.

Chuyện "đặc biệt" ở thôn 050

Thứ Sáu, 27/05/2016, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngoài tên gọi hành chính là thôn 050 (thuộc xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch), địa phương này còn có rất nhiều tên gọi không chính thức khác như: "làng cầu đường", "làng hưu trí", "làng của cụ già và trẻ nhỏ"... Dù với tên gọi nào đi nữa thì điều "đặc biệt" ở thôn 050, đó là mỗi tên gọi đều gắn chặt với những sự kiện lịch sử, thực tế của thôn.

Thôn của những người thợ ngành GTVT

Lần theo những trang tư liệu lịch sử của ngành Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, trên mặt trận GTVT, tuyến lửa Quảng Bình chính là nơi hội tụ đông đảo các tập thể, cá nhân anh hùng như: Công trường 050 (Ty GTVT Quảng Bình), Đội cầu 10 (Bộ GTVT), Đại đội TNXP 735, Tiểu đoàn 2 Công binh (Bộ Quốc phòng), Đại đội pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân (Bộ Quốc phòng - làm nhiệm vụ bảo vệ đường 12A); Võ Xuân Nở công nhân giao thông, Võ Xuân Khuể công nhân lái ca nô phà Gianh, Võ Văn Chước lái xe hàng, Nguyễn Thị Kim Huế TNXP, Đinh Thị Thu Hiệp TNXP, Nguyễn Thị Nậy TXNP, Trần Đức Hè TNXP, Nguyễn Thị Suốt lái đò ngang sông Nhật Lệ...Thôn 050 chính là tên gọi được lấy từ tên một đơn vị của Ty GTVT Quảng Bình.

Bí thư chi bộ thôn 050 Phan Viết Anh tự hào cho biết: Sở dĩ mọi người vẫn thường gọi thôn 050 là làng công nhân cầu đường, bởi hầu hết các gia đình ở đây đều có người từng công tác ở ngành GTVT. Trong những năm đầu cả nước chống đế quốc Mỹ, những người dân ở thôn chính là những người thợ làm đường, làm cầu, công tác ở nhiều đơn vị khác nhau.

Những người già ở thôn 050 thường đến thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, hoạn nạn.
Những người già ở thôn 050 thường đến thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, hoạn nạn.

Trước khi về công tác, định cư tại Công trường 050, rất nhiều người ở địa phương đều đã từng tham gia xây dựng không ít cây cầu, tuyến đường quan trọng, huyết mạch như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh (cả nhánh đông lẫn nhánh tây), đường 20 Quyết Thắng, đường 12A, đường 10, đường Ba Trại, Bưởi Rỏi...

Biết bao những tên đất, tên làng, tên đường đến nay còn vang mãi những chiến công oanh liệt, thành tích đó có một chút ít công sức, xương máu đóng góp của dân làng. Tất cả đều cùng một ý chí, quyết tâm sắt đá: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Đường chỉ tắc giờ không để tắc ngày”...

Rồi Bí thư Phan Viết Anh kể tiếp, khoảng năm 1967-1968, Công trường 050 trực thuộc Ty GTVT Quảng Bình được thành lập trên cơ sở "ưu tiên" tiếp nhận những người làm công tác cầu, đường có hoàn cảnh đặc biệt như: phụ nữ mang bầu, nuôi con nhỏ; công nhân đã lập gia đình và có con nhỏ; người đang bị thương... Địa điểm đóng chân lúc đầu của đơn vị là dọc theo tuyến Quốc lộ 1 (sát chân đèo Lý Hoà), sau đó chuyển tới khu vực này (thôn 050). Đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, đơn vị còn tiếp nhận thêm một số công nhân cầu, đường từ một số đơn vị của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng...

Nói chung, Công trường 050 chính là nơi hội tụ của nhiều công nhân có gốc gác ở nhiều làng quê khác nhau khắp cả nước như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Sau năm 1975, các công nhân của Công trường 050 vẫn tiếp tục bám trụ cùng đơn vị tiến hành xây dựng, tu sửa lại nhiêu tuyến cầu, đường bị giặc Mỹ băm nát, phục vụ cho hoạt động GTVT của đất nước. Giai đoạn 1987 đến 1988, nhiều công nhân của đơn vị chúng tôi đến độ tuổi hưu trí, một số người có điều kiện kinh tế thì quay trở lại quê hương, số không có điều kiện thì bám trụ lại mảnh đất này cho đến tận hôm nay.

Các tên gọi "làng công nhân", "làng cầu đường", "làng hưu trí"... cũng xuất phát từ đó mà ra cả. Nói chính xác thì đây chính là làng của những người thợ ngành GTVT...

Thôn của những cụ già và trẻ nhỏ

Là một thôn của xã thuần nông Phú Trạch, nhưng thôn 050 không hề có đất ruộng để trồng lúa hoặc đất lâm nghiệp để trồng rừng. Bình quân mỗi hộ dân nơi đây chỉ có khoảng 600 m2 (bao gồm đất ở và đất vườn), nghề phụ hầu như không có.

Cụ bà Trần Thị Tân, 80 tuổi và nhiều người lớn tuổi khác ở làng này tâm sự với chúng tôi, kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, học hành không đến nơi đến chốn..., nên hầu hết thế hệ con cái của thôn lớn lên đều phải đi làm ăn xa. Một số ít thanh niên gặp "may mắn" thì xây dựng gia đình, làm nhà ở, lập thân lập nghiệp tại nơi ở mới. Những trường hợp kém may mắn hơn thì thuê trọ nơi đất khách quê người, mỗi năm chỉ về thăm nhà được vài lần.

 Một góc thôn 050.
Một góc thôn 050.

Có những trường hợp kinh tế khó khăn, phải đến vài ba năm mới về thăm ba mẹ đẻ được một lần. Đã thế, không ít thanh niên trong thôn đi làm ăn xa, lập gia đình và sinh con, sau đó gửi lại cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng vì hoàn cảnh khó khăn. Diện tích đất làng nhỏ hẹp, ngay cả quỹ đất để xây dựng nhà văn hoá thôn cũng chẳng có chứ chưa nói đến kinh phí để xây dựng...   

Bí thư Phan Viết Anh cho biết: Thôn 050 hiện có 30 hộ, với 131 nhân khẩu. Trong số này có tới 60% là người cao tuổi, 35% ở độ tuổi đi học, số còn lại là trong độ tuổi lao động và đối tượng bị mắc bệnh tật. Thôn 050 bây giờ hầu hết chỉ có các người già và trẻ em. Điều đặc biệt nữa ở thôn, đó là dù có chi bộ Đảng, các chi hội (như: Cựu chiến binh, Người cao tuổi, phụ nữ, nông dân...) hoạt động rất tích cực, hiệu quả, nhưng không hề có Chi đoàn thanh niên. Mọi công việc ở thôn hầu hết đều do các "cụ" đảm nhận cả.

Ấy thế mà tất cả mọi công việc đều được thực hiện rất tươm tất. Bất cứ một công việc nào cũng đều đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng dân chủ và đi đến thống nhất cao. Đơn cử như trong xây dựng nông thôn mới, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhân dân thôn 050 vẫn thống nhất đóng góp mỗi hộ trên 1 triệu đồng.

Ngoài ra các hộ còn đóng góp công sức, hiến đất để tiên phong kiên cố hoá toàn bộ các trục đường giao thông nội thôn; đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng cho các tuyến đường, với chiều dài 300 mét.

Đặc biệt, xét thấy đa số các hộ dân ở đây đều có gốc gác ở nhiều miền quê khác nhau, các hộ đã họp lại và quyết định đóng góp xây dựng một nghĩa địa của làng với kinh phí 50 triệu đồng để có nơi chôn cất. Tình làng nghĩa xóm ở thôn luôn được thắt chặt theo tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều"; an ninh trật tự được giữ vững; chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Chia tay thôn 050 trong chiều muộn, Bí thư Anh tiết lộ với chúng tôi một thông tin, mới rồi địa phương đã làm thủ tục trình cấp trên xin sáp nhập vào thôn Quý Thuận ở cùng xã. Nếu được cấp trên chấp thuận, cái tên thôn 050 sẽ bị "xoá sổ", nhưng những dấu ấn của làng sẽ còn mãi với thời gian...

Văn Minh