.
Phòng, chống tham nhũng:

Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Thứ Sáu, 11/11/2016, 16:43 [GMT+7]

1. Giới thiệu chung

Vấn đề thu hồi tài sản phạm tội đã được đề cập trong một số công ước quốc tế, tuy nhiên chỉ sau khi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) ra đời, chế định về thu hồi tài sản mới được quy định tương đối đầy đủ và toàn diện như những chuẩn mực tối thiểu cho công tác thu hồi tài sản nói chung trên toàn cầu. Công ước đã dành riêng một chương về chế định thu hồi tài sản với tuyên bố: Việc hoàn trả tài sản theo quy định tại chương này là nguyên tắc căn bản của Công ước này và các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau sự hợp tác và trợ giúp tối đa trong vấn đề này (Điều 51 UNCAC).

Trên tinh thần đó, các quốc gia thành viên của Công ước có nghĩa vụ trả lại những tài sản có nguồn gốc từ biển thủ công quỹ, rửa tiền biển thủ từ công quỹ hoặc bất cứ tài sản nào có được do phạm các tội được quy định theo Công ước (Điều 57 UNCAC). UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên hỗ trợ các quốc gia nạn nhân của tham nhũng thông qua việc phong tỏa, tịch thu và trả lại bất kỳ tài sản có nguồn gốc tham nhũng nào trên lãnh thổ của mình. Bên cạnh sự ghi nhận mang tính nguyên tắc như trên, các quốc gia vẫn có thể khấu trừ vào tài sản hoàn trả những khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến việc hoàn trả và xử lý tài sản tịch thu phù hợp với các quy định của UNCAC.

UNCAC cung cấp cơ sở pháp lý để giải quyết những thách thức lớn trong thu hồi tài sản, như việc thực hiện các cuộc điều tra quốc tế và dung hòa những khác biệt trong truyền thống pháp luật ở những nước theo hệ thống dân luật và thông luật, quy định quy trình, thủ tục thu hồi và nguyên tắc cùng hình sự hóa (yêu cầu hành vi tham nhũng được hình sự hóa ở cả hai quốc gia).

Các nghĩa vụ trong công ước bao gồm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý hình sự các hành vi tham nhũng, thực hiện các nỗ lực hợp tác quốc tế bao gồm cả việc trao đổi thông tin, xây dựng nên khuôn khổ thu hồi tài sản được tiêu chuẩn hóa toàn cầu và cuối cùng đòi hỏi tất cả các bên phải tuân thủ cơ chế thực hiện Công ước (cụ thể trong Chương VII).

2. Khởi kiện dân sự để thực hiện yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng của quốc gia khác

Điều 53 của UNCAC quy định: Các quốc gia thành viên, căn cứ vào pháp luật quốc gia, phải áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm cho phép các quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án quốc gia mình để xác định các quyền hay quyền sở hữu đối với số tài sản có được thông qua việc thực hiện các tội được quy định tại Công ước. Công ước đưa ra 3 yêu cầu cụ thể liên quan đến thu hồi tài sản như sau:

- Các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết để cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước (Điều 53, khoản a). Trong trường hợp này, quốc gia đó sẽ là nguyên đơn trong vụ án dân sự. Theo đó, các quốc gia thành viên cần rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để  bảo đảm rằng không có bất cứ rào cản nào đối với quốc gia khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án quốc gia mình;

- Các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó (Điều 53, khoản b). Theo đó, các quốc gia thành viên cần rà soát các quy định hiện hành tại quốc gia mình về vấn đề bồi thường cho nạn nhân và có những điều chỉnh thích hợp để thực hiện yêu cầu này của Công ước;

- Các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép toà án hay các cơ quan chức năng của mình khi ra quyết định tịch thu, công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội được quy định trong Công ước này. Theo đó, các quốc gia cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan đến các tài sản có được do phạm tội để quy định  phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về “tài sản có được do phạm tội”.

Đồng thời, Điều 53 của UNCAC quy định về thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu: Tài sản tham nhũng, phương tiện và chứng cứ tội phạm thường được chủ ý giấu diếm rải rác ở nhiều quốc gia khác nhau để hạn chế tối đa khả năng bị lần ra dấu vết, vì thế công tác thu hồi tài sản đòi hỏi cơ chế phối hợp không chỉ giữa các cơ quan và tổ chức trong nước mà là sự hợp tác ở cấp độ quốc tế về thu hồi tài sản. Điều 54 của UNCAC khuyến nghị các quốc gia thành viên căn cứ theo pháp luật nước mình:

- Tiến hành các biện pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu lực thi hành đối với lệnh tịch thu được đưa ra bởi quốc gia thành viên khác;

- Tiến hành các biện pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền, trong phạm vi quyền tài phán, ra lệnh tịch thu tài sản có nguồn gốc nước ngoài theo phán quyết đối với tội phạm rửa tiền hoặc các tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của các cơ quan này, hay theo các thủ tục khác được quy định trong pháp luật nước mình;

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để tạo điều kiện cho việc thực hiện các yêu cầu tạm giữ và thu hồi quốc tế, các quốc gia thành viên yêu cầu thu hồi tài sản cần tích cực cung cấp chứng cứ để hỗ trợ cho quá trình ra lệnh tịch thu trong nước hoặc có thể cho phép trực tiếp thực hiện lệnh tịch thu của quốc gia yêu cầu thu hồi như lệnh tịch thu trong nước của quốc gia được yêu cầu nếu các điều kiện được đáp ứng.

Đ.T

(Còn nữa)