.

Người "truyền lửa" cho niềm tin hướng thiện

Thứ Bảy, 07/11/2015, 09:19 [GMT+7]
Ảnh 7 : Đại tá Hoàng Văn Bình (bên phải ảnh)
Đại tá Hoàng Văn Bình (bên phải ảnh).

(QBĐT) - Cũng như bao gia đình khác trong chiến tranh, bố đi bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam và năm 1968 hy sinh tại Mặt trận B4, tuổi thơ của Hoàng Văn Bình gắn liền với những nỗi đau, mất mát và thiếu thốn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vừa học hết cấp 2, Bình tiếp bước người cha viết đơn tình nguyện xin vào ngành Công an. Sau 6 tháng được đào tạo nghiệp vụ anh được bố trí về công tác tại Trại Z30A đóng tại Xuân Lộc, Đồng Nai. Do yêu cầu nhiệm vụ công tác, năm 1979 người thanh niên trẻ Hoàng Văn Bình được chuyển về công tác tại Trại cải tạo Đồng Sơn (tên gọi ban đầu của Trại giam Đồng Sơn), trực thuộc Công an tỉnh Quảng Bình.

Trong thời gian này, do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là do chiến tranh tàn phá cũng như các ngành khác, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân của có những nét đặc thù. Với chế độ giao khoán tự túc từ 3 đến 6 tháng trong năm, Trại cải tạo Đồng Sơn đã nỗ lực, tăng cường lao động, sản xuất để bảo đảm chế độ cho phạm nhân và cán bộ chiến sỹ trong thời điểm khó khăn chung của đất nước.

Thử thách đầu tiên đối với người quản giáo Hoàng Văn Bình là nhiệm vụ phụ trách đội phạm nhân với 4 lò sản xuất gạch cùng hơn 20 phạm nhân. Công việc khó khăn, tuy nhiên với cách làm hiệu quả, khoa học nên đội phạm nhân do Bình phụ trách luôn vượt mức khoán đơn vị đề ra.

Đại tá Bình nhớ lại “Dựa vào động lực làm đòn bẩy kinh tế, thực tế lúc đó với cách làm hiệu quả thì trong số 4 lò được Ban chỉ huy đơn vị giao cho tôi trực tiếp quản lý thì chỉ với 3 lò, đội chúng tôi đã hoàn thành mức khoán mà đơn vị giao, những sản phẩm lò còn lại chúng tôi lấy đó thưởng cho phạm nhân. Lúc này, cơ sở giam giữ phạm nhân chỉ là mấy căn nhà vách đất, hàng rào thép gai rất mỏng manh, nhưng tuyệt đối không có phạm nhân nào trốn và có tư tưởng chống đối". Người chiến sỹ trẻ Hoàng Văn Bình tiếp tục thử thách với những nhiệm vụ mới, như quản lý, giáo dục đội sản xuất rau xanh; rồi đội vận hành nhà máy thủy điện...

Ở tất cả các lĩnh vực được giao Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quản lý giáo dục phạm nhân có chuyển biến tốt, không để xảy ra phạm nhân trốn, chống phá và vi phạm nội quy. Năm 1988, Bình được Ban chỉ huy đơn vị tín nhiệm giao nhiệm vụ đội trưởng đội hậu cần và đến năm 1990, Hoàng Văn Bình được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình bổ nhiệm chức vụ Phó giám thị Trại giam Đồng Sơn. Dù ở cương vị công tác nào, Hoàng Văn Bình cũng nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực sự là tấm gương sáng trong công tác và sinh hoạt.

Đến nay, 25 năm đảm nhiệm chức vụ Phó giám thị, Đại tá Hoàng Văn Bình là người gắn bó hằng ngày với những đổi thay của trại, là người thầy của hàng ngàn lượt phạm nhân, điều mà ông nhận thấy rõ nhất là phạm nhân ngày càng phức tạp.

Vì vậy, đòi hỏi người cán bộ phải khéo léo kết hợp cả lý trí và tình cảm để cảm hóa, thuyết phục họ. Khi được hỏi về bí quyết cảm hóa, giáo dục phạm nhân, Đại tá Bình chia sẻ “Ở đời ai cũng có lòng trắc ẩn, phạm nhân dù phạm tội gì đi nữa thì họ cũng vẫn là những con người, có tâm hồn. Vì vậy, người quản giáo phải biết chọn lựa phương pháp phù hợp với từng đối tượng; đặc biệt là dùng cái tâm, cái đức của con người đối với con người, làm sao cho họ thấy được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước để thu phục, cảm hóa họ giúp họ hoàn lương, sớm trở về với xã hội.

Điều mà Đại tá Hoàng Văn Bình cảm thấy tự hào hơn là sự tần tảo, hy sinh của người bạn đời, chính là “hậu phương” vững chắc để ông yên tâm công tác, thủy chung với nghề quản giáo mà ông đã có hơn 40 năm gắn bó. Hiện nay, 4 người con trong gia đình đang công tác trong lực lượng Công an, là minh chứng rõ ràng nhất, rằng ông không chỉ cảm hóa, giáo dục thành công nhiều phạm nhân mà còn giáo dục và truyền lửa yêu ngành, yêu nghề sang những “tài sản” lớn nhất của cuộc đời mình.

Hoàng Thanh