.

Khi đàn Voọc trắng quay về - Kỳ 1: Hai bảo vệ "đặc biệt"

Thứ Sáu, 08/07/2016, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Voọc gáy trắng, loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam.

Loài Voọc gáy trắng được công bố khoa học đầu tiên năm 1970. 25 năm sau mới phát hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 45 năm sau những người dân ở xã Thạch Hóa, Đồng Hóa (huyện Tuyện Hóa) nhìn thấy chúng trên những lèn đá cao sát ngay khu dân cư.

Phát hiện mới về đàn Voọc gáy trắng được người dân Thạch Hóa, Đồng Hóa xem là “điềm lành” cho vùng đất nơi họ sinh sống. Giới khoa học và các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình xem trọng vấn đề này có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn trong bối cảnh các quần thể Voọc gáy trắng ở những khu vực khác bị suy giảm nhanh về số lượng.

Mỗi sáng khi bình minh lên đàn linh trưởng lại xuất hiện trên những mỏm đá hay trên cành cao.
Mỗi sáng khi bình minh lên đàn linh trưởng lại xuất hiện trên những mỏm đá hay trên cành cao.

Từ ngày đàn Voọc gáy trắng xuất hiện tại địa bàn hai xã Đồng Hóa và Thạch Hóa, đồng thời cũng xuất hiện “những bảo vệ đặc biệt tự nguyện” ngày ngày canh lèn đá, canh giữ đàn Voọc, vì sự tồn vong, phát triển những bầy, đàn loài linh trưởng này. Xét về góc độ chuyên môn, hai bảo vệ tự nguyện này hoàn toàn đối lập nhau.

Bảo vệ “đặc biệt” thứ nhất là Nguyễn Thanh Tú, ở Thạch Hóa, nguyên sỹ quan Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, người từng được Báo Quảng Bình phản ánh bằng các việc làm thiết thực để bảo vệ đàn Voọc quý hiếm, như: thường xuyên báo cáo với cơ quan chức năng có phương án bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu và vận động người săn bắn trộm trở thành thành viên bảo vệ đàn Voọc trên địa bàn.

Ngày 16-12-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 2276/QĐ-TTg tặng bằng khen cho anh vì những đóng góp tích cực, phát hiện và bảo vệ đàn Voọc gáy trắng tại xã Thạch Hóa.

Bảo vệ tiếp theo, Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1968. Nguyễn Văn Hồng có lý lịch khá “đặc biệt”, đối lập bảo vệ thứ nhất. Hồng sống trên đất Đồng Hóa, năm 1988, nhập ngũ làm lính phòng không - không quân tại Hòn Gai. Năm 1991 ra quân, trở về địa phương và từ đó nổi danh là một thợ săn khét tiếng trong vùng, tay anh chị “có số má” nên khi nhắc đến tên anh, đám thợ săn tay ngang trong ngoài vùng đều nghiêng mình nể phục.

Qua Nguyễn Thanh Tú, chúng tôi tiếp cận Nguyễn Văn Hồng, từ đó thành người quen của anh. Trong những chuyến tuần tra ở những vùng lèn cao vời vợi: Giàn Vượn, Cửa Hung, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Sú, Miếu Tam Quan, Hang Ngá, lèn Cây Gạo, Trung đoàn 18... nơi những đàn Voọc gáy trắng thường xuất hiện, chuyện cuộc đời của thợ săn mang tên Hồng được anh tái hiện lại khá rõ nét: “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tôi xuất ngũ về quê, lấy vợ, sinh con, cuộc sống nghèo lắm. Đồng Hóa đất chật, người đông, ruộng vườn chắp vá, nhìn quanh chỉ thấy toàn đá lèn cao vợi. Nhà ở dưới chân lèn, ngày ngày nhìn lên đỉnh rồi thấy những chấm đen nhỏ to khác nhau di chuyển dọc các đọt cây.

Tôi đoán trước là khỉ, sau là vượn đen. Kiến thức eo hẹp, tôi không hề hay biết đó là động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt như bây giờ. Vì đồng tiền, vì mưu sinh... tôi thành thợ săn thú rừng lúc nào chẳng biết. Càng săn, càng say. Bầy vượn xuất hiện đâu xa ngái, ở các lèn đá quanh đây, tôi đều tìm đến săn cho bằng được. Có ngày tôi bẫy được 5 đến 6 con, bán cho thương lái 1kg giá 70- 80 nghìn đồng. Tôi trở thành người săn thú nổi tiếng khắp trong vùng, mối lái có nhu cầu chỉ cần liên hệ với Hồng thợ săn y như rằng sẽ được đáp ứng ngay sau đó”.

Nguyễn Văn Hồng chắc chắn tiếp tục dấn sâu vào con đường tận diệt loài Voọc gáy trắng nếu như không xảy ra câu chuyện ám ảnh cuộc đời anh. Hồng kể rằng: “Vào một ngày như mọi ngày đi đặt bẫy, một đàn Voọc khoảng 15 đến 20 con di chuyển vào tầm ngắm của tôi. Từ xa tôi thấy con Voọc cái đầu đàn dính bẫy, bên cạnh còn thêm một con khác. Chẳng lẽ một bẫy mà dính liền 2 con. Tiến đến gần, một cảnh tượng lạ trước mắt: Con Voọc cái đầu đàn chết, con Voọc đực đầu đàn cứ ôm khư khư con cái không rời, rầu rỉ đến nỗi không biết có người đang tiến lại gần...

Sau lần đó trở về, đêm không ngủ, tôi tâm sự hết với vợ là Đoàn Thị Hợi, vợ tôi bèn khuyên nên từ giã nghề săn thú bất nhân. Nhiều đêm, cảnh tượng con Voọc chồng ôm xác Voọc vợ cứ hiện về trong giấc ngủ. Loài vật sống có tình có nghĩa như vậy, sao con người nỡ “chia đàn, xẻ nghé” chúng. Từ đó, tôi không còn đam mê đến nghề săn. Dù không hề muốn, nhưng lúc gia cảnh túng thiếu, có người đặt mua, tôi lại vào rừng đặt bẫy kiếm vài con trang trải qua ngày”.

Tiếng tăm về Nguyễn Văn Hồng đến tai Nguyễn Thanh Tú, một sáng đẹp trời năm 2013, anh trong vai người đi mua thịt thú rừng tìm đến nhà Hồng. Sau này anh Tú kể lại: “Gặp nhau, vờ đặt hàng, Hồng nhận lời.

Chúng tôi ngồi tỉ tê với nhau lâu lắm, chuyện thú rừng, chuyện đàn Voọc, chuyện gia cảnh từng người... Cuối cùng tôi cũng nói hết với Hồng rằng mình chính là người đang đảm nhận “việc không công” bảo vệ đàn Voọc ở xã Thạch Hóa. Rồi khuyên Hồng nên đoạn tuyệt nghề săn, tham gia vào tổ bảo vệ rừng cùng tôi giám sát, bảo vệ đàn Voọc gáy trắng... Rất mừng là Hồng đã nghe ra và đồng ý”.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thăm, trao quà động viên bảo vệ “đặc biệt” Nguyễn Văn Hồng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thăm, trao quà động viên bảo vệ “đặc biệt” Nguyễn Văn Hồng.

Nguyễn Văn Hồng tâm sự rất thực rằng: “Chẳng biết anh Tú “tiêm” cho tôi thứ gì mà tôi nghe theo lời anh răm rắp, quyết tâm bảo vệ đàn Voọc. Tôi trở thành người bảo vệ rồi thì đồ rằng sẽ không có tay thợ săn nào trong vùng qua mặt được. Hễ thấy một chiếc lá xao xác, một vạt rừng xáo trộn, tôi biết ngay có bẫy hay không và biết là người ta đang bẫy loài gì. Có lần, lâm tặc, săn tặc vào nhà đánh tiếng dọa vợ tôi đòi đốt nhà nếu đi báo chính quyền. Tôi và vợ vẫn trước sau như một, quyết không để lọt "tội phạm", không lùi nửa bước!”

Vậy là từ năm 2013, người thợ săn một thời khét tiếng Nguyễn Văn Hồng theo chân anh Tú, tự nguyện canh lèn, canh đàn Voọc gáy trắng, canh sự bình yên cho khu bảo tồn đang dần định hình rộng đến 175 ha trải dài từ xã Thạch Hóa lên Đồng Hóa.

Năm 2015, vào thời điểm hạn hạn khốc liệt, lo ngại đàn Voọc khô khát, hai bảo vệ “đặc biệt” này ngày ngày xách từng 5 lít nước leo lên các lèn đá, đổ vào các hốc lèn, duy trì nước uống cho đàn Voọc. Những hành động “khác người” của Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Văn Hồng dần dần người dân trong vùng hiểu ra, họ yêu hơn những nghĩa cử cao đẹp của hai anh và không biết từ lúc nào đã hình thành nên cộng đồng dân cư trên địa bàn 2 xã  Thạch Hóa, Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) cùng chung tay bảo vệ đàn Voọc quý.

Hương Trà

Kỳ 2: Khởi động dự án bảo tồn đàn Voọc gáy trắng