.

Làm du lịch theo cách... người trẻ!

Thứ Bảy, 08/11/2014, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Du lịch của TP.Đồng Hới đang đổi mới từng ngày, nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng du lịch trên thế giới và đáp ứng nhu cầu ngày một cao của du khách. Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa dám mạo hiểm, vẫn “chung thủy” đi theo những cách thức kinh doanh cũ, truyền thống và an toàn hơn, đã thấy sự xuất hiện một vài người trẻ, liều lĩnh và táo bạo hơn rất nhiều. Họ sẵn sàng mạo hiểm, đương đầu với thử thách để “làm được gì đó cho du lịch Đồng Hới, ghi dấu ấn đối với du khách trong và ngoài nước”.

 

Du lịch của TP. Đồng Hới đang đổi mới từng ngày. Ảnh: Thành Vương
Du lịch của TP. Đồng Hới đang đổi mới từng ngày. Ảnh: Thành Vương

Bỏ Thủ đô, về phố biển... mở Homestay!

Gặp Hà Thị Huyền Trang (Bắc Lý, TP.Đồng Hới) tại khu Homestay Ocean View (đang ngổn ngang công việc chuẩn bị khai trương) ở xã Quang Phú, TP. Đồng Hới với khá nhiều bất ngờ.

Bất ngờ trước hết là không ai nghĩ một cô gái sinh năm 1990, chỉ vừa rời giảng đường đại học 2 năm lại có thể táo bạo một mình mở Homestay (hình thức du lịch cộng đồng), kế đó lại càng ngạc nhiên hơn, bởi cô gái bé nhỏ này trước khi về quê hương cũng đã “kịp” tạo dựng một mô hình kinh doanh thời thượng tại Thủ đô Hà Nội.

Huyền Trang chia sẻ, khi lựa chọn khoa Việt Nam học, Đại học Sư phạm Hà Nội, em đã gửi gắm mong muốn khám phá, hiểu biết sâu hơn về văn hóa của người Việt Nam, từ đó tìm cơ hội để quảng bá nét đẹp đó đến với bạn bè quốc tế.

Vì vậy, ngay từ năm đầu tiên của đại học, Huyền Trang đã vận dụng nhiều phương thức để trau dồi vốn tiếng Anh của mình, từ học tại các trung tâm ngoại ngữ, lên phố cổ trò chuyện cùng khách du lịch quốc tế hay vào các diễn đàn trên mạng Internet, kết bạn, học hỏi, khám phá ngôn ngữ cùng nhiều nét văn hóa khác nhau trên thế giới.

Đến năm thứ 3 đại học, một ý tưởng chợt lóe lên trong suy nghĩ của Huyền Trang khi em nhận thấy nhiều bạn bè đã thuê một căn hộ lớn và sau đó chia nhỏ phòng cho sinh viên thuê lại. Vậy, nếu mô hình này áp dụng cho những người nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội, thì hiệu quả kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nghĩ là làm, sau khi bàn bạc với mẹ (dù Huyền Trang tâm sự, nhiều ý tưởng kinh doanh của em đều bị mẹ “phủ quyết không thương tiếc” do lo lắng cho con gái), Huyền Trang vẫn quyết định bắt tay vào dự án nhỏ này với số vốn từ tiền học bổng và vay mượn. Căn nhà đầu tiên được thuê tại đường Âu Cơ, quận Tây Hồ và tự tay em làm hết mọi công việc, từ thủ tục cho thuê, đến vệ sinh, dọn dẹp... Nguồn khách cho thuê được Trang tìm kiếm trên các diễn đàn uy tín nhất, và rất may mắn khi ngay từ tháng đầu tiên, em đã tìm được những vị khách đáng tin cậy và thu hồi vốn của mình.

Từ thuê căn nhà đầu tiên đến thuê căn nhà thứ hai mất khoảng 8 tháng, nhưng từ căn nhà thứ 2 sang thứ 3, thứ 4 thì chỉ trong một thời gian rất ngắn. Công việc kinh doanh thuận lợi, Huyền Trang tự mình đã có thể vừa kiếm thêm thu nhập ổn định, lại vừa có cơ hội giao tiếp, trau dồi phong nền tiếng Anh, văn hóa của mình.

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn quay trở về Đồng Hới, bỏ công việc kinh doanh đang khá thành công ở Thủ đô, Huyền Trang trả lời không chút do dự: “Em muốn đóng góp một phần khả năng nhỏ bé của mình để đưa hình ảnh du lịch Đồng Hới, Quảng Bình tạo điểm nhấn trong lòng du khách quốc tế”. Đó chính là lý do khiến Huyền Trang quyết định mở một Homestay ngay tại thành phố biển xinh đẹp.

Bấy lâu nay, nhắc đến du lịch cộng đồng, như Farmstay, Homestay, người ta đã quen thuộc với hình ảnh này tại các khu vực nông thôn, miền núi, gần hơn với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và cũng chưa có ai nghĩ sẽ mở chúng ở thành phố. Huyền Trang lý giải, đây chính là sự bó khung trong kinh doanh du lịch, bởi trên thực tế, kinh doanh du lịch là phải dám làm, dám mạo hiểm và dám thử thách.

Sau quá trình khảo sát nhiều địa điểm khác nhau, lựa chọn xã biển Quang Phú để mở Homestay, em khẳng định, địa điểm này vừa hấp dẫn khách quốc tế bởi vẻ đẹp nguyên sơ của rừng, của biển, người dân làng chài thuần hậu, chất phác, vừa là trung tâm liên kết với các điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh ta.

Phong cảnh đẹp, nhân viên thân thiện, dịch vụ tốt nhất là thế mạnh của Ocean View Homestay.
Phong cảnh đẹp, nhân viên thân thiện, dịch vụ tốt nhất là thế mạnh của Ocean View Homestay.

Từ ý tưởng đến khi hoàn thiện chỉ vẻn vẹn 10 tháng, Ocean View Homestay có 8 phòng với sức chứa 21 người sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho du khách nước ngoài thích sự yên tĩnh, thanh bình và muốn hòa mình vào cuộc sống của thiên nhiên, xa rời sự ồn ào của đô thị. Điểm khác biệt giữa Homestay này và các cơ sở lưu trú khác, theo Huyền Trang, chính là phong cách phục vụ thân thiện, mến khách, mang đến dịch vụ tốt nhất và nỗ lực đưa văn hóa Quảng Bình đến gần hơn với du khách, biến nơi đây không chỉ là một điểm lưu trú thuần túy.

Ngay khi Homestay đi vào hoạt động, Trang sẽ có sự kết nối với những đơn vị kinh doanh du lịch khác để mở các tour khám phá cuộc sống người dân bản địa, làng nghề truyền thống, cắm trại... hướng về du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, đời sống địa phương cho du khách nước ngoài.

Khi gặp gỡ Huyền Trang, sẽ ít ai nghĩ em chỉ mới ở độ tuổi ngoài 20 bởi một phong thái tự tin, độc lập và rất mạnh mẽ, quyết đoán. Chỉ một vài ngày nữa Ocean View Homestay sẽ chính thức đón những vị khách quốc tế đầu tiên, Huyền Trang tin tưởng vào hướng đi mà mình đã lựa chọn và kỳ vọng sẽ góp phần nhỏ đưa Đồng Hới đến gần hơn với bè bạn quốc tế theo cách riêng của chính mình.

Mở quán café... vì môi trường

Bùi Quang Thịnh, sinh năm 1987, đến từ thị xã An Nhơn, Bình Định, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại TP.Đồng Hới và quyết định mở một quán café nho nhỏ, trên tuyến đường Nguyễn Du, ven bờ sông Nhật Lệ với mục đích ban đầu là... bảo vệ môi trường.

Ý tưởng xây dựng quán Tree Hugger Café đến với Quang Thịnh khá bất ngờ. Theo một dự án liên quan đến phát triển bền vững cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số người Khùa ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bà con được khuyến khích sản xuất các sản phẩm mây tre đan thủ công, tinh xảo để vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa hạn chế tối đa vào rừng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Sản phẩm làm ra dù kỳ công, nhưng khó có nguồn tiêu thụ, chính vì vậy, Quang Thịnh chợt nảy ra ý tưởng mở một quán café nhỏ để trưng bày, quảng bá và giúp bà con bán các sản phẩm này đến tận tay khách du lịch, người dân bản địa.

Bên cạnh đó, mục đích cao hơn mà Quang Thịnh hướng đến là từ quán café của mình, bạn trẻ đến đây sẽ có một cách nhìn khác về môi trường, tự mình nhận thức được vai trò, vị trí của bản thân trong việc bảo vệ môi trường qua những thông điệp mà quán gửi gắm đến.

Từ đó, Tree Hugger Café ra đời. Cái tên “Tree Hugger” (Người ôm cây) được bắt nguồn từ một phong trào bảo vệ môi trường rất ý nghĩa xuất phát từ làng Khejarli, Ấn Độ vào năm 1730. Những người dân làng đã hy sinh thân mình ôm chặt các thân cây thiêng Khejri để ngăn không cho chính quyền địa phương đốn hạ chúng.

Các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số bày bán tại Tree Hugger Café có sức hấp dẫn lớn với du khách.
Các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số bày bán tại Tree Hugger Café có sức hấp dẫn lớn với du khách.

Từ ý tưởng ban đầu hướng đến môi trường xanh trong giới trẻ, đối tượng phục vụ của quán được mở rộng hơn, đặc biệt tới các du khách quốc tế. Chỉ mới hơn 4 tháng đi vào hoạt động, nhưng Tree Hugger Café đã nhận được những phản hồi rất tốt từ khách nước ngoài.

Trên trang TripAdvisor (một trang web cung cấp các công cụ để người sử dụng trên khắp thế giới bình chọn, đánh giá chất lượng mọi sản phẩm, dịch vụ du lịch), anh Jane McDonie phấn khích chia sẻ, quán café này có tất cả mọi điều mà một khách du lịch cần ở TP.Đồng Hới với cách bày trí ấn tượng, cây xanh, ánh sáng dịu nhẹ, phong cảnh đẹp, thái độ phục vụ thân thiện, hòa nhã. Không ít du khách bày tỏ sự ấn tượng và thích thú với những bức ảnh đẹp về Quảng Bình cùng hệ thống các đồ lưu niệm làm bằng tay được trưng bày và bán ở Tree Hugger Café.    

Quang Thịnh cho biết, mặc dù diện tích quán khá nhỏ hẹp, nhưng anh tận dụng tối đa để quảng bá các sản phẩm mây, tre đan thủ công (như: mâm, giỏ, rổ, rá...) của đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi sản phẩm được gắn với hình ảnh, lời minh họa qua từng câu chuyện riêng về quá trình làm ra sản phẩm đó.

Chính vì vậy, du khách quốc tế rất ngưỡng mộ và thường xuyên lựa chọn để làm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, Tree Hugger Café cũng nỗ lực quảng bá đến du khách nét tinh túy của ẩm thực Quảng Bình thông qua những sản vật đặc trưng, như: mật ong Minh Hóa, nước khoáng Bang...

Hai hoạt động thu hút sự quan tâm của giới trẻ tại Tree Hugger Café chính là book box (hộp sách) và câu lạc bộ tiếng Anh. Quang Thịnh chia sẻ, book box xuất phát từ ý tưởng của dự án Free Little Library (Thư viện nhỏ miễn phí), một dự án cộng đồng phi lợi nhuận có mặt trên thế giới từ năm 2010 và bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2014 ở các thành phố lớn.

Tại Quảng Bình, book box lần đầu tiên được triển khai tại quán, nhằm mục đích thúc đẩy phong trào đọc sách và chia sẻ sách trong giới trẻ. Với một hộp sách nhỏ gọn chứa từ 20-30 cuốn sách đặt ngay cửa quán, bất kỳ ai, dù có vào quán hay không, cũng đều có thể mở hộp và lấy một cuốn sách về đọc, với điều kiện phải thay vào đó bằng một cuốn sách khác.

Câu lạc bộ tiếng Anh của quán dành cho những bạn trẻ muốn học, tìm hiểu tiếng Anh thông qua các buổi nói chuyện, thảo luận theo chủ điểm và không giới hạn thành viên, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Các bạn trẻ còn có thể trực tiếp giao lưu, trao đổi với các vị khách quốc tế đến quán để trau dồi ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp của mình.

Mong muốn lớn nhất của Quang Thịnh bây giờ là sẽ mở rộng thêm tầng 2 của Tree Hugger Café để thực hiện một “bảo tàng” thu nhỏ về các dân tộc anh em trên đất Quảng Bình và trưng bày nhiều sản phẩm thủ công độc đáo hơn nữa của bà con.

Không chỉ riêng Huyền Trang, Quang Thịnh, mà chắc chắn rằng vẫn còn nhiều bạn trẻ nữa cũng đang ấp ủ những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh táo bạo, góp phần làm đẹp lên hình ảnh của TP.Đồng Hới, Quảng Bình trong mắt du khách. Và dù đến từ Quảng Bình hay bất cứ địa phương nào, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào..., tất cả họ đều gặp nhau ở điểm chung: họ đều trẻ, đều “dám” liều mình thử sức, đều yêu và lựa chọn Đồng Hới, Quảng Bình để thăng hoa những ý tưởng của mình.

Mai Nhân