.
Phòng, chống tham nhũng:

Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (tiếp theo)

Thứ Sáu, 18/11/2016, 08:12 [GMT+7]

3. Các biện pháp hợp tác đặc biệt để thu hồi tài sản tham nhũng

Các quốc gia thành viên phải nỗ lực để có thể chuyển cho quốc gia thành viên khác thông tin về tài sản có được từ các tội phạm quy định trong Công ước này mà không cần phải có đề nghị trước, khi xét thấy thông tin tiết lộ có thể giúp quốc gia thành viên nhận tin trong việc điều tra, truy tố hoặc xét xử, hoặc có thể dẫn đến việc quốc gia thành viên đó đưa ra yêu cầu theo quy định tại Chương V của Công ước (Điều 56).

Điều 46 về Tương trợ pháp lý trước đó cũng có quy định rằng, các cơ quan chức năng của một quốc gia thành viên có thể chuyển thông tin liên quan đến tội phạm cho cơ quan chức năng của quốc gia khác nếu họ tin rằng thông tin đó có thể hỗ trợ cho cơ quan này tiến hành hay kết thúc thành công các cuộc điều tra và tố tụng hình sự hoặc rằng việc chuyển thông tin đó sẽ dẫn tới việc quốc gia kia đưa yêu cầu theo Công ước này.

Cơ chế chuyển thông tin liên quan đến tội phạm là một hình thức hỗ trợ không chính thức rất hiệu quả, qua đó các cơ quan chức năng hoặc các đơn vị tình báo tài chính có thể cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết cho điều tra. Cơ chế này là chất xúc tác quan trọng cho thành công bước đầu của vụ án thu hồi tài sản của cựu trùm tình báo Peru Montesinos, thu hồi lại 18 triệu USD cho Chính phủ Peru.

Điều 67c trong Đạo luật của Liên bang về Tương trợ Tư pháp Quốc tế về vấn đề hình sự của Thụy Sỹ cho phép cơ quan chức năng tự động chuyển thông tin tới quốc gia khác những thông tin liên quan đến tội phạm đang bị truy tố hoặc bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra khi xác định được rằng việc chuyển thông tin này sẽ cho phép khởi tố hình sự hoặc tạo điều kiện cho quá trình điều tra hình sự tại quốc gia đó. Đạo luật cũng khẳng định việc chuyển thông tin này sẽ không ảnh hưởng đến việc tiến hành thủ tục tố tụng hình sự ở Thụy Sỹ.

4. Trả lại và định đoạt tài sản tham nhũng

Điều 57 của UNCAC đánh dấu điểm nhấn sáng tạo trong việc xử lý tài sản tham nhũng được thu hồi, đó là việc định đoạt và trả lại tài sản.

Theo đó, Công ước trao cho các quốc gia thành viên quyền định đoạt, kể cả trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp trước đó của tài sản bị tịch thu. Quy định này về nguyên tắc ghi nhận nghĩa vụ của nước được yêu cầu thu hồi phải định đoạt và hoàn trả tài sản tịch thu được và khẳng định quyền của chủ sở hữu hợp pháp sẽ được trao trả tài sản.

Tuy nhiên, khi các quốc gia được yêu cầu thu hồi được nắm quyền định đoạt khối tài sản cũng đồng nghĩa với rủi ro tài sản có thể sẽ được hoàn trả kèm theo điều kiện không thoả đáng (tỷ lệ tài sản trả lại cuối cùng là thấp so với phần tài sản mà quốc gia thu hồi giữ lại), thời gian hoàn trả kéo dài do việc trả lại tài sản không nằm trong những ưu tiên của chính phủ tại những thời điểm nhất định hoặc sự hoàn trả không đúng đối tượng. Khi tài sản tham nhũng có nguồn gốc là tiền biển thủ công quỹ thì quốc gia nạn nhân hiển nhiên là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản thất thoát đó.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi yêu cầu thu hồi có thể là một trong những hình thức đòi bồi thường thiệt hại hơn là khẳng định quyền sở hữu. Một quốc gia thành viên yêu cầu có thể không có khả năng chứng minh quyền sở hữu trước đó hoặc yêu cầu bồi thường phần thiệt hại do một số hành vi phạm tội tham nhũng gây ra. Tài sản thu được từ một số hành vi phạm tội nào đó, chẳng hạn như hối lộ và tống tiền, liên quan đến hình sự tuy có gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng tài sản đó không phải là tiền mà Nhà nước có quyền hưởng.

Do đó, yêu cầu thu hồi đối với những tài sản này sẽ mang tính chất đền bù hơn là dựa trên quyền sở hữu tài sản trước đó. Bởi vậy, các yêu cầu của chủ sở hữu hợp pháp trước đó và các nạn nhân khác của tội phạm tham nhũng rất cần được xem xét cùng với yêu cầu của các quốc gia thành viên.

Đ.T

(Còn nữa)