.

"Bảo Ninh đây rồi chẳng lụy đò đưa"...

Thứ Bảy, 01/11/2014, 11:53 [GMT+7]

(QBĐT) - “Về với quê anh qua cầu Nhật Lệ/Bảo Ninh đây rồi chẳng lụy đò đưa...”, một nhạc sĩ đã viết những ca từ như vậy khi giới thiệu với du khách về bán đảo Bảo Ninh xinh đẹp, "hòn ngọc" của TP. Đồng Hới trẻ trung. Mảnh làng bên sông bên biển  mát lành và đậm vị mặn mòi ấy giờ được khoác lên chiếc áo mới lộng lẫy bên bờ Nhật Lệ. 

Ráng chiều đỏ au bên chân sóng Bảo Ninh. Chúng tôi bắt đầu đốt lửa và quây quần nhâm nhi đặc sản biển quê hương là những cút rượu đẻn biển và mực một nắng nướng thơm phức. Trong câu chuyện về một thời chưa xa, bạn tôi nói mình ít nhất đã 10 năm làm công dân Bảo Ninh, chứng kiến được những đổi thay đến diệu kỳ của làng biển này...

Trong dòng suy tư hồi tưởng ấy, tôi chợt nhớ lại lần trò chuyện với nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Bảo Ninh Trần Ngoan. Ông kể rằng: Điện về Bảo Ninh là sự kiện đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm cán bộ cơ sở của ông, làm thoả lòng mong ước bao đời của nhân dân trên dãi cát Trường Sa (dài 12km do Đào Duy Từ thiết kết năm 1630- TG).

Đầu tháng 11 năm 1992, Đảng uỷ họp bất thường để đón nhận tin vui và thông báo cho người dân trong xã biết, đồng thời triển khai công việc đón điện theo kế hoạch. Ngày 12-11-1992, cán bộ, nhân dân Bảo Ninh kéo về đồi cát Hà Dương đông như trẩy hội để chứng kiến thời khắc điện vượt sông Nhật Lệ sang Bảo Ninh. Tết Nguyên đán năm 1993, Hà Dương là thôn đầu tiên của Bảo Ninh có điện, nhiều người trong xã kéo đến chia vui, như để chứng kiến việc Bảo Ninh có điện là sự thật. Dịp quốc khánh 2-9 năm ấy, điện về với toàn bộ xã Bảo Ninh.

Làng biển Bảo Ninh đang dần trở thành một phường trung tâm của TP. Đồng Hới.
Làng biển Bảo Ninh đang dần trở thành một phường trung tâm của TP. Đồng Hới.

Ông Trần Ngoan kể tiếp: Có điện đã giải quyết được mối lo về sinh hoạt và thúc đẩy sản xuất thuỷ sản phát triển nhưng Bảo Ninh vẫn còn là xã ngoại thị... chưa có đường. Những đôi chân trần ngăm đen, cứng cáp cứ vục vào cát bỏng từ triền sông ra phía cửa biển, mơ một ngày có con đường chạy từ đầu đến cuối xã. Các mẹ, các chị xỏ chân vào hai miếng gỗ buộc chéo dây tựa đôi dép tông để gánh cá vượt qua đồi cát cho kịp buổi chợ chiều họp bên mép sóng. Bảo Ninh là vậy, tự tin vượt lên, bền dai sống trên triền cát nhưng chưa thôi giấc mơ về một con đường. Thế rồi giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Năm năm sau ngày có điện, Bảo Ninh có đường. Gọi là đường cho oai chứ thực ra chỉ là rẻo đất đỏ đổ sơ qua, vắt qua đồi cát, để đôi chân đỡ lún vào cát. Mấy tháng sau, con đường thành hình hài, nối Bảo Ninh với xã bạn trên dãi cát Trường Sa chạy dài mé biển. Thế là nhà nhà tập xe đạp, người người tập đạp xe, cả làng tập xe đạp!

Nhưng cũng rất nhanh, 10 năm sau những chiếc xe đạp tập đi ngày cũ đã được thay bằng nhiều xe máy hạng sang phóng ào ào trên con đường liên thôn trải nhựa phẳng lì. Có ngư dân từng đánh vật với chiếc xe đạp cà tàng ngày trước nay đã sắm được xe hơi, đã là ông chủ của đội tàu hùng hậu trị giá nhiều tỷ đồng.

Sông Nhật Lệ bao đời cách trở. Bảo Ninh vẫn là xã “vùng sâu, vùng xa” của thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ. Sau điện, đường là chiếc cầu, người dân Bảo Ninh ước thế. Có cầu, người dân quê mẹ Suốt mới có cơ hội đổi đời. Thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình biết đấy song ngặt vì tỉnh còn nghèo, đành đợi.

Cho đến năm 2002, với sự hỗ trợ của Chính phủ, dự án xây dựng cầu Nhật Lệ chính thức được khởi công trong sự quá đỗi vui mừng của người dân Bảo Ninh. Cùng với cây cầu thì vùng cát bên kia sông cũng được đánh thức bằng việc đầu tư xây dựng khu du lịch cao cấp Sun spa resort Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh. Khi cầu xong thì khu du lịch cũng vừa hoàn thành, Bảo Ninh bắt đầu được biết tới như một bán đảo du lịch- nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.

Bạn tôi là viên chức nhỏ nhưng có vẻ là người thức thời. Khi Bảo Ninh đang là “vùng sâu” anh đã liều mình xuống thuyền sang bên kia mua đất để...an cư với cái lý “tỉnh, thị xã giàu lên rứa thì cũng phải bắc cầu qua sông chứ”. Khi anh mua, đất bên “vùng sâu” kia rẻ như cho, tiện thể anh làm luôn 300m2.

Hôm ngồi nhâm nhi với anh, tôi đùa, bạn giờ đã có tiền tỷ trong tay. Anh nói, không chỉ anh mà sau khi Bảo Ninh có cầu, đường sá được trải thảm, đất cát có giá hẳn lên, người dân có điều kiện để sửa sang lại nhà cửa hoặc tạo chút vốn liếng làm ăn. Quả là sau 10 năm có cầu Nhật Lệ, Bảo Ninh mang một bộ mặt mới, sắp trở thành một phường trung tâm của thành phố Đồng Hới.

Tỉnh đã quy hoạch xây dựng xã Bảo Ninh thành trung tâm du lịch và đô thị biển vào năm 2020 với ba vùng: vùng phía đông là khu nghỉ dưỡng, bãi tắm; vùng phía tây là các khu khách sạn cao tầng, văn phòng, công trình công cộng và vùng kề cận phía tây là khu đô thị mới. Điểm thuận lợi nữa là cầu Nhật Lệ 2 đang được xây dựng nối phía nam trung tâm thành phố với Bảo Ninh. Đây là điều kiện để Bảo Ninh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng xã về phía nam và thu hút các dự án du lịch.

Chủ tịch xã Bảo Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu vốn là một cán bộ đoàn nên chất thanh niên trong anh vẫn còn đậm. Nhìn anh ôm ghita bập bùng hát những ca khúc về Đồng Hới, về Bảo Ninh quê hương tựa như ca sĩ. Song, không phải chất thanh niên, không phải máu nghệ sĩ ngấm sâu mà anh sao nhãng công việc.

Hỏi đến nghề biển Bảo Ninh, không giấy tờ, anh nói mà không cần suy nghĩ: Toàn xã có gần 500 tàu thuyền, trong đó 403 tàu xa bờ vươn đến tận vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Có 19 doanh nghiệp, 396 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đóng sửa tàu, thuyền, hậu cần nghề cá và các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Thu nhập hàng năm hơn 152 tỷ đồng. Bảo Ninh lập được 47 tổ đoàn kết, hai tổ hợp tác, hai nghiệp đoàn nghề cá, thu hút gần 2.000 lao động tham gia, với thu nhập 4-7 triệu đồng/tháng. Bảo Ninh giờ là một trong ba xã biển mạnh nhất của tỉnh.

Ngôi nhà ngư dân Nguyễn Hữu Bíu nằm giữa làng Mỹ Cảnh, mặt quay ra phía sông Nhật Lệ đón ngọn gió nồm mát rượi. Lão ngư dân nổi tiếng ăn sóng nói gió này từng dong thuyền đi khắp các ngư trường trong nam, ngoài bắc. Quãng giữa năm 1998, khi chương trình đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Bình thất bại do cách làm gán ghép khiên cưỡng không theo quy luật, tàu đánh cá bán không ai mua. Ông Bíu liều cầm cố nhà cửa, vay vốn mua luôn hai tàu xa bờ, tổ chức đại gia đình thành HTX khai thác thủy sản Nhật lệ II, do ông làm chủ nhiệm.

Một góc Bảo Ninh, TP. Đồng Hới nhìn từ trực thăng.
Một góc Bảo Ninh, TP. Đồng Hới nhìn từ trực thăng.

Xã viên là anh em trong một đại gia đình đồng cam cộng khổ, làm ăn có tổ chức, trách nhiệm nên rất hiệu quả. Ông trả nợ xong, mua tiếp con tàu thứ ba làm tàu dịch vụ cho hai tàu kia để giảm bớt thời gian ra khơi vào lộng. Con, cháu bám biển, ông bám trụ Bảo Ninh điều hành sản xuất, từ cung ứng lương thực, đá lạnh, xăng dầu, đến tìm đại lý tiêu thụ hải sản HTX...

Mọi việc đâu vào đấy. Nhật Lệ II thành đơn vị điển hình trong đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Bình từ những năm 2000. Bẵng đi ít năm, nghe đâu ông Bíu đã bán số tàu cũ, đóng hai tàu mới công suất lớn, trong đó có tàu gần 1000 CV- lớn nhất tỉnh. Ông là ngư dân đầu tiên ở tỉnh này tậu xe hơi để đi lại làm ăn. Hôm gặp ông, ông cười, ừ thì chuyện xe cộ là bình thường mà, đội tàu của đại gia đình vẫn giữ được nếp làm ăn, con cháu đề huề cả.

Nhắc đến chuyện những ngày biển “động”, ông nói cương quyết: “Tui nói với các con rồi, Bảo Ninh ta đã bao đời sống bám biển, biển Hoàng Sa là của nhà mình, mình phải giữ, ai dọa dẫm mình chẳng sợ. Với lại trên biển, đảo còn có bộ đội, cảnh sát biển canh giữ Tổ quốc, tàu mình cứ rứa ra khơi”. Sau những chuyến đánh bắt, ông Bíu cập âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) bán sản phẩm và chuẩn bị hậu cần cho chuyến biển mới.

Trăng chếch về phía biển. Trong nồng nàn mặn mòi hương biển và men rượu, bạn tôi chỉ tay về phía cửa biển Nhật Lệ nói: “Thuở đi học, ông nhớ hai câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” không ? Có, có nhớ, thì sao? Thì trong hai câu thơ nổi tiếng đó có hình bóng của cửa Nhật Lệ chứ sao nữa.

Nguyễn Du viết những câu thơ đó khi ông vào làm cai bạ tại Quảng Bình. Giờ cửa Nhật Lệ vẫn còn đó, cánh buồm không còn nữa song nỗi buồn man mác của cụ Nguyễn Du chắc vẫn lắng đọng đâu đây, quyện với vùng đất thơ mộng nhưng đầy giông bão này.

Hoàng Phương