.

Đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến, nhiều vụ việc mới phát sinh đã được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Mội số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài thuộc thẩm quyền của các địa phương đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm khách quan, đúng pháp luật..., góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở.

Để Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động quán triệt pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của luật cho người dân ở các địa phương.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở nhiều chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, trang thông tin và hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nhờ đó, nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Từ 1-7-2012 đến 1-7-2016, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 2.604 đơn khiếu nại, 1.096 đơn tố cáo. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tranh chấp đất đai; thực hiện chính sách xã hội; làm giả giấy tờ, man khai hồ sơ để hưởng chế độ; chính sách thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; chế độ thanh niên xung phong; vi phạm pháp luật về quản lý đất đai; tuyển dụng cán bộ, bố trí, chuyển đổi về công tác cán bộ; vi phạm đạo đức, phẩm chất trong thi hành công vụ; hiện tượng tham ô, tham nhũng...

Qua xử lý, phân loại có 1.399 đơn khiếu nại (cấp tỉnh 208 đơn, cấp huyện 1.191 đơn) và 301 đơn tố cáo (cấp tỉnh 35 đơn, cấp huyện 266 đơn) đủ điều kiện thụ lý, xem xét giải quyết. Các cơ quan hành chính đã giải quyết được 296 đơn khiếu nại, (đạt tỷ lệ trên 98,3%) và 296 đơn tố cáo (đạt tỷ lệ trên 98,3%).

Qua giải quyết công tác khiếu nại đã trả lại cho công dân 2.432 triệu đồng, 79.132m2 đất; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 1.582 triệu đồng; đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng với diện tích 264.671m2; hủy bỏ 1 giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; công nhận chế độ thương binh cho 2 trường hợp; thẩm định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 6 hộ dân, với tổng diện tích 14.874m2 đất; đề nghị xử lý hành chính 20 người; trả lại cho công dân 927,5 kg thóc.

Đối với công tác giải quyết đơn thư tố cáo, đã thu hồi cho Nhà nước 286,5 triệu đồng, 492.520m2 đất; thu hồi 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai quy định; xử lý kỷ luật 14 người; buộc thôi việc 1 người; chuyển vị trí công tác 2 người; minh oan cho 7 người và kiểm điểm, rút kinh nghiệm 11 tập thể, 27 cá nhân.

Thực tế cho thấy, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo về công tác giải quyết khiếu nại, chú trọng giải quyết các vụ việc khiếu nại tập thể, đông người, vượt cấp và các vụ việc mới phát sinh. Những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài đã được giải quyết cơ bản dứt điểm. Năm 2015 và 2016 công tác giải quyết khiếu nại đã đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội trong phạm vi địa phương; chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác giải quyết khiếu nại, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp.

Thanh tra tỉnh và các tổ chức thanh tra đã tích cực triển khai thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc chấp hành Luật Khiếu nại; phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại; tổ chức tiếp trên hàng nghìn lượt công dân, nhiều đoàn khiếu kiện đông người; phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương xử lý có hiệu quả các tình huống phát sinh. Nhiều vụ việc đã tổ chức họp với sự tham gia của các ngành có liên quan để tranh thủ ý kiến trước khi ban hành quyết định giải quyết, nhằm bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, tập trung chỉ đạo và giải quyết các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ cao (trên 98,3%).

Nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng về tố cáo. Những vụ việc tố cáo kéo dài liên quan đến đất đai, các chính sách xã hội có sự phối hợp giữa Thanh tra tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện để thống nhất biện pháp giải quyết, hạn chế những sai sót về nghiệp vụ, đôn đốc giải quyết các vụ việc bảo đảm tiến độ. Các vụ việc tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2015-2020, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 đều được tập trung xử lý, giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Đó là, còn không ít địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trong việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại phức tạp chưa được khắc phục. Nhiều vụ việc khiếu nại giải quyết còn chậm, có vụ việc giải quyết không phù hợp với thực tế nên không chấm dứt được khiếu nại.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật thiếu kịp thời và dứt điểm, dẫn đến người khiếu nại tiếp tục gửi đơn với thái độ rất bức xúc, hoặc chuyển sang viết đơn tố cáo cán bộ lãnh đạo chính quyền, tố cáo cán bộ trực tiếp giải quyết. Vấn đề nắm tình hình các vụ việc khiếu nại chưa chính xác, chưa kịp thời, còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý các tình huống phức tạp; chưa tập trung để giải quyết các nội dung cơ bản, nhất là cơ chế, chính sách...

Trong công tác giải quyết tố cáo, việc phân loại, tham mưu xử lý một số đơn chưa chính xác, còn nhầm lẫn giữa tố cáo và kiến nghị, phản ánh; giữa khiếu nại và tố cáo. Một số vụ việc giải quyết chưa đúng thời gian quy định. Trong quá trình xử lý đơn có vụ việc còn để lộ thông tin về người tố cáo...

Nguyên nhân của vấn đề trên một phần là do nhận thức của người dân đối với chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nhất là ở tuyến cơ sở. Một số cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thật sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, tố cáo nên giải quyết vụ việc chưa khách quan,  hợp lý, hợp tình nên công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo...

Để thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, trong đó chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả các nội dung của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

P.V