “Việc đưa phạm nhân ra bên ngoài là một thử thách rất lớn và quyết tâm của chúng tôi. 

Chúng tôi cũng đã liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn của tỉnh và sự giúp đỡ của các phương tiện bên ngoài, tuy nhiên mọi hoạt động lúc này đã rơi vào tê liệt bởi sức tàn phá khủng khiếp từ cơn bão và không thể tiếp cận để cứu người, mọi thông tin liên lạc với bên ngoài cũng bị cắt đứt. Lúc xảy ra sự việc lại đúng thời điểm cường độ bão mạnh, chúng tôi tổ chức cứu người ngay trong bóng tối mù mịt và mưa, gió với sức giật trên 12. Ngoài đường không một bóng người”.

Phải chuyển bằng cáng, trực tiếp đồng chí Giám thị cùng với 5 đồng chí khác cáng phạm nhân Tấn quyết tâm vượt tâm bão. “Nằm trên cáng lúc tỉnh lúc mê tôi nghe thấy tiếng lội nước, tiếng nói của các cán bộ nói là cố lên, cố lên gần đến nơi rồi. Cả những lúc phải luồn cáng qua những thân cây lớn ngã đổ để đi qua, lúc này tôi nghe được nhiều tiếng kêu của cán bộ bị cành cây đâm phải và gãy đổ đè lên người nhưng tay vẫn không rời cáng...”, phạm nhân Tấn kể lại.

Trung úy Trần Bá Thước thu phục phạm nhân bằng nhân tâm.
Trung úy Trần Bá Thước thu phục phạm nhân bằng nhân tâm.

Để vượt được quãng đường hơn 3km từ đơn vị ra đến đường Hồ Chí Minh mất gần 3 giờ đồng hồ luồn, lách qua loạt cây đang đổ rạt bên đường, mưa gió lớn và có đoạn nước ngập đến trên 1m; một số đồng chí đã chuẩn bị rựa từ trước để chặt cây gãy đổ thông đường cho tổ cáng phạm nhân dễ di chuyển. “Vừa cáng vừa tiên phong dẫn đường và hô hào cùng tổ cáng quyết tâm bằng mọi giá phải cứu sống được phạm nhân này của đồng chí giám thị. Đây như động lực để anh em chúng tôi càng thêm quyết tâm, ý chí vượt qua nguy hiểm và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu tá Trương Hải Hưng kể.

Ra đến đường Hồ Chí Minh thì vắng bóng không một phương tiện qua lại, cả tốp tiếp tục cáng đưa phạm nhân di chuyển gần 1km vượt qua những chướng ngại vật trên đường để tìm kiếm phương tiện hỗ trợ. Phát hiện chiếc xe bán tải cũng đang đi chở người nhà tránh bão, đồng chí Giám thị đã vẫy xe và yêu cầu chủ phương tiện khẩn trương chở người đi cấp cứu kịp thời; đồng thời bố trí ngay 1 tổ 5 đồng chí cùng theo xe mang theo rựa để chặt cây gãy đổ chắn đường, kịp thời cấp cứu tại bệnh viện.

Trong lá thư cảm ơn mà phạm nhân Tấn gửi đến Giám thị viết: “Qua những hành động đó, phạm nhân thấy mình phải cố gắng hơn nữa để sống xứng đáng hơn. Phạm nhân xin được ngàn lần cảm phục tấm lòng nhân ái của Giám thị, xin hứa sẽ trân trọng mạng sống của mình vì mạng sống này là tâm sức của bao nhiêu người dành cho. Phạm nhân nợ các cán bộ mạng sống của mình... Và phạm nhân xin hứa cải tạo tốt sớm về với cộng đồng để có cơ hội đền ơn đó...”.

Dùng nhân tâm thu phục, cảm hóa phạm nhân

Còn đối với phạm nhân Nguyễn Hoàng Anh vẫn không thể nào giấu được xúc động khi nói về người cán bộ quản giáo trẻ Trung úy Trần Bá Tước, người đã mang niềm tin, sự hướng thiện cho phạm nhân bằng chính nhân tâm của mình.

Từ khi về nhận công tác tại Trại giam Đồng Sơn, trực tiếp phụ trách một đội phạm nhân trọng điểm của trại, Trung úy Trần Bá Tước đã gặp phạm nhân Nguyễn Hoàng Anh (SN1984), quê ở Nam Định, phạm tội cố ý gây thương tích với mức án 12 năm tù. Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, trước đây chấp hành án tại Trại giam Ninh Khánh, đối tượng này thường xuyên vi phạm nội quy trại giam, chống đối quyết liệt.

Khi được chuyển đến Trại giam Đồng Sơn tiếp tục chấp hành án, phạm nhân Nguyễn Hoàng Anh vẫn có thái độ chống đối, không chịu lao động, cải tạo, móc nối, câu kết với các đối tượng khác để chống, phá, vi phạm nội quy trại giam. Khi về nhận quản lý đội phạm nhân, đồng chí Tước đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ về phạm nhân này và áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, cảm hóa, động viên; tuy nhiên phạm nhân này vẫn chưa chịu khuất phục.

Sau một thời gian nắm bắt diễn biến tâm lý, đồng chí Tước đã hiểu rõ mọi nguyên nhân tư tưởng của đối tượng. Trong một lần phạm nhân Anh bị ốm nặng điều trị tại bệnh xá của trại, không được người thân chăm sóc, sẻ chia lúc ốm đau, người cán bộ quản giáo Trần Bá Tước đã xuất hiện, lúc thì gói bánh, liếp sữa, lúc thì những lời tâm sự, động viên đã khiến cho phạm nhân Anh rưng rưng nước mắt. Cũng từ đó phạm nhân Anh đã có thái độ khác hẳn, luôn gương mẫu chấp hành các quy định, tích cực lao động, học tập, cải tạo tiến bộ, không còn tư tưởng chống đối và cũng chính phạm nhân này đã trực tiếp đi vận động, tuyên truyền cho những phạm nhân khác cùng phấn đấu cải tạo tiến bộ.

Từ một phạm nhân cải tạo kém, Anh đã là một phạm nhân được đánh giá là cải tạo tốt, luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm các nội quy trại giam và là một hạt nhân tốt của đội và toàn trại. Đến nay phạm nhân này đã được giảm án 2 lần.

Chia sẻ công tác quản giáo của mình, Trung úy Trần Bá Tước tâm sự “Để giáo dục một phạm nhân cải tạo kém trở thành một phạm nhân cải tạo tốt cũng như giáo dục một con người phạm tội trả về cho xã hội những công dân có ích là điều không hề dễ dàng. Mỗi phạm nhân vào đây đều có những hoàn cảnh, số phận khác nhau, nên tư tưởng cũng rất khác nhau. Biết nắm, biết khai thác điểm yếu ở họ, làm cho họ thông tư tưởng, yên tâm hơn bởi sự quan tâm của mọi người khi chính bản thân họ đã bị xã hội chối bỏ, cần được giáo dục trong môi trường trại giam.

Muốn làm được điều đó đòi hỏi cán bộ làm công tác quản giáo cần phải có lòng kiên trì, tùy từng hoàn cảnh mà có cách cảm hóa giáo dục phạm nhân phù hợp, đặc biệt là biết khai thác vào nội tâm của họ và dùng nhân tâm để thu phục, cảm hóa họ. Giáo dục phạm nhân trở thành một con người tốt, có ích vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của những cán bộ quản giáo chúng tôi và cũng chính là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bằng nhiều việc làm thiết thực khác, Trung úy Trần Bá Tước đã góp phần đánh thức nhiều mầm thiện, giúp họ yên tâm cải tạo và trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua chấp hành án, lao động cải tạo tốt, như trường hợp phạm nhân Hồ Biên, quê ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình; phạm nhân Lê Tuấn Vũ, ở Hòa Vang, Đà Nẵng phạm tội giết người...

Nhiều câu chuyện cảm động khác ở trong trại giam, với tấm lòng vị tha, bao dung của người cán bộ quản giáo đã góp phần đưa nhiều số phận trở về với ánh sáng hoàn lương.

Trần Tuấn