.

Cảnh giác với thủ đoạn dàn cảnh để quay phim, chụp ảnh rồi xuyên tạc trên internet

Thứ Bảy, 22/07/2017, 18:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra các vụ việc liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện. Nội dung các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện tập trung vào các lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, đặc biệt là việc khiếu kiện liên quan đến sự cố môi trường biển xảy ra vào đầu tháng 4 năm 2016. Đáng lên án là, nhiều vụ tụ tập đông người, khiếu kiện đã bị kẻ xấu kích động, lợi dụng...

Sau khi sự cố xảy ra, với sự nỗ lực và vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền 4 tỉnh miền Trung, đến nay, công tác chi trả tiền đền bù cho ngư dân Quảng Bình và 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, kể từ ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh ta nhiều lần kéo đến trụ sở UBND các cấp để kiến nghị với chính quyền về việc đề bù sau sự cố.

Vì nhẹ dạ cả tin, nghe theo sự kích động của các đối tượng xấu, một số người dân đã kéo ra Quốc lộ 1A làm ách tắc, cản trở giao thông.
Vì nhẹ dạ cả tin, nghe theo sự kích động của các đối tượng xấu, một số người dân đã kéo ra Quốc lộ 1A làm ách tắc, cản trở giao thông.

Trong khi đó, việc đền bù cho người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng, nhất là ngư dân ven biển của tỉnh ta đã được UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện một cách khẩn trương, triệt để, đúng đối tượng theo tinh thần Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiền bồi thường, hỗ trợ đã nhanh chóng chuyển đến tay người dân.

Người dân các vùng ven biển đã và đang từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống. Việc sản xuất, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân dần đi vào ổn định sau khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh là bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng...

Tuy nhiên, cố tình không ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, một số đối tượng xấu đã câu kết với nhau, kích động, xúi giục người dân, trong đó có một bộ phận giáo dân, bỏ bê lao động sản xuất, kéo đến trụ sở chính quyền để “đòi quyền lợi”.

Một số linh mục cực đoan lợi dụng giáo lý thần quyền, ép buộc con chiên ngoan đạo, phụ nữ và trẻ em vùng giáo đi biểu tình, kéo đến trụ sở chính quyền để gây sức ép. Cũng chỉ với luận điệu quen thuộc, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần “đền bù cho thỏa đáng” và “hành động vì môi trường”.

Trong khi đa số ngư dân toàn tỉnh đều đã đồng tình, chấp nhận nhận tiền đền bù, ổn định sản xuất và đời sống. Đâu đó vẫn còn một số bộ phận nhân dân còn nhẹ dạ, cả tin, vì bị kích động, xúi giục, ép buộc, vô hình chung tiếp tay cho mục đích xấu xa, đen tối của một số người, đó là những vị linh mục cực đoan, những đối tượng chống đối chính trị.

Thủ đoạn của chúng là kêu gọi, kích động người dân xuống đường biểu tình, mang theo băng cờ, khẩu hiệu với những luận điệu chống đối chính quyền. Cách hoạt động của chúng hết sức tinh vi, lợi dụng phụ nữ và trẻ em, kéo đi thành đoàn cầm cờ, khẩu hiệu đi trên các trục đường lớn, thậm chí kéo cả ra Quốc lộ 1A, gây cản trở, ách tắc và mất trật tự an toàn giao thông.

Khi có lực lượng chức năng đến để giải tỏa nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người, phương tiện đi lại, chúng tạo cớ để gây hấn, chống lại lực lượng chức năng, rồi lu loa lên rằng chính quyền đàn áp người dân công giáo, tạo sự chia rẽ trong nhân dân, làm mất tình đoàn kết lương giáo...

Đi liền với những việc làm đó, chúng thường tổ chức cho người của chúng quay phim, chụp ảnh, rồi cho đăng phát trên các mạng xã hội, đưa lên các diễn đàn trên internet với những bình luận dối trá.

Điển hình là các vụ việc vào tháng 4 năm 2016, trong quá trình làm nhiệm vụ, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, đấu tranh, khai thác 2 đối tượng có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh để tán phát trên mạng Internet nhằm kích động người dân, xuyên tạc tình hình đất nước. Đó là các đối tượng Trương Minh Tam (sinh năm 1970) tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và đối tượng Chu Mạnh Sơn (sinh năm 1989) tại Yên Thành, Nghệ An.

Kết quả đấu tranh, khai thác: Trương Minh Tam khai nhận, Tam đã tham gia phong trào "Con đường Việt Nam", tiến hành thu thập thông tin các vụ việc "nhạy cảm" về chính trị, phỏng vấn số đối tượng có quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam để tán phát trên facebook “Con đường Việt Nam” nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, phê phán, chỉ trích chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng...

Còn Chu Mạnh Sơn khai nhận: Sơn được nhiều cá nhân, tổ chức phản động trong ngoài nước liên hệ, lôi kéo, đề nghị tham gia. Hiện Chu Mạnh Sơn là thành viên nhóm “Việt Tân tương trợ” - nhóm kín do “Việt Tân” lập ra trên mạng xã hội facebook. Ngày 30/4/2016, Chu Mạnh Sơn cùng một số đối tượng đón xe khách vào Quảng Bình thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập đông người gửi cho các đối tượng để tán phát trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, kích động chống phá.

Ngày 30-4-2016, Chu Mạnh Sơn có mặt tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, sử dụng điện thoại di động chụp ảnh bà con nhân dân tụ tập trên Quốc lộ 1A để gửi qua facebook thì bị Công an Quảng Bình, Hà Tĩnh phát hiện tạm giữ, cùng nhiều công cụ, phương tiện phục vụ việc thu thập thông tin khác...

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 20 vụ việc liên quan đến việc khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân. Tuy nhiên, đáng chú ý có nhiều vụ tụ tập đông người có tổ chức thực hiện theo một “kịch bản” có sẵn để khiếu kiện đòi quyền lợi, đòi mở rộng diện đối tượng được đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Đó là âm mưu, ý đồ thâm độc của một số đối tượng phản động, chống đối chính trị bên ngoài móc nối, cấu kết, tài trợ, chỉ đạo các đối tượng ở Quảng Bình hoạt động chống phá. Chúng dựa vào sự nhẹ dạ cả tin của bà con để kích động, xúi giục người dân đi biểu tình, kéo đến trụ sở chính quyền các cấp, trụ sở tiếp công dân của tỉnh nhằm gây mất an ninh trật tự.

Một số giáo dân quá khích nhảy lên bu bám trên xe của lực lượng chức năng, tạo cớ để cho các đối tượng khác quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Một số giáo dân quá khích nhảy lên bu bám trên xe của lực lượng chức năng, tạo cớ để cho các đối tượng khác quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.

Đồng thời, chúng kích động người dân sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, tạo cớ rồi dùng máy điện thoại, máy quay phim để chụp ảnh ghi hình và xuyên tạc nội dung, đăng tải trên các trang mạng xã hội. Khi hoàn thành “nhiệm vụ”, số đối tượng này được nhận tiền từ các tổ chức phản động bên ngoài.

Với những hành vi trên, có thể thấy rằng, các đối tượng chống đối, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, danh dự của mình để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mỗi một sự việc nào diễn ra, chúng đều bố trí người tiến hành quay phim, ghi hình để tung lên mạng xã hội. Chính số đối tượng này là những kẻ hô hào, xúi giục, kích động mạnh mẽ nhất, làm sao đạt cho được mục đích càng đông người dân, giáo dân đi theo càng tốt, ghi được nhiều hình ảnh càng tốt. Có như thế thì chúng mới có được những đồng tiền từ các tổ chức phản động gửi về.

Chỉ tội cho những người dân, giáo dân nhẹ dạ, cả tin chỉ vì nghe theo sự xúi giục của các đối tượng xấu mà bỏ bê công việc lao động sản xuất, còn tiền bạc do các tổ chức phản động tài trợ thì các đối tượng xúi giục được hưởng.

Vì vậy, việc kéo lên trụ sở chính quyền đòi quyền lợi của một số ngư dân, giáo dân ở một số địa phương trong thời gian qua là cơ hội, là sự tiếp tay cho các đối tượng phản động, linh mục cực đoan cấu kết với nhau, kích động, chia rẽ nhân dân, chống lại chính quyền để phục vụ cho mục đích, ý đồ xấu xa, đen tối của chúng.

Mỗi một người dân cần tỉnh táo và kiên quyết không nghe theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh...

Trung Thực