.

Ký sự bản Đoòng - Bài 1: Cùng chung một gốc ruột rà

Thứ Bảy, 22/11/2014, 10:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ bảo với chúng tôi: “Khi nào đóng xong mấy bộ bàn ghế đưa vào cho học sinh bản Đoòng, hẹn nhà báo lên thăm đồng bào, rồi ghé qua hang Én luôn một thể”. Hẹn hò thế nào, khi chúng tôi ngược đường 20 Quyết Thắng đến Trạm kiểm lâm km 40 của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì đã qua tháng 11, mưa rừng bắt đầu rả rích.

 

Ông Nguyễn Sỹ Trắc có thâm niên trên 20 năm làm trưởng bản.
Ông Nguyễn Sỹ Trắc có thâm niên trên 20 năm làm trưởng bản.

Từ km 40, trên đường 20 Quyết Thắng, cắt con đường độc đạo xuyên giữa vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng sâu hun hút, đi bộ chừng ba tiếng đồng hồ, bản Đoòng hiện ra trước mắt. Mùa mưa, đường dốc đá tai mèo trơn trượt, vắt rừng bén hơi người bò lúc nhúc. Chạm đất bản Đoòng, rũ vội hai ống quần, những chú vắt rừng cắn no máu, rơi tròn trên đất.

Năm năm trước tôi đã từng đến với bản Đoòng theo đoàn cán bộ Ban Dân tộc tỉnh. Hồi đó, bản Đoòng nằm giữa thung lũng Rào Thương-hang Én thuộc phân khu bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Bởi thế chiếu theo Luật Di sản, đồng bào phải được vận động di dân định canh ra ngoài vùng lõi di sản.

Bây giờ bản Đoòng vẫn chẳng thay đổi gì nhiều, dăm ba nóc nhà lá lúp xúp, chông chênh giữa bạt ngàn rừng như những cái bát úp. Hồi đó giữa xã Tân Trạch và Sơn Trạch cứ “đùn” nhau, chẳng ai chịu nhận bản Đoòng về với địa giới hành chính của mình, vì bản xa ngái quá, đồng bào chẳng chịu di dân xuống vùng bằng phẳng hơn. Cuối cùng bản Đoòng được quyết thuộc xã Tân Trạch...

Năm 1992, một trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, nhà cửa, nương rẫy, tài sản đồng bào dân tộc Vân Kiều Trường Sơn bị trôi hết theo con nước về biển Đông. Họ còn lại hai bàn tay trắng và một nỗi lo sợ cố hữu... thế là bà con, dòng tộc dắt díu nhau cắt rừng đi bộ ra phía bắc. Họ đi mãi, một bộ phận về định canh tại bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung), bộ phận khác lập bản Rào Con (xã Sơn Trạch), nhánh cuối cùng đi lạc vào giữa thung lũng Rào Thương, lập ra bản Đoòng.

Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc nhận ra người quen, ông vui như vừa “bắt được thêm vợ”, cười rổn rảng. Ông vẫn thế, chẳng thay đổi nhiều, gương mặt đậm dấu ấn thời gian, làn da săn chắc như cây lim, cây táu giữa rừng.

Trưởng bản bảo: “Khách quý đến, nhưng nhà nghèo quá, chẳng có gì để đãi khách. Thôi dùng tạm củ sắn, uống nước lá cây rừng nhé!”. Biết ông chân tình, những vị khách không mời như chúng tôi chỉ biết gật đầu tán thành. “Ngày mới từ Trường Sơn ra, chỉ có 4 hộ gia đình. Hồi mi vô bản, bản Đoòng đông hơn bây chừ, 29 hộ.  Chừ thì chỉ còn 7 hộ thôi với 29 khẩu”. Khách hỏi thế những người khác đi đâu?

Trẻ em bản Đoòng.
Trẻ em bản Đoòng.

Ông Trưởng bản rung đùi: “Ơ... hắn đi tìm vợ, tìm chồng. Nhiều đứa không sống nổi giữa rừng thiêng nước độc bỏ về Sơn Trạch hay ra Tân Trạch. Đại gia đình tao thì không, chẳng muốn đi  mô cả. Ở đây quen rồi!”. Người bản đi, đại gia đình trưởng bản tiếp tục cắm bản, thành ra... bản Đoòng cùng chung một góc ruột rà cả. 5 hộ là con Nguyễn Sỹ Trắc, hộ thứ 6 là cháu gọi trưởng bản bằng chú.

Vì cùng chung gốc rễ, huyết thống nên trai thanh, nữ tú lớn lên đều phải cắt rừng, lội suối, qua Rào Con, vào Khe Ngát, lên các bản làng ở Trường Xuân, Trường Sơn tìm vợ, tìm chồng. Nguyễn Sỹ Trắc khẳng định chắc chắn với chúng tôi rằng từ ngày về đây, dù khó khăn, đói nghèo mấy đi nữa nhưng hủ tục, lạc hậu, mê tín, dị đoan... đã không còn. Hôn nhân cận huyết càng không có. Con gái bản lấy chồng, theo chồng nơi bản mới. Con trai bản “bắt” vợ có thể đưa vợ về. “Nhưng chẳng thấy lũ trai mô quay về cả!”- Trưởng bản uống ực cốc nước thở ra, ẩn khuất cả nỗi niềm!.

Sống giữa vùng lõi di sản, phía dưới tuyệt đỉnh kỳ quan hang Sơn Đòng, tuyệt nhiên dân bản Đoòng không còn đụng vào rừng. Ông Phạm Xuân Huyền, Trạm phó trạm kiểm lâm Km 40 khẳng định với chúng tôi như vậy. Bản xây dựng hương ước bảo vệ rừng hẳn hoi, ký cam kết với Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thực hiện bản vệ rừng trong khu vực quản lý nghiêm ngặt. Ngoài một ít diện tích lúa rẫy, bà con chỉ biết trồng sắn, ngô, nuôi thêm con gà, khoảng 5 đến 6 con trâu bò.

Những ngôi nhà lá nhỏ bé của đồng bào Vân Kiều bản Đoòng.
Những ngôi nhà lá nhỏ bé của đồng bào Vân Kiều bản Đoòng.

Mùa giáp hạt, dân bản thường bị thiếu đói. Gạo lên đến trung tâm xã Tân Trạch, gặp thời tiết nắng ráo, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sỹ thuê người gùi vào cho dân bản Đoòng. Lúc trái gió, trở trời, mưa lũ kéo dài, đường tắc... người bản Đoòng tự mình cưu mang, đùm bọc lẫn nhau đắp đổi qua ngày. Cuộc sống nơi bản Đoòng xa ngái vì thế chẳng thấy thay đổi bao nhiêu dù thời gian từ khi lập bản đến nay ngót ngét 22 năm trường.

Không điện, không đường, không trạm, không chợ, không sóng điện thoại di động... rất nhiều cái không ở bản Đoòng heo hút. Người bản hiếm khi về xuôi vì đường đi chông chênh đá tai mèo, vắt rừng nhung nhúc khi bén hơi. Chợ huyện, chợ tỉnh là một chân trời xa vời, đầy ước mơ đối với người bản Đoòng.  Bà Hồ Thị Hòa, vợ trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc đập tay bôm bốp vào chân đuổi muỗi rừng khoe rằng: “Từ khi phát hiện ra hang Sơn Đoòng, thỉnh thoảng có khách ngang qua bản, nhiều người trong số họ gửi lại đồng bào chút ít lương thực, thực phẩm”...

Câu chuyện về bản Đoòng được chúng tôi mang ra kể với Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ. Thắc mắc lớn nhất là tại sao không di dân ra gần đường 20 Quyết Thắng hơn, để đỡ khổ cho đồng bào và đỡ khổ cho chính quyền? Ông Bí thư Đảng uỷ xã bảo: “Vô đó, nhà báo thấy tâm tư, nguyện vọng bà con thế nào thì đã rõ. Muốn lắm chứ... ai chẳng muốn dân mình định canh định cư, cuộc sống ấm no dần lên, nhưng đồng bào không ưng cái bụng, đành chịu”.

“Đất lành chim đậu” - người Vân Kiều bản Đoòng tâm niệm thế, chính quyền các cấp huyện Bố Trạch tôn trọng cách chung sống hòa bình, thân thiện của đồng bào trong lòng di sản, dù cuộc sống hiện tại khó lòng đổi thay trong ngày một ngày hai.

Thanh Long-Hải Sâm

Bài 2: Ngôi trường kỳ lạ dưới hang Sơn Đoòng