.

Minh Hóa-Những góc nhìn - Bài cuối: Độc đáo những chợ phiên

Thứ Ba, 30/08/2016, 07:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Giờ đây, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân huyện Minh Hóa đã từng bước được nâng cao. Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển đồng bộ nhưng huyện vẫn giữ lại được nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhất là các phiên chợ quê.

>> Bài 2: "Nuôi rừng" và rừng "nuôi"

>> Bài 1: Chuyện của những con đường

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn - Đinh Thanh Dự cho biết, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, trên địa bàn huyện Minh Hóa chỉ có một chợ duy nhất đó là chợ Sạt. Tuy nhiên, chợ Sạt có từ bao giờ thì vẫn chưa có ai biết rõ, song có lẽ chợ đóng tại làng Sạt thuộc tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt bây giờ.

Rồi do chiến tranh phá hoại, chợ Sạt đã di dời đến nhiều nơi, chủ yếu là khu vực xã Yên Hóa và Xuân Hóa nhưng tên chợ vẫn được giữ nguyên đến năm 1990. Chợ Sạt ngày đó họp một tháng 3 phiên vào các ngày 10, ngày 20 và ngày 30 âm lịch hàng tháng. Vì thế mà người Nguồn ở huyện Minh Hóa có câu rằng: “Chợ Sạt một tháng ba phiên/ Không đi thì nhớ lời nguyền bạn quen”.

Ngày đó, đời sống của người dân huyện Minh Hóa còn rất khó khăn, lạc hậu. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp chợ phiên là người vẫn đến tập trung đông đúc. Thành phần đi chợ chủ yếu là người lớn tuổi và thanh niên chưa lập gia đình. Người lớn tuổi đến chợ nhằm mục đích để trò chuyện, mua một số vật dụng như: vải, muối, ruốc, các sản vật của địa phương và dưới xuôi đưa lên bán... Những gia đình khá giả hay trong nhà có cưới, kỵ thì mua thêm ít mắm trích.

Chợ Quy Đạt vẫn còn họp theo phiên như thường lệ.
Chợ Quy Đạt vẫn còn họp theo phiên như thường lệ.

Thời điểm này, mắm trích dường như là một thứ hàng xa xỉ đối với người dân vùng cao, chỉ nhưng gia đình có điều kiện mới mua được mắm trích về ăn, hoặc dùng để mời khách quý. Chợ phiên ngày xưa được những thanh niên chưa lập gia đình mong đến nhất.

Khi đến phiên chợ, họ không những được mua sắm mà còn được giao lưu với gái trai làng khác để tìm duyên. Nhiều người đến chợ thường chuẩn bị cho mình những câu hò, câu hát đối đáp để nói chuyện, trao tình. Cũng từ những phiên chợ đó mà nhiều người đã tìm được một nửa của mình.

Tương truyền rằng, có một đôi nam nữ đã lấy được nhau từ những câu hát. Chàng trai đi chợ có hỏi cô gái: “Em ti puôn xi, pán xi/ Mười phiên chợ Sạt khôông li phiên nồ” (Em đi buôn chi bán chi/ Mười phiên chợ Sạt không li phiên nào).

Cô gái đáp lời: “Em khôông mua xi, pán xi/ Có han thay bẹ eng mua thì pán” (Em không mua, chi bán chi/ Có hai thay bẹ anh mua thì bán). Với sự dí dỏm của cô gái, chàng trai thông minh đã nhận biết được mục đích của cô gái khi đi chợ để tìm tình duyên chứ không phải để buôn bán. Và họ đã đến với nhau rồi kết tóc xe duyên sống hạnh phúc trọn cuộc đời.

Ông Đinh Thiêm, 87 tuổi ở Quy Đạt kể lại: “Thời còn trai trẻ, đến chợ phiên là thanh niên làng tôi tụ tập để kéo nhau đi chợ. Khi đến nơi, tôi và những chàng trai trong làng tìm đến những cô gái làng khác để hát giao duyên. Sau một thời gian, tôi đã lấy được vợ làng khác đó”. 

Chợ Sạt ngày xưa một tháng chỉ có ba phiên, nhưng đến tháng 3 âm lịch thì có bốn phiên và họ gọi đó là chợ Rằm. Chợ Rằm thực sự là ngày hội của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn vùng cao Minh Hóa. Trong dịp này, dòng người từ khắp nơi đổ về tấp nập, kẻ bán người mua nhộn nhịp hơn nhiều so với chợ phiên. “Thà rằng đau ốm mà nằm/ Ai đành lại bỏ hội Rằm tháng Ba”. Đến chợ Rằm, cha mẹ cho trẻ con ít đồng bạc lẻ để mua những thứ đồ chơi hoặc ăn những món hàng mà chúng yêu thích. Còn thanh niên trai gái tiếp tục hẹn hò đi chợ, tham gia các trò chơi dân gian và hát giao duyên, đối đáp...

Đặc biệt, các cụ cao niên, chức sắc trong vùng sẽ tổ chức cúng và rước Pụt (Bụt) tại thác Pụt ở xã Yên Hóa. Trong dịp chợ Rằm hay các chợ phiên khác, người dưới xuôi và các tỉnh lân cận cũng đến đông đúc nhằm buôn bán, vui chơi. Chợ Sạt một tháng ba phiên được duy trì đến năm 1990 thì huyện Minh Hóa được tái lập. Lúc này, nhu cầu buôn bán, thông thương của người dân ngày càng được nâng cao nên chợ Sạt đã được đổi tên thành chợ Quy Đạt và họp tháng 6 phiên cho đến tận bây giờ.

Sau Cách mạng Tháng 8, trên địa bàn huyện Minh Hóa có thêm chợ Pấy hay còn gọi là chợ Chín. Bởi chợ thường họp vào các ngày mùng 9, 19, 29 âm lịch hàng tháng. Sau năm 1990, chợ chuyển sang họp một tháng 6 phiên, ngoài các ngày mùng 9, 19 và 29 thì chợ còn họp vào các ngày 4, 14 và 24.

Cũng trong giai đoạn sau cách mạng, trên địa bàn huyện Minh Hóa lập thêm chợ Tân Yên ở xã Hóa Tiến và chợ Y Leeng ở xã Dân Hóa. Khi mới thành lập, chợ Tân Yên cũng họp một tháng 3 phiên gồm các ngày mùng 2, 12 và 22, sau này họp thêm các ngày mùng 7, 17 và 27. Còn chợ Y Leeng họp chợ chính vào các ngày 8,18, 28 và họp chợ phụ vào các ngày 3, 13 và 23.

Sau khi hòa bình lập lại, trên địa bàn huyện Minh Hóa lập thêm chợ Hồng Hóa và chợ Hóa Hợp. Chợ Hồng Hóa cũng họp tháng 6 phiên vào ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28. Còn chợ Hóa Hợp họp vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Hầu hết, các chợ phiên ở Minh Hóa trước đây đều họp một tháng ba phiên.

Nhưng bây giờ, nhu cầu mua sắm của người dân càng lớn nên các phiên chợ chuyển qua họp 6 phiên. Dù trải qua quá trình lịch sử, chiến tranh nhưng các phiên chợ ở Minh Hóa vẫn giữ được những ngày họp chính thức.

Trong các phiên chợ, người bán kẻ mua vẫn tập trung đông đúc. Các mặt hàng được bán ở chợ giờ đã nhiều loại, nhưng nhiều mặt hàng nông sản, sản vật của địa phương vẫn đang được bày bán như: mật ong rừng, măng rừng, rau tớn, bắp chuối, các mặt hàng đan lát... Và những phiên chợ quê vẫn giữ được nét độc đáo, là ngày hội của những người dân vùng cao Minh Hóa mà không phải nơi nào cũng có được.

Xuân Vương