.

Những người đi mở đất

Thứ Sáu, 06/05/2016, 17:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân xã Hóa Phúc (Minh Hóa) tập trung sinh sống ở thôn Kiên Trinh. Đó là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, đất đai chật chội, trong khi dân số lại tăng nhanh. Trước tình hình trên, ông Đinh Minh Phận, Chủ tịch UBND xã lúc đó đã quyết định dời nhà về thôn Sy mở đất làm kinh tế. Sau khi ông Phận dời nhà, hàng chục hộ dân khác đã theo ông về vùng đất mới. Gần 20 năm trôi qua, vùng đất này đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ dân.

Trước đây, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa có tất cả 3 thôn là Kiên Trinh, Sy Hạ, Sy Thượng. Đến năm 1955, khi Nhà nước có chính sách cải cách ruộng đất, giảm tô, thì một số người dân trong xã đã chuyển đi các nơi khác. Lúc này, cả xã chỉ còn lại khoảng 50 hộ dân, họ bàn nhau vào thôn Kiên Trinh sinh sống. Đó là một thung lũng được bao bọc bởi bốn bề núi cao, rất khó khăn mỗi lần ra vào. Trong khi đất ở thôn Sy Hạ, Sy Thượng rộng lớn lại bị bỏ hoang rồi thành rừng.

Do đất chật người đông nên cuộc sống của bà con thôn Kiên Trinh rất khó khăn, con cái đi học hết sức vất vả. Đến năm 1999, Thiếu tướng Cao Lương Bằng, một người con ưu tú của quê hương Hóa Phúc về Kiên Trinh thăm mồ mả tổ tiên và làm việc với lãnh đạo xã. Tại buổi làm việc này, Thiếu tướng đã bàn bạc với Đảng bộ, chính quyền và đi đến thống nhất việc dời dân trở lại vùng Sy Hạ, Sy Thượng sinh sống, xây dựng cuộc sống mới.

Hướng đi đã mở, nhưng làm sao để thực hiện đó là cả một vấn đề. Để triển khai việc dời dân, Đảng bộ xã Hóa Phúc đã cho họp các đảng viên lại để bàn bạc rồi cùng nhau đi đến thống nhất thực hiện dự án dời dân, tuyên truyền, vận động để nhân dân cùng thực hiện. Khi ý Đảng hợp với lòng dân, cả xã đã đăng ký di dời về vùng đất mới. Còn đề án giãn dân giao cho ông Đinh Minh Phận, Chủ tịch UBND xã lập rồi trình lên UBND huyện và tỉnh.

Ông Đinh Minh Phận bên cánh rừng sắp thu hoạch của mình .
Ông Đinh Minh Phận bên cánh rừng sắp thu hoạch của mình .

Tuy dự án nhanh chóng được phê duyệt nhưng chỉ cho di dời 25 hộ (khoảng 1 nửa số dân) và hỗ trợ 20 triệu đồng. Trước nhu cầu quá lớn của người dân, xã đã cho bà con tiến hành bốc thăm xem ai được đi, ai ở lại. Ngoài 25 hộ nằm trong đề án, xã quyết định bổ sung thêm 7 hộ cùng di dời.

Có được danh sách người đi, người ở, ông Đinh Minh Phận cùng với đoàn cán bộ xã lặn lội, trèo đèo, lội suối ra vùng Sy để cắm mốc, phân đất cho từng hộ. Qua một thời gian, 32 mảnh đất đã được quy hoạch, cắm mốc xong, trung bình mỗi mảnh khoảng chục ha đất. Tiếp đó, ông đã gọi toàn bộ số dân ra tiến hành bốc thăm, nhận đất, san nền để chuẩn bị cho việc di dời.

Công tác giãn dân đã chuẩn bị xong xuôi, đến ngày dỡ nhà thì không ai chịu dỡ đi trước vì lo ngại dự án không thành công. Để trấn an nhân dân, ông Phận đã quyết định tháo nhà mình đi trước. “Tôi là cán bộ, là người lập dự án này nên phải tiên phong làm trước thì dân mới tin, mới làm theo. Sau hai ngày tôi đã dựng nhà trên vùng đất mới”, ông Phận nhớ lại.

Với phương châm, “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, nhà ông Phận dời đi, đến lượt ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã rồi nhiều gia đình cán bộ, đảng viên trong xã cũng dời nhà. Qua 2 tháng, toàn bộ 32 ngôi nhà đã được chuyển từ thôn Kiên Trinh về thôn Sy.

Ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc kể: “Để tiết kiệm công sức, thời gian, tiền của cho nhân dân, Đảng ủy đã chỉ đạo bà con cùng chung tay dỡ, dựng nhà không lấy tiền công, khi làm nhà xong cũng không tổ chức ăn uống. Còn vấn đề vận chuyển, xã nhờ xe tải của một đơn vị đang thi công công trình thủy lợi ở thôn Kiên Trinh chở vật liệu vào rồi chở nhà ra cho bà con”. Ông Đinh Quang Vinh, một người dân di dời nhà thời đó nói: “Lúc dời nhà thì ai cũng lo, nhưng thấy anh Phận, anh Liêm chuyển thì tôi cũng làm theo”...

Năm 2001, xã Hóa Phúc tiếp tục tạo điều kiện cho 20 hộ dân từ thôn Kiên Trinh tự bỏ kinh phí, di dời nhà cửa ra thôn Sy sinh sống. Đến nay, số dân của thôn Sy đã lên 104 hộ, cao hơn nhiều so với thôn Kiên Trinh với 42 hộ. Sau khi dân cư đông đúc, Chương trình 135 đã đầu tư làm con đường cấp phối từ xã Hóa Tiến về tới xã Hóa Phúc. Rồi dự án năng lượng nông thôn đã hỗ trợ cho bà con kéo điện về cả ba thôn trong xã.

Đến năm 2002, đường xuyên Á nối từ ngã ba Hóa Tiến qua xã Hóa Phúc, về Hồng Hóa, ra tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Hóa Phúc đi lại, thông thương. Cũng từ đó, cuộc sống của người dân xã Hóa Phúc ngày càng khởi sắc.

Năm 2003, huyện Minh Hóa ban hành nghị quyết phát triển trồng rừng và chăn nuôi. Thực hiện nghị quyết của huyện, xã Hóa Phúc cũng đã ban hành nghị quyết trồng rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương rồi vận động bà con tham gia. Câu chuyện trồng rừng ở xã Hóa Phúc cũng hết sức gian nan khi bà con lại “nghi ngờ” nghị quyết, thậm chí có nhiều người phản đối rất quyết liệt không chịu làm theo.

Để động viên dân trồng rừng, các ông Đinh Minh Phận, Đinh Thanh Liêm và ông Đinh Hồng Ân - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân, ông Cao Bá Đồng cán bộ Văn phòng nay là Chủ tịch UBND xã nhận mỗi người 2 ha đất để trồng rừng. Tranh thủ những lúc nghỉ việc ở cơ quan và ngày cuối tuần, cả 4 ông cán bộ này về nhà huy động vợ con, anh em cật lực mở đất trồng rừng.

Ông Đinh Hồng Ân kể lại: “Thời đó, thấy chúng tôi trồng rừng nhiều bà con ai cũng chê cười. Thậm chí có người còn nói là trồng rừng chắc để làm củi, mà đất này củi tràm, keo thì ai đốt mô”. Bỏ qua tất cả mọi nghi ngờ của người dân, cả 4 ông vẫn ngày tháng quyết tâm mở đất trồng rừng. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, những vườn keo, tràm lớn lên từng ngày thành những cánh rừng xanh tốt. Đúng 7 năm, gần chục ha rừng của ông Phận, ông Liêm, ông Ân, ông Đồng đã cho thu hoạch với số tiền mỗi hộ gần 100 triệu đồng.

Thu hoạch xong lứa rừng đầu tiên, ông Phận và những người còn lại tiếp tục “đổ” vốn trồng rừng. Học theo các ông, hàng chục hộ dân trong xã bắt đầu trồng rừng. Người trồng ít thì được 1 ha, người trồng nhiều cũng trên cả chục ha. Riêng gia đình ông Phận đã trồng được 12 ha rừng keo, gần 2 ha trầm hương, hàng ngàn cây ăn quả và khoanh nuôi bảo vệ 5 ha rừng tự nhiên. Hiện ông đã bán được 2 lứa rừng trồng với số tiền trên 200 triệu đồng, có 3 ha đang chuẩn bị thu hoạch. Còn vườn cây ăn quả, sản phẩm từ chăn nuôi của nhà ông Phận mỗi năm cũng thu nhập được vài chục triệu đồng.

Anh Phạm Hồng Thái, một người dân ở thôn Sy tâm sự: “Nhờ học theo ông Phận và cán bộ xã giãn dân trồng rừng mà nhà tôi đã sớm thoát được nghèo, nuôi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng cho chúng”. Anh Thái là một trong hàng chục hộ dân ở xã Hóa Phúc đã thu nhập được hàng trăm triệu đồng từ rừng. Hiện cả xã Hóa Phúc có gần 2.400 ha đất rừng khoanh nuôi, trên 1.000 ha rừng được bảo vệ và trên 200 ha rừng trồng. Năm 2015, toàn xã đã khai thác được 400m3 gỗ keo, tràm, bán được hàng tỷ đồng...

Giờ đây, trên mảnh đất hoang vu ngày nào đã trở thành trung tâm của xã Hóa Phúc. Ở đó đang có hàng chục hộ dân là triệu phú rừng trồng với thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thành quả ngày hôm nay có công của những người đầu tiên đi mở đất mà tiên phong là ông Đinh Minh Phận, nguyên Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc năm xưa.

Xuân Vương