.

Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Cần có giải pháp hữu hiệu

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2014-2016 vừa qua, tình hình xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB), bên cạnh những kết quả đạt, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để đạt hiệu quả cao hơn.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Thể hiện trước hết, đó là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về GTĐB và quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực GTĐB của các cấp, ngành hiệu quả chưa cao. Chưa thực sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức của người tham gia giao thông. Cùng với đó, sự tham gia phối hợp của TAND, VKSND trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến nghị giải pháp nhằm hạn chế vi phạm chưa nhiều.

Đáng nói, công tác tuần tra, kiểm soát chủ yếu theo phương thức kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, nên hành vi vi phạm được phát hiện phần lớn liên quan đến điều kiện về phương tiện và điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe, không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm...

Trong khi việc sử dụng phương thức tuần tra, kiểm soát cơ động chưa nhiều, chưa kiểm soát hết địa bàn nên việc phát hiện hành vi vi phạm quy tắc GTĐB (hành vi nguy hiểm trực tiếp gây tai nạn giao thông) chưa nhiều; hiệu quả tuần tra, kiểm soát phát hiện vi phạm chưa cao.

Trong 3 năm (2014-2016), lực lượng chức năng đã tổ chức 35.152 ca tuần tra, kiểm soát với 137.550 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, nhưng chỉ phát hiện được 101.741 trường hợp vi phạm. Như vậy, mỗi lượt chiến sĩ tham gia phát hiện chưa đến 1 trường hợp vi phạm. Thực tế đó cho thấy, số vụ vi phạm phát hiện còn ít so với tình hình vi phạm xảy ra trong thực tế.

Thời gian gần đây, tình trạng xe quá tải tham gia giao thông tại một số tuyến đường có chiều hướng gia tăng trở lại, nhưng chưa được phát hiện, xử lý triệt để. Tình trạng xe khách đón, trả khách không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa được xử lý nghiêm; chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm, sử dụng lòng, lề đường. Việc bảo quản phương tiện vi phạm tạm giữ còn nhiều bất cập, nhất là việc do không có nhà, kho, bãi có mái che để bảo quản, nên phương tiệm tạm giữ thường để ngoài trời dẫn đến xuống cấp, giảm giá trị tài sản.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường hợp chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên các cơ quan chức năng chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành; chưa hướng dẫn, xem xét thực hiện miễn, giảm tiền phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự, việc giải quyết các vụ tai nạn giao thông còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như, để bảo đảm giao thông thông suốt và tác động của các yếu tố thời tiết nên trong nhiều trường hợp không thể giữ nguyên được các dấu vết trên hiện trường. Nhiều vụ tai nạn giao thông không thể xác định được ngay mức độ hậu quả gây thiệt hại nên khó xác định được thẩm quyền tham gia giải quyết từ đầu của các lực lượng chức năng. Việc nắm bắt, kiểm sát giải quyết tin báo tội phạm của VKSND cấp huyện theo nguồn tin chủ yếu từ Cơ quan điều tra.

Lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát cơ động trên các tuyến đường, địa bàn thường xảy ra vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát cơ động trên các tuyến đường, địa bàn thường xảy ra vi phạm.

Đáng nói, một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng không tiến hành định giá tài sản; hầu hết những người bị thiệt hại về sức khỏe đều từ chối giám định thương tích, nhưng quá trình điều tra không có biện pháp thuyết phục người bị hại thực hiện giám định nên dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng khung hình phạt. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị cáo khai trước khi gây tai nạn giao thông có uống rượu, bia nhưng quá trình điều tra ban đầu không áp dụng các biện pháp xác định nồng độ cồn để áp dụng đúng khung hình phạt.

Trên thực tế số lượng các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB mà người vi phạm không có giấy phép lái xe tương đối nhiều. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa tích cực áp dụng các biện pháp để đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm của chủ sở hữu phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện GTĐB. Cụ thể, trong 3 năm (2014 đến 2016) có đến 25 bị cáo gây tai nạn khi không có giấy phép lái xe, nhưng chỉ xử lý được 2 bị cáo về tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện GTĐB...

Nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng

Qua việc giám sát và chỉ rõ ra những tồn tại hạn chế của công tác xử lý vi phạm lĩnh vực GTĐB,  Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đưa ra các kiến nghị đề xuất cụ thể đối với các cấp, ngành. Trong đó, đối với UBND tỉnh, UBND cấp huyện cần chỉ đạo các cơ quan chức năng; UBND huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực GTĐB.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, đặc biệt là tuyến liên xã... UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế rà soát cung cấp thiết bị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bệnh viện nghiêm túc thực hiện quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; chỉ đạo Trung tâm pháp y tỉnh thực hiện giám định qua bệnh án đối với trường hợp không thể giám định trực tiếp. Chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời thực hiện các thủ tục liên quan đến tịch thu, đấu giá phương tiện vi phạm...

Đối với Công an tỉnh, Công an cấp huyện, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát cơ động trên các tuyến đường, địa bàn thường xảy ra vi phạm, trong đó tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về quy tắc tham gia giao thông. Mặt khác, đề nghị với Bộ Công an, UBND tỉnh cấp kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật GTĐB; xây dựng nhà bảo quản phương tiện tạm giữ.

Chủ động và phối hợp thực hiện đo nồng độ cồn và chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông; cùng với việc trưng cầu giám định tử thi cần thực hiện việc trưng cầu giám định thương tích, trưng cầu định giá tài sản theo đúng quy định pháp luật đối với các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản để xử lý đúng pháp luật.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang an toàn GTĐB; tăng cường kiểm tra ngăn chặn vi phạm về tải trọng ngay tại các bến bãi bốc xếp hàng hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông.

Công an tỉnh, Công an cấp huyện và Thanh tra Sở GTVT tổ chức rà soát các trường hợp chưa thi hành quyết định xử phạt để có biện pháp giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các trường hợp bị tạm giữ giấy tờ, hạn chế tình trạng xin cấp lại giấy tờ để trốn tránh thi hành quyết định xử phạt.

Đối với VKSND, TAND tỉnh và cấp huyện, cần tích cực tham gia và phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật GTĐB. Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, xét xử kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trong lĩnh vực GTĐB...

Riêng đối với VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện cần kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định và định giá tài sản trong các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản để xử lý đúng pháp luật. Thực hiện kháng nghị đối với các bản án sơ thẩm quyết định loại và mức hình phạt không nghiêm, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội...

Đối với TAND tỉnh và TAND cấp huyện phải xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm cao, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong điều kiện tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp...

Bùi Thành