.

Tình người trên biển

Thứ Sáu, 15/07/2016, 14:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Dọc những ngôi làng ven biển, không khó để được nghe bà con kể những câu chuyện về sự giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân nơi đây. Giữa mênh mông biển cả, ngư dân đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau mỗi lúc gặp sóng to gió lớn, hoạn nạn, khó khăn. Họ đã dám vật lộn với thủy thần để viết nên những câu chuyện xúc động về tình người trên biển.

Lãnh đạo huyện Bố Trạch trao giấy khen cho anh Lê Văn Thuận (thứ 2 từ phải sang) và anh Nguyễn Văn Viện (thứ 2 từ trái sang) vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Lãnh đạo huyện Bố Trạch trao giấy khen cho anh Lê Văn Thuận (thứ 2 từ phải sang) và anh Nguyễn Văn Viện (thứ 2 từ trái sang) vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chúng tôi tìm gặp ngư dân Lê Văn Thuận (thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) khi nghe tin anh được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích cứu hộ ngư dân, tàu cá trên biển.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Sớm mồ côi cha, ngay từ khi còn nhỏ anh Lê Văn Thuận đã gắn bó với những công việc ở làng biển. Cũng vì lẽ đó, hơn ai hết, anh hiểu được những thăng trầm của nghề đi biển; những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy rình rập mà ngư dân phải đối mặt giữa mênh mông sóng nước ngoài khơi xa.

Năm 2010, khi chiếc tàu số hiệu QB92081TS của gia đình anh vừa cập bến không lâu thì nhận được điện kêu cứu của một tàu cá ở Tân Mỹ (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn). Ngay lập tức, anh và các thuyền viên trên tàu quyết định cứu hộ con tàu đang gặp nạn.

Tuy nhiên, với sức gió giật cấp 7, cấp 8 vào lúc ấy, cửa Gianh lại quá cạn, việc điều khiển tàu trở ra cứu nạn trở nên vô cùng khó khăn. Bằng kinh nghiệm mấy chục năm đi biển, anh nhanh chóng xác định chính xác tọa độ, vị trí tàu gặp nạn và báo ngay cho Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình để nhờ giúp đỡ. May mắn thay, lần đó anh Thuận và các chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kịp thời cứu sống 4 ngư dân trên tàu gặp nạn, mang họ trở về đất liền an toàn.

Và gần đây nhất là rạng sáng ngày 13 tháng 5 năm 2016, hàng trăm thuyền máy và bơ nan của ngư dân các xã Hải Trạch, Nhân Trạch và Đức Trạch (huyện Bố Trạch) đi biển đánh bắt thì bất ngờ gặp mưa rào, giông lốc. Biển động mạnh, sóng to khiến hàng chục thuyền bị mắc kẹt, không thể cập bờ. Ngay lập tức, lãnh đạo tỉnh và chính quyền huyện Bố Trạch đã kịp thời có mặt để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhiều tàu cá của ngư dân địa phương nhanh chóng được huy động.

Nhận được tin báo, anh Lê Văn Thuận cùng anh Nguyễn Văn Viện (thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch), chủ tàu cá QB92002TS lập tức lên đường ứng cứu các tàu cá gặp nạn. “Lúc đó sóng to, người tôi run bắn lên vì ngấm nước biển lạnh nhưng vẫn cố gắng giữ vững tay lái, mở to mắt nhìn quanh mặt biển để tìm kiếm các thuyền gặp nạn. Vật lộn giữa sóng to gió lớn, đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ Hải đội 2, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Bố Trạch lần lượt được lai dắt vào bờ an toàn”, anh Nguyễn Văn Viện chia sẻ, cảm giác hồi hộp vẫn còn nguyên.

“Có 12 chiếc bơ nan bị chìm nhưng điều may mắn nhất đó chính là không có thương vong về người. Riêng anh Thuận và anh Viện đã kịp thời cứu được 3 ngư dân, cùng nhiều phương tiện và ngư lưới cụ khác. Lúc đưa được ngư dân lên bờ an toàn cũng là lúc anh em chúng tôi nhìn thấy anh Thuận, anh Viện sắp lả đi vì kiệt sức. Thế nhưng ánh mắt họ không thể giấu nổi sự vui mừng.

Ngay lập tức, lãnh đạo huyện quyết định “thưởng nóng” 1 triệu đồng/người và sau đó tiếp tục hỗ trợ thêm 3 triệu đồng tiền dầu/tàu cho Thuận, anh Viện. Đây là sự động viên kịp thời nhằm biểu dương những cố gắng, nỗ lực của anh Thuận, anh Viện trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời qua đó mong muốn bà con ngư dân sẽ phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn khó khăn...”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết thêm.

Tàu cá của ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tàu cá của ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đi qua những ngày “giông bão”, giờ đây khi trời yên biển lặng, những ngư dân như anh Thuận, anh Viện lại vững tay lái trên những chuyến tàu khơi xa. Bây giờ đang vào vụ cá nam, chiếc tàu cá số hiệu QB92081TS công suất 300CV của anh Thuận lại tiếp tục vươn khơi tại ngư trường phía nam vịnh Bắc bộ. Với 12 thuyền viên, mỗi chuyến đi biển tàu cá gia đình anh Thuận thu về trên 200 triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Văn Viện với chiếc tàu cá số hiệu QB92002TS công suất 320CV của gia đình lại tiếp tục vươn khơi tại vùng đảo Bạch Long Vĩ với các loại hải sản như mực, cá mú... có giá xuất khẩu từ 200 đến 350 ngàn đồng/kg; thu về 150 triệu đồng/chuyến. Với anh Thuận và anh Viện, bên cạnh việc cố gắng làm việc đạt năng suất cao thì tình người, sự sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau nơi biển cả mênh mông là điều rất đáng trân trọng và cần thiết.

“Trong những chuyến vươn khơi bám biển, không có sự giúp đỡ, hỗ trợ nào có thể nhanh hơn, gần hơn so với việc các tàu đang hành nghề trên biển giúp nhau. Chúng tôi tập hợp nhau lại trong các tổ cứu hộ, cứu nạn, tổ đoàn kết trên biển; sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng gói mì tôm hay can nước ngọt, quần áo, chăn màn...  Chỉ cần nghe thông tin tàu nào gặp sự cố cần giúp đỡ, là ngay lập tức tàu gần nhất sẽ đến cứu giúp.

Trong trường hợp bị hỏng máy, tàu gần nhất không có dụng cụ để thay thế thì liên lạc cho các tàu khác trong tổ, đội mang đến. Trường hợp nặng hơn, tàu cá phải lai dắt tàu bị nạn cập bến thì các tàu trong tổ, đội sẽ cùng nhau tìm cách bù đắp những phí tổn cho bạn tàu.

Chính việc phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau đã khuyến khích, động viên ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển, mang lại những phiên biển “no” và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Thuận và anh Viện cùng chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm vui trước mùa biển đang gọi...

Thanh Hải