.

Trên biển quê hương

Thứ Sáu, 08/04/2016, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Lần đầu tiên nơi làng biển nghèo Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) có người "cả gan" đầu tư tiền tỷ đóng tàu công suất lớn vươn ra ngư trường Hoàng Sa, vừa làm giàu vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Một thời chông chênh

Trong ngôi nhà khá khang trang tại thôn Xuân Hải, ngư dân Mai Văn Tuấn, ông chủ con tàu vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, cởi mở tiếp chúng tôi sau chuyến ra khơi dài ngày. Chúng tôi cứ nghĩ rằng ngư dân "gan to" này phải cứng tuổi, có phần bặm trợn, khi gặp mới ngỡ ra, Mai Văn Tuấn trẻ trung so với độ tuổi, sinh năm 1973.

Vợ chồng anh Tuấn những ngày ít ỏi bên nhau.
Vợ chồng anh Tuấn những ngày ít ỏi bên nhau.

Nhìn cơ ngơi của anh Mai Văn Tuấn như hiện nay, không ai nghĩ rằng trước đây anh có cuộc sống chông chênh “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” như nghiệp biển bãi ngang quê hương mình. Tháng 3-1991, anh nhập ngũ, trở thành lính đảo Trường Sa. Mai Văn Tuấn làm quản lý hậu cần trên các tàu vận tải chuyên đưa lương thực, thực phẩm ra các đảo nổi, đảo chìm Trường Sa. Chính những ngày bám tàu, bám biển, đi hơn 20 đảo lớn nhỏ Trường Sa giúp Tuấn càng yêu thêm biển.

Năm 1993, Mai Văn Tuấn ra quân về quê lấy vợ. Hai vợ chồng hoàn tay trắng. Những năm tháng đó, miền cát Hải Ninh hầu như tách biệt với bên ngoài, cái nghèo hiện hữu khắp cùng thôn, xóm. Không nghề nghiệp, Tuấn vào Nam làm thuê trên những chuyến tàu đánh bắt ở các ngư trường lớn: Hoàng Sa, Trường Sa,... vừa làm thuê, vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm đi biển cho tương lai.

Khoảng 10 năm kế tiếp, Mai Văn Tuấn vẫn chưa thoát khỏi cảnh làm thuê. Lần này gần nhà hơn, Tuấn làm bạn trên những con tàu công suất lớn ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Từ đây, vợ chồng Mai Văn Tuấn dần có chút vốn liếng. Và khi độ chín về kinh nghiệm đã đến, anh quyết định chấm dứt làm thuê cho người khác.

"Đánh bạc" với biển

Thời điểm 2013, khi Mai Văn Tuấn dự định khởi nghiệp sắm tàu vươn ra ngư trường lớn Hoàng Sa, xã Hải Ninh lúc bấy giờ rộ lên phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nhiều người giàu lên nhờ con tôm. Nhưng anh chọn cho mình lối riêng...

"Canh bạc" anh đánh cùng biển khơi là việc mượn 13 sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng vay tiền đóng tàu. Kể về cái liều của mình, Mai Văn Tuấn tâm sự: "Hơn 10 năm làm thuê cũng chỉ đủ nuôi vợ, nuôi con. Chuyện khởi nghiệp được hai vợ chồng tính kỹ. Thời điểm chưa có chính sách vay theo Nghị định 67, nên chỉ có cách "cắm" sổ đỏ. Anh em, bà con, bạn bè, làng xóm thương gia cảnh nghèo, lại chịu thương chịu khó nên tất thảy đưa sổ đỏ cho mượn mà không hề tính toán phân vân. Mọi người chỉ thắc mắc "Răng không theo nghiệp nuôi tôm mà đi biển làm chi, biết lúc mô thu hồi lại vốn, trả hết tiền vay?".

Huy động được 13 thẻ đỏ trong tay, Mai Văn Tuấn mang đến ngân hàng thế chấp; mỗi thẻ vay từ 100 đến 300 triệu đồng, tổng cộng anh Tuấn "mượn" 2,5 tỷ đồng và dồn cả vào việc đóng tàu. Sau thời gian hơn 4 tháng đóng tàu và lắp đặt thiết bị tại tỉnh Bình Định, tháng 10-2013, con tàu mang biển kiểm soát QB94020-TS, công suất 370CV hoàn thành, trị giá lên đến 4,5 tỷ đồng.

Tháng 12-2013, thuyền trưởng Mai Văn Tuấn cùng 20 thuyền viên ra khơi chuyến đầu. Cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới tung bay trên con tàu thơm mùi sơn mới hướng vùng biển Hoàng Sa thẳng tiến.

Biển không phụ người

Mai Văn Tuấn cho biết, để đến được vùng biển Hoàng Sa, tàu xuất phát từ cảng Đà Nẵng, mất trọn một ngày đêm mới đến được nơi cần đến. Cũng không ít lần tàu của anh đánh bắt đến vùng đánh cá chung; đôi lần bị tàu ngư chính Trung Quốc rượt đuổi...

Tàu QB94020-TS, công suất 370CV của ngư dân Mai Văn Tuấn.
Tàu QB94020-TS, công suất 370CV của ngư dân Mai Văn Tuấn.

Anh nhẩm tính, trung bình mỗi tháng có một chuyến ra khơi, trong đó 20 ngày trên biển, hơn 2 năm can trường bám biển, tàu của anh có trên 20 chuyến ra khơi. Cứ mỗi chuyến đi "thuận buồm xuôi gió" thu về khoảng 400 đến 600 triệu đồng, trừ 100 triệu đồng tiền phí tổn, còn lại là lãi. Chị Trương Thị Trường Giang, vợ anh Tuấn góp chuyện: "Sau hơn 2 năm, vợ chồng tui trả ngân hàng được 2 tỷ đồng tiền vốn, rút 13 sổ đỏ về đưa lại cho bà con, họ hàng, bạn bè. Con tàu giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương hàng tháng từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi người".

Giữa muôn trùng sóng nước, bên cạnh anh Tuấn luôn có 20 người bạn "cùng hội, cùng thuyền" một lòng đoàn kết, chia ngọt, sẻ bùi. Dù trong cuộc sống, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, nhưng khi lên tàu, vượt sóng ra khơi thì tất cả như thể anh em một nhà, tình cảm bền chặt. Dù ngoài khơi xa biển có rộng, sóng có to, anh em cũng bao bọc lấy nhau, sẻ chia mọi khó khăn gian khổ...  để rồi sau mỗi chuyến trở về, đủ đầy, hạnh phúc, họ lại mong ngày vươn khơi xa, nơi đó biển quê hương luôn chở che anh em họ.

Bàn đến câu chuyện của tương lai, Mai Văn Tuấn lấy cho tôi xem một tập tài liệu dày được anh cẩn thận bọc trong túi bóng. “Chuẩn bị có thêm một thành viên mới. Một ngày không xa nữa, gia đình sẽ có thêm con tàu thứ hai cùng song hành vươn khơi xa". Khác là con tàu này hiện đại hơn, vỏ sắt, công suất 829CV, mức đầu tư lên đến 29 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67; thiết kế tàu và mọi thủ tục vay đã hoàn tất" -  anh Tuấn chia sẻ.

Thêm một con tàu, thêm từ 20 đến 30 lao động con em Hải Ninh có việc làm ổn định. Hơn thế nữa, thêm những con người can trường bám biển, ngày đêm góp công, góp sức bảo vệ biển đảo quê hương.

Hương Trà