.

Dấu ấn 10 năm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình: Những chuyện... "hiếm thấy"!

Thứ Sáu, 01/04/2016, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mỗi đời người, thời gian 10 năm chưa thể nói lên điều gì. Nhưng với một doanh nghiệp, đó nhiều khi là cả một vòng đời với đầy rẫy những hỉ, nộ, ái, ố… Với riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình, ngần ấy thời gian chỉ đủ để một đứa trẻ ốm yếu thiếu sữa vụt dậy thành một thanh niên cường tráng; cho dù phía trước còn lắm bão giông, nhưng như cánh diều ngược gió, cứ thế bay lên…

Ông Đặng Xuân Huề được vinh danh là Doanh nhân tiêu biểu ASEAN năm 2014.
Ông Đặng Xuân Huề được vinh danh là Doanh nhân tiêu biểu ASEAN năm 2014.

1. Đã lâu lắm tôi mới có dịp "lạc bước" vào phòng làm việc của ông Đặng Xuân Huề - "gã đầy tớ đích thực" của Công ty cổ phần XNK Quảng Bình. Vì đã lâu nên thấy nhiều thứ mới lạ được ông bài trí trong phòng. Đập vào mắt là mấy tấm hình khổ lớn mà chủ nhân căn phòng có dịp chụp riêng với một số yếu nhân đất Việt mà thiên hạ vẫn thường thấy trên VTV1 vào các khung giờ thời sự. Rồi khá nhiều những bằng khen, giải thưởng... mà ông và đơn vị giành được.

Nhưng gây ngạc nhiên lẫn tò mò hơn cả đối với tôi, ấy là tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Đảng bộ công ty vì "đã có thành tích trong 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Quả thực đây là "của hiếm". Bởi một doanh nghiệp mà quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng Đảng đã là hiếm rồi, huống chi lại còn đi đầu trong phong trào học tập và làm theo gương Bác!

Đem thắc mắc hỏi, tổ chức Đảng mạnh thì có làm cho công ty giàu lên được không? Bí thư Đảng ủy Đặng Xuân Huề từ tốn rằng, tuy tổ chức Đảng không trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh, nhưng là "bà đỡ" tinh thần không thể thiếu. Nếu cấp ủy đảng trong doanh nghiệp thực sự mạnh, lo chu đáo công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ, thì sẽ góp phần đắc lực trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh và đổi mới doanh nghiệp...

"Rất mừng là từ trước tới nay, cấp ủy đảng và HĐQT cũng như Ban giám đốc công ty luôn đoàn kết một lòng, cùng đồng tâm hiệp lực và đồng cam cộng khổ. Chỉ cần đoàn kết thôi thì nhất định sẽ thành công" - ông Huề chia sẻ.

Công ty và cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Đặng Xuân Huề đã được Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ, ngành Trung ương tặng bằng khen; được trao tặng nhiều giải thưởng như "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" (2011), "Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Bình" (2012), Top "100 nhà quản lý xuất sắc" của khối ASEAN (2013), "Doanh nhân văn hóa vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" (2013), "Nhân tài đất Việt thời kỳ đổi mới" (2014), "Nhà quản lý giỏi UNESCO" (2015)…

Với quan điểm ấy, không lạ khi biết rằng, 6 năm liền Đảng bộ công ty được xếp loại vững mạnh tiêu biểu; và đến thời điểm hiện tại, đảng bộ có tới 60 đảng viên, chiếm gần 70% tổng số lao động toàn công ty - một tỷ lệ đáng mơ ước cho bất kỳ tổ chức cơ sở đảng nào trong khối doanh nghiệp!

2. Nếu bất ngờ có ai hỏi bạn, chỉ số KPI là gì, hẳn rất nhiều người trong chúng ta lúng túng. Tôi cũng không là ngoại lệ. Hỏi "cụ" Google, mới hay đó là chỉ số đánh giá công việc. Có thể hiểu khái quát thế này: Mỗi chức danh, vị trí trong đơn vị được yêu cầu xây dựng bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc hàng tháng. Nhà quản lý sẽ áp dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả công việc của chức danh đó. Dựa trên việc hoàn thành KPI, công ty sẽ có các chế độ thưởng phạt cho từng cá nhân...

Đây là mô hình quản lý tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, và nếu áp dụng nó, nhà quản lý sẽ có được cái nhìn tổng thể về mục tiêu công việc, các nhân tố quyết định và các công việc cần ưu tiên trước. Nhờ KPI, mà sự đánh giá đối với từng cá nhân minh bạch, công bằng và cụ thể hơn... Ở nước ta, mô hình quản lý này mới chỉ được áp dụng tương đối rộng rãi từ vài ba năm nay thôi.

Thế mà cách đây 5 năm, Công ty cổ phần XNK Quảng Bình đã tiên phong "khai ấn", cũng là bước đi táo bạo hiếm thấy. Ông Huề hoan hỉ, nhờ KPI mà nội bộ không còn tỵ nạnh nhau vì sao thu nhập tôi cao hơn anh, và vì sao anh B chị C được đề bạt tăng lương nhanh thế... Cái phương châm nổi tiếng mà công ty ông đang thực hiện, là "làm hết việc chứ không làm hết giờ", cũng có được nhờ ứng dụng thành công chỉ số quản trị KPI ấy.

3. Cách đây chẵn 10 năm, khi tiến hành cổ phần hóa, công ty nằm trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Tổng số cán bộ công nhân viên của Công ty XNK Quảng Bình thời điểm ấy là 193 người, thuộc hàng hùng hậu bậc nhất trong số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ. Thế nhưng khi chuyển sang cổ phần thì hầu hết lãnh đạo chủ chốt và nhiều nhân viên có kinh nghiệm thương trường đồng loạt xin nghỉ chế độ, chỉ còn lại 60 người. (Nhưng bù lại, bằng sự tâm huyết và sáng tạo, 60 bàn tay khối óc ấy đã cùng nhau vượt qua bao thác ghềnh mà nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới hiểu!).

Rộn ràng công trường khai thác đá.
Rộn ràng công trường khai thác đá.

Khó khăn càng thêm chồng chất khi ngoài món nợ khổng lồ phải trả, thì trong số những người bám trụ lại, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi hàng tháng, không đủ nuôi sống gia đình, nên khi nộp tiền cổ phần phải đi vay mượn, thậm chí có người phải cầm cố nhà cửa. Đã thế, đơn vị còn bị nhiều ngân hàng thương mại thời bấy giờ quay lưng...

Trong tình thế nguy nan ấy, ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty, ông Đặng Xuân Huề đã quyết định dốc toàn bộ vốn liếng gia đình dành dụm bấy lâu, cộng thêm cầm cố 2 sổ đỏ vay ngân hàng, để cho công ty mượn (tổng cộng hơn 10 tỷ đồng) làm vốn kinh doanh mà không tính lãi một đồng nào! Nói ra điều này, chắc hẳn không mấy ai tin, và tôi cũng thế.

Nhưng ông dẹp tan mối hoài nghi của người đối diện-là tôi- bằng giọng chia sẻ chân thành và hóm hỉnh: "Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình liều. Bởi đó là cả gia tài lúc bấy giờ. Lúc ấy như chơi một canh bạc, may mắn thì cứu được công ty và lấy lại được vốn cho mình, nếu không thì trắng tay hoàn toàn. Tôi quê quán Châu Hóa-Tuyên Hóa, nếu khi ấy mà thua thì chắc trong lý lịch phải ghi trú quán là “đầu đường xó chợ” mất rồi... Tuy nhiên, nếu được làm lại, chắc chắn tôi vẫn sẽ quyết định như thế!".

Nhờ bản lĩnh và sự quyết đoán ấy của người cầm lái, cộng thêm sự tin tưởng và đoàn kết một lòng của tất thảy mọi người trong đơn vị, đặc biệt là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, của Ngân hàng Công thương Quảng Bình (có thời điểm dư nợ của công ty lên tới 70 tỷ đồng mà phía ngân hàng chỉ cho vay bằng tín chấp), công ty đã từng bước vượt qua sóng gió. Từ con số âm buổi đầu, sau hơn 5 năm đã trả hết nợ ngân hàng (tổng cộng khoảng trên 100 tỉ đồng), sản xuất kinh doanh không ngừng phát triển.

Bằng vốn tự có tích lũy được, công ty đã và đang liên kết liên doanh với một số đơn vị trong và ngoài nước để khai thác và chế biến khoáng sản xuất khẩu, khai thác đá công nghiệp, sản xuất vật liệu hàn, sản xuất than xanh (tại Lào)... với tổng vốn đầu tư hàng triệu USD. 10 năm qua, công ty đã đóng góp vào dòng chảy của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chế độ chính sách cho người lao động luôn bảo đảm đầy đủ, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên từ năm 2011 đến nay là 20 tháng lương mỗi năm. Công ty chưa bao giờ nợ lương, nợ thuế, nợ BHXH. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công ty còn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ một số chính quyền địa phương và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền chi hỗ trợ gần 6 tỷ đồng...

Sẵn sàng đương đầu với thử thách và nhiệt thành san sẻ lợi ích với cộng đồng là một triết lý sống đầy nhân văn và cũng là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công mà không phải doanh nghiệp doanh nhân nào cũng "ngộ" ra và kiên trì theo đuổi tới cùng. Nhưng ít ra, tôi đã thấy một doanh nghiệp, doanh nhân như thế!...

Ghi chép của P.V