.

Hến sông quê

Thứ Tư, 15/06/2016, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Bình minh trên sông. Những khuôn mặt đen sạm khắc khổ nhìn những người khách lạ như chúng tôi rồi nở nụ cười thật tươi trong cái nắng hè gay gắt, tỏ ý mời mọc: “Cứ lên thuyền, đi một buổi với chúng tôi, cuộc sống trên sông cũng lắm điều thú vị”. Vậy là đi, đi để hiểu để có được những con hến ngọt mát, thơm lành, đời người cào hến cũng mặn mòi mồ hôi tủi cực. Đi để thấy đời sông, đời người và đời hến cũng ngược xuôi và lênh đênh chìm nổi nhưng lại quấn quyện chẳng rời.

5 giờ 30 phút. Mặt trời vừa ló dạng phía đằng đông. Bến sông đoạn qua đập Mỹ Trung (Gia Ninh, Quảng Ninh) chưa tỏ mặt người đã bắt đầu rổn rảng tiếng người cười nói. Trong bức tranh yên bình buổi bình minh trên bến sông ấy có những khuôn mặt sạm đen, khổ cực, có những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ và có cả những nụ cười rạng rỡ đủ sức xua đi những nhọc mệt của cuộc mưu sinh.

Trên những con thuyền nằm tựa lưng vào bờ là những dáng người lom khom sửa soạn, sẵn sàng cho một chuyến xuôi ngược trên sông. Trong số họ, có người bắt đầu chuyến đi với nghề cào hến, cũng không ít người vừa trải qua một đêm thức ngủ cùng con nước để buông lưới, thả rập.

Hợp sức kéo chiếc lưới đầy ắp hến.
Hợp sức kéo chiếc lưới đầy ắp hến.

Ông lão tên Võ Văn Trung (Phú Lộc, Gia Ninh) đưa vội ít đồ ăn sáng cho ba đứa con trai đang ở trên thuyền rồi nhìn chúng tôi cười hiền: “Lao động chính của nhà tui đó. Thằng nhỏ nhất cũng vừa tròn 19. Phải ăn uống đủ đầy chớ làm nghề cào hến là cực khổ lắm, không lo ăn uống thì rồi cũng rạc người”.

6 giờ sáng. Gió qua sông lồng lộng thổi. Ánh nắng đã vội vã chói chang, tràn qua  những khuôn mặt người. Những chiếc thuyền bắt đầu rẽ nước vươn ra phía mênh mang sóng. Tiếng máy nổ lạch bạch làm rổn rảng cả một khúc sông rộng. Chúng tôi được ba cậu con trai của ông Trung nhường cho một vị trí rộng rãi và sạch sẽ nhất trên chiếc thuyền máy bằng gỗ khá hẹp.

Cậu anh cả tên Võ Văn Thu (27 tuổi) cười hiền: “Chị cứ yên vị chỗ đó, chỉ một chốc nữa thôi, cả khoang thuyền ni sẽ đầy ắp hến”. Thuyền ngược dòng Kiến Giang, lướt nhẹ trên sóng nước, bắt đầu một ngày mới mưu sinh của những người làm nghề cào hến trên sông.

Chừng 15 phút trôi qua, đến ngay giữa khúc sông giáp ranh giữa địa phận xã Gia Ninh (Quảng Ninh) với Hồng Thủy (Lệ Thủy), Thu ra hiệu cho cậu em út là Võ Văn Thủy cho thuyền đi chậm lại, cậu em thứ hai – Võ Văn Trường - thoăn thoắt lôi bộ lưới cào hến ra khỏi khoang thuyền rồi thả ùm xuống nước, sợi dây thừng căng ra khi lưới chạm đáy. Dụng cụ cào hến là một bộ lưới dài tầm 5 mét, phía đầu được nối với móc sắt và một dây thừng to, dài, khá chắc chắn. Một phía được buộc chặt vào cọc gỗ tầm 7 – 8 mét.

Trường căng mình trên chiếc cọc dài, ấn mạnh nó xuống lòng sông. Đôi lúc, cả thân hình cậu vắt vẻo ngang qua mặt sông. Thấy chúng tôi nhìn Trường với ánh mắt ngạc nhiên lẫn nể phục, Thu phân trần: “Người cào hến phải có sức khoẻ để sục mạnh chiếc vợt xuống sâu dưới lớp bùn, nơi loài hến sinh sống. Nếu mình không làm thế, vợt chỉ khơi khơi phía trên thì chỉ vớt được mỗi rong rêu thôi chị”. Cậu em út bắt đầu cho thuyền đi lướt vòng vòng trên khúc sông rộng.

Độ chừng mươi phút, chiếc dây thừng trên thuyền căng mạnh, có lẽ lưới đã căng đầy nên Thu ra hiệu cho thuyền dừng lại. Ba anh em tụm lại hợp sức bắt đầu kéo lưới lên. Họ rướn hết sức kéo chiếc vợt nặng trịch lên mặt nước. Ba đôi bàn tay thoăn thoắt kéo sợi dây thừng, giữa dòng nước lờ đờ đục, bỗng quặn lên màu bùn đất, chiếc lưới to căng tròn như một ống xả cỡ lớn vắt ngang trên sông rồi từ từ được kéo lên thuyền. Những con hến bé xíu được đổ ra khoang, chiếc vỏ cứng lóng lánh dưới nắng mặt trời.

Thấy khúc sông này nhiều hến, “thuyền trưởng” Thu quyết định cho thuyền “cắm chốt” nơi đây. Thu bảo: “Hôm nay gặp may nên làm gần nhà, mọi hôm có khi phải lên đến phá Hạc Hải, rồi tiến thẳng lên trung tâm huyện Lệ Thủy. Làm xong đi thẳng vào bán ở chợ Tréo luôn chị ạ, về đến nhà có khi phải 4, 5 giờ chiều”. Nắng bắt đầu gay gắt, rồi dát vàng, dát bạc trên mặt sông, đổ tràn trên những khuôn mặt đã bắt đầu phảng phất nét nhọc mệt.

Những mảnh lưng với chiếc áo bạc thếch vục đầu tránh gió và nắng khi mỗi lúc, nắng càng chênh chao theo bóng người đổ nghiêng trên sóng nước. 7 giờ sáng, tầm 5, 6 chiếc thuyền cào hến khác cũng bắt đầu tập trung về khúc sông này. Những con thuyền nối đuôi nhau chạy vòng tròn trên sông, rộn rã với tiếng máy thi nhau nổ lạch bạch và tiếng gió ào ạt thổi trên mặt sóng. Thu bảo rằng đó là bạn cào hến của anh em họ đã nhiều năm nay và đều là người cùng làng, cùng xã cả.

Những con thuyền này đều na ná như nhau và mỗi thuyền có ít nhất hai người cùng làm bởi nghề làm hến vất vả, làm một mình chẳng thể nào kham nổi. Cực nhất vẫn là những người phụ nữ, quanh năm “trên nắng, dưới nước” và cũng phải gồng lưng kéo, rê nhọc mệt như ai. Trong số họ, có người đã neo đời mình với khúc sông này, với cái nghề sông nước ấy cũng ngót nghét vài chục năm. Cuộc sống khốn khó hay đủ đầy cũng phụ nhờ cả vào nơi chốn mênh mang ấy.

Trong câu chuyện giữa rổn rảng sóng nước và lẫn hòa trong tiếng máy nổ lạch bạch, anh em Thu bảo rằng họ chẳng nhớ nghề này có tự bao giờ, chỉ biết ba anh em họ lớn lên đã ngập ngụa trong chính mùi tanh nồng và vị ngọt mát của hến sông quê. Những con đường từ nhà ra bến sông cũng rải đầy vỏ hến lớn, nhỏ.

Từ thuở ba mẹ họ làm nghề cào hến bằng thủ công, quanh năm đầm mình dưới nước, thì giờ, nghề cào hến đã được làm bằng máy, dẫu còn lắm cơ cực nhưng vẫn thấy nhàn nhã hơn thế hệ ông, cha mình nhiều lần. Thanh niên mạnh khỏe là thế nhưng phía trong đôi găng tay dày cộm, đôi tay Thu rắn rỏi, gân guốc nhưng đầy vết trầy trụa và những đám mẩn ngứa chẳng bao giờ kịp lành vì ngày nào cũng dầm nước bẩn.

Suốt một ngày lênh đênh trên sông, tối về cứ cảm giác như mùi tanh nồng vẫn còn vương vất mãi nên Thu bảo, đến giờ, 27 tuổi vẫn chưa dám ngỏ lời cùng ai. “Đàn ông còn cực khổ rứa, huống hồ là đàn bà”, tiếng người phụ nữ thuyền bên cạnh vang giòn, xen vào giữa mênh mang sông nước, tựa như tiếng thở dài thườn thượt của dòng sông trong một buổi sáng hè chát chúa nắng.

Thành quả một lần kéo lưới lên là một rổ đầy ắp hến.
Thành quả một lần kéo lưới lên là một rổ đầy ắp hến.

Hến hạ nguồn sông Kiến Giang có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, khi con sông cạn nước, con hến qua một mùa mưa sinh sôi nảy nở. Con hến căng, to, thịt cũng ngon và dai hơn. Bữa nào ít thì vừa đủ bán cho các mối quanh vùng, bữa nào “trúng đậm” thì có xe từ Huế, Quảng Trị ra thu mua tận nơi. Hến Kiến Giang nhờ thế tỏa lan ra các hướng, làm ấm lòng nhiều thực khách mê mẩn vị ngọt ngon mà dân dã của ẩm thực quê hương.

Trọn một buổi sáng lênh đênh trên sông, khoang thuyền đã bắt đầu đầy ắp hến, với đủ kích cỡ, đôi ba con tôm, cá thi nhau nhảy tanh tách. Anh em Thu cười giòn tan dưới cái nắng hanh hao của đất trời. Có lẽ đúng khi bảo rằng hạnh phúc của họ tựa nhờ cả vào sông!

Cũng như gia đình Thu, nhiều thế hệ người làng Phú Lộc ở Gia Ninh bám sông và dựa vào hến để mưu sinh. Khổ cực là thế nhưng nghề chẳng bao giờ phụ người và người vẫn sống đủ đầy nếu gắn bó cùng nghề. Sản vật ngọt mát của dòng sông quê cũng không phụ công người chung thủy.

Như lời bà Trần Thị Luyện (Phú Lộc, Gia Ninh) khi dẫn chúng tôi xuống bến sông này: “nhà cao cửa rộng của những người làm nghề ở xóm này đều nhờ vào hến cả. Chắt bóp một chút, cần mẫn và chịu cực một chút thì cái chi cũng đều có cả thôi. Tháng cao điểm thì được tầm 25 triệu, còn trung bình cũng 10 triệu/tháng”.

Trời về trưa, những con thuyền đầy ắp sản vật sông quê bắt đầu cập bến. Trước khi được đưa lên bờ, từng thúng hến lần lượt được lọc sạch, phân loại kỹ. Những đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt dẫu đã quá nhiều nhọc mệt. Trong đôi mắt họ, đang ánh lên một bình minh! Là bình minh của hạnh phúc và niềm hy vọng!

Diệu Hương